ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 29-1-25 05:19:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Gánh hát trên sông

Báo Cà Mau (CMO) Bà lão đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, là diễn viên của một ghe hát ngày xưa, chầm chậm kể về những thăng trầm của nghiệp cầm ca một thời ở vùng sông nước. Ánh mắt xa xăm, giọng nói nhẹ nhàng cùng những dòng ký ức chầm chậm trôi, đôi lúc cũng gợn sóng, giống như dòng sông đang lững lờ trước mặt, cũng có khi cuồn cuộn hay nhấp nhô như sóng bạc đầu.

Minh hoạ: Lý Kiều Loan

"…Lúc tôi khoảng 17, 18 tuổi gì đó… bởi mê hát bội mà trốn nhà đi theo ghe hát. Chỉ biết đọc, biết viết thôi nên đâu được tập tuồng, giao vai. Công việc phục dịch cơm nước vất vả lắm nhưng bù lại tối nào cũng được coi hát, vậy là vui rồi. Vài năm sau, tôi được ông thầy tuồng cho thử vai phụ, vậy mà sau đó tôi trở thành đào chánh, có nghệ danh là Hồng Nhạn, rồi theo ghe xuôi ngược trên các con sông.

Cuộc đời tưởng cứ êm trôi, nào ngờ hát bội không còn được ưa chuộng như trước, thầy tuồng lên Sài Gòn học thêm cách viết cải lương hồ quảng, thế là đoàn hát trên ghe có thêm những vở tuồng mới. Lúc này chắc khoảng năm 1965, 1966, đoàn hát của tôi có tên là Sông Quê, rất nổi tiếng, ghe cập bến nào người dân cũng kéo đến rất đông, ngoài hiếu kỳ là xem mặt diễn viên, họ còn giúp đoàn dựng rạp, kéo hàng rào và các công việc của hậu đài mà không đòi thù lao gì cả. Tất nhiên họ được mời một suất không mất tiền.

Năm nào cũng vậy, dù có bềnh bồng khắp nơi nhưng đầu tháng Chạp đoàn phải quay về con sông cũ, nơi những chiếc ghe neo đậu dài ngày và anh em của đoàn hát coi con sông này như chốn cư ngụ của mình. Hồi đó đâu có quảng cáo như bây giờ, trước giờ diễn vài giờ thì đánh vài hồi trống chầu, tiếng trống vang rất xa, đây là tín hiệu để mọi người chú ý, nghe tiếng trống là bà con nôn nao lắm. Dân quê cả năm làm lụng vất vả, chỉ chờ dịp Tết đi coi hát cho đã! Nhà có xa bao nhiêu họ cũng đi và phải tới nơi trước khi suất hát mở màn. Hôm nào trang điểm xong, tôi vén màn nhìn ra, hàng trăm chiếc xuồng chèo đậu san sát dưới bến, trong lòng mừng lắm. Tôi còn thấy mấy chiếc cập lại, bỏ lên ghe hát buồng chuối, rổ khoai, vài trái khóm hay mớ mồng tơi hoặc xâu cá khô rồi mới lên bờ mua vé. Cũng không biết họ là ai, nhưng chúng tôi đã thọ nhận mồ hôi, công sức của cô Bảy, chị Ba, chú Sáu… ở dọc con sông này. Thật ấm áp làm sao!

Khi xem hát, tới màn gây cấn, éo le hoặc đau thương, nhìn xuống khán giả, họ cũng sụt sùi, thậm chí còn lớn tiếng lên án những nhân vật phản diện trên sân khấu. Lòng nhân hậu và yêu chuộng công bằng, lẽ phải đã gây ra những tiếng ồn, những giọng điệu bực tức khi một tên xâm lược ức hiếp người dân hoặc giở trò với phụ nữ, có khi những diễn viên đó phải hứng chiếc dép hay cái vỏ dừa từ dưới khán giả bay lên.

Nhưng vậy rồi thôi, không có chuyện thù hằn, khi vãn tuồng bà con còn nấn ná lại xem mặt “ông thiện - ông ác” ra sao. Rồi bày tỏ cảm xúc của mình, rồi khen ngợi vài câu mộc mạc chân quê.

Mọi thứ theo thời gian cũng thay đổi và thị hiếu của người xem cũng khác xưa. Khi truyền hình phổ biến rộng rãi từ trắng đen đến có màu, gánh hát chúng tôi ngày càng khó làm ăn, anh em giỏi nghề và còn trẻ thì tìm đến những đoàn có tiếng tăm để đầu quân. Những cô đào có tuổi như tôi đành chấp nhận khó khăn, ở lại và theo ghe rày đây mai đó, tiếp tục tìm theo những triền sông có dân cư đông, vừa hát để duy trì đam mê, vừa tìm kế mưu sinh… theo con nước lớn ròng.

Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, chúng tôi không thuộc đơn vị nào quản lý, là vì lúc đó mọi “đối tượng” đều phải thuộc về một tổ chức nào đó, vì vậy, cuộc sống anh em càng thêm khó khăn. Nói về tuồng tích thì lúc này quả là một bi kịch, bởi những kịch bản cách mạng chúng tôi đâu có mà tập tuồng, còn cái cũ thì đâu dễ lưu hành trong môi trường mới, vậy là chúng tôi rơi vào bế tắc. Một thời gian dài phải sống nhờ vào bà con 2 bên bờ sông, đây là những khán giả, cũng là ân nhân của đoàn lúc khó khăn. Nhắc đến Tết không thể nào quên sự chăm lo, thấu hiểu và trân trọng của mọi người dành cho chúng tôi, bà con thể hiện tình cảm đó chân thành theo cách của nông dân miền sông nước. Không cầu kỳ trong những túi quà xinh xắn, mà cô bác cũng cho đào kép có cái Tết rất đàng hoàng. Mấy ngày cận Tết, bà con đùm túm món ngon từ cây nhà lá vườn, đứng trên bờ rồi gọi ơi ới, có khi không phải tên của diễn viên mà kêu tên nhân vật họ thủ vai mới ngộ: "Điêu Thuyền ơi… có dưới ghe hông? Cô Bảy đem bánh tét cho bây ăn Tết nè!", hay "Võ Tòng ơi! Chú Tám gởi bây mấy chai rượu nếp than nhâm nhi đón giao thừa!". Còn nữa, nào củ kiệu, tôm khô, dưa hấu, bánh phồng… năm nào cũng tươm tất.

Rồi Đoàn hát Sông Quê cũng rã gánh, đào kép tự tìm cuộc sống cho mình. Tôi biết mình không còn cơ hội đứng trên sân khấu nữa nhưng cũng không xa rời dòng sông, nơi đã chuyên chở một quãng đời đáng nhớ của tôi, nơi tôi đã trở thành nghệ sĩ dù không qua trường lớp đào tạo nào. Ở dòng sông này, chúng tôi còn nhiều nghĩa ơn của bà con như tôi kể ