(CMO) Gió chướng về, sóng biển Gành Hào dữ dội hơn. Mấy ông bà già ngồi trong nhà nhìn ra sợ thiếc che trước nhà bị gió thổi bay đi mất. Con nít thấy nước lên tới mắc cá chân thì chạy ra đùa giỡn, mặc cho cha mẹ chúng kêu réo í ới. Ghe cào, ghe lưới sợ sóng, đậu kín mé bờ.
Bà Trần Thị Trâm (ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) tay chỏi cằm, tay chỉ ra mé sông: “Khi nào nước lên tới cổ mới dời đi chớ giờ mới tới đầu gối hà”. Năm ngoái lở sạt hết một bên nhà, bà Trâm mới dừng vách lại nên cái nhà còn tum húm bên mé sông. Sóng thì cuộn lên tới tấp như muốn nuốt chửng mấy cây cột trơ khung. Chắc do 2-3 giờ khuya phải thức canh chừng cho mấy đứa cháu ngủ, nước ngập tới chân giường, sợ trôi cả nhà xuống sông, bực dọc trong mình nên thấy người lạ ngó nghiêng, bà Trâm hơi nặng lời như thế.
Mấy chục hộ sống trong khu tái định cư Lưu Hoa Thanh giờ hết lo chuyện nhà cửa. Họ chỉ "ngứa ngáy tay chân" vì không có chuyện làm.
Ngày đêm ngóng biển
Ông Nguyễn Văn Tân (51 tuổi, ấp Lưu Hoa Thanh) đi ghe biển từ năm 17 tuổi nên ông rành rọt từng con nước lớn ròng. Khi lập gia đình, ông được cha cho miếng đất nhỏ dưới mé sông Gành Hào cất nhà ra riêng. Mấy năm đi bạn bên Sông Đốc, có số vốn ông về Gành Hào sắm chiếc ghe đi biển bên cửa biển này cho gần vợ con.
Từ năm 2000-2005, do sạt lở, ông phải dời nhà 3 lần. Lần cuối không giữ được nhà nên cả gia đình ông dời xuống ghe sống. 5 người sống chen chúc, thêm 2 cái lư hương cũng đem theo xuống ghe. Năm 2013, được Nhà nước cấp nền lên khu tái định cư, cất xong nhà cửa cũng ngót nghét hơn 100 triệu đồng. Sạch túi, nhưng yên tâm hơn là có tiền mà không biết chìm xuống sông lúc nào.
Hoàn cảnh khó khăn, nhiều trẻ em không được đến trường, đi ra vùng đất bãi bồi để bắt ốc kiếm sống. |
Nhìn mấy vựa cá bên kia sông Gành Hào (Bạc Liêu) làm ăn lao xao, còn ghe mình thì đậu ngoài mé, ông Tân tức tối: “Mọi năm tháng này là đi sang bên Sông Đốc được một chuyến rồi. Mỗi chuyến về cũng được 10-15 triệu đồng, còn đi lưới bên này một ngày cũng vài trăm ngàn, dành dụm chuẩn bị ăn Tết cũng đỡ. Còn mùa chướng năm nay biển động quá, đậu ghe hơn nửa tháng nay chưa ra biển được”.
Cũng là dân trong khu tái định cư, bà Trần Thị Kim Vân (65 tuổi, ấp Lưu Hoa Thanh) “thất nghiệp” gần 2 tháng nay, ở nhà giữ cháu nội cho con trai út, nghe điện về ghe neo ngoài đảo cả tuần nay. Chồng bà đi lưới một ngày được 150.000-200.000 đồng, đắp đổi qua ngày chờ con về. Còn mấy đứa con gái đã đi xứ khác làm ăn.
Bà Vân rầu rầu: “Mùa nam ghe biển về, qua mấy vựa bên sông cắt đầu cá, lựa ruốc một ngày cũng kiếm được một hai trăm ngàn. Còn mùa chướng thì đi mần thưa hơn, còn năm nay là ở không thiệt luôn rồi đó. Giờ đi làm mướn mà phải giành, cỡ 40 tuổi đổ lại thì còn sức khoẻ, 4-5 giờ sáng canh đợi ghe về, giành đồ làm. Còn tuổi tui đâu canh, đâu giành nổi nữa”.
Khu tái định cư ấp Lưu Hoa Thanh có 120 hộ sinh sống. Do cuộc sống quá khó khăn, không có việc làm tại địa phương nên đến nay số hộ rời đi đã gần phân nửa.
Giấc mơ thoát nghèo
4-5 giờ sáng, cả chục vựa thuỷ sản bên Gành Hào (Bạc Liêu) đèn sáng trưng, phụ nữ đi làm kéo qua nườm nượp, còn vựa của ông Sang (Thạch Văn Sang, ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận) bên này thì vắng hoe gần 10 ngày nay.
“Mùa chướng thì không bì được mùa nam rồi. Nhưng năm trước cũng nghỉ chừng 4-5 ngày là có ghe về rồi, ít gì cũng 20-30 tấn ruốc, ghe đánh lọp kéo lên 4-5 tấn. 40-50 phụ nữ, đàn ông vô làm, 5 giờ sáng làm tới chiều. Phụ nữ phân loại cũng được 300.000-400.000 đồng mỗi ngày; đàn ông kéo lưới, công việc nặng nhọc hơn thì ít nhất cũng 500.000 đồng. Bên đây chỉ có 2 vựa, không đủ chỗ làm thì dân qua bên Bạc Liêu làm”, ông Sang than.
Không đất sản xuất, năm ngoái sạt lở mất căn nhà nên bà Phạm Thị Tiên, ấp Đồng Giác, xã Tân Thuận thành hộ nghèo trong ấp. Chờ hoài không thấy ông Sang gọi điện kêu qua làm, bà Tiên đành liều theo nhóm ra bãi bồi ven rừng bắt ốc len, ba khía. Mấy ngày nay sóng lớn, con cái cản không cho bà đi nữa. “Nghe gió chướng về là lo, không có sở làm, bám bãi bồi mà sống, sợ Tết không có nồi thịt kho trong nhà. Biết chừng nào mới hết ăn bám Nhà nước”.
Ông Thạch Dũng thành công với mô hình nuôi dê và heo rừng, thu nhập gần 400 triệu đồng/năm. |
Cả xã này chỉ có ông Thạch Dũng (ấp Lưu Hoa Thanh) là hộ đồng bào dân tộc duy nhất nuôi nổi thằng con học hết đại học. Từ làm mướn, ông gồng mình, cố làm lụng để thoát kiếp nghèo. Giấc mơ tuy có xa xôi, nhưng đến khi tóc điểm bạc, ông Dũng đã biến nó thành hiện thực. 5 ha đất nuôi tôm, đàn dê và heo rừng trên trăm con, mỗi năm đem về cho ông gần 400 triệu đồng.
Ấp có mình ông Dũng giàu thì vẫn chưa gọi là ấp giàu, nên ông lại có thêm giấc mơ là mở trang trại, để cho mấy gã thanh niên lông nhông vô làm kiếm tiền cưới vợ. Ông nói: “Bây giờ đầu ra, vốn tui có sẵn, nếu được chính quyền hỗ trợ về thủ tục và định hướng, mặt bằng nữa là có thể thực hiện được. Nghe nói sắp có dự án xây khu công nghiệp để tạo việc làm cho người dân, tui nghe cũng mừng. Dân thì còn nghèo, chỉ mong có việc làm để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học tới nơi tới chốn. Tui cũng ráng làm để nuôi thằng con ăn học, có chữ nghĩa để sau này nhờ cái thân”.
Nhiều đoạn lộ bị sạt lở, ngập sâu trong nước khi thuỷ triều lên, nhất là khi tuyến đê chưa xây dựng xong, gây khó khăn cho hơn 40 hộ dân ở ấp Lưu Hoa Thanh. |
Mưa xuống, tôi không thể về TP Cà Mau bằng đường cũ nên đành đi vòng bên Bạc Liêu, một đoạn khá dài và qua 2 lần phà. Thị trấn Gành Hào phát triển khá sầm uất là nhờ vào nghề khai thác biển, thương mại dịch vụ và nuôi thuỷ sản. Tại sao Tân Thuận lại không trong khi điều kiện tự nhiên không quá khác biệt? Không bắt buộc phải vụt lên ngang bằng với thị trấn Gành Hào, nhưng xét về tiềm năng thuỷ sản, con người, mặc sự so sánh có vẻ quá khập khiễng nhưng thực tế ai cũng nhìn thấy. Chỉ cách một con sông, bên này nhìn qua thị trấn Gành Hào sầm uất, sung túc; bên đây xóm biển Lưu Hoa Thanh tiêu điều.
Thêm một mùa gió chướng, người dân Tân Thuận lại gồng mình chống chọi lại thiên nhiên ngày một khắc ngiệt.../.
Thảo Mơ
|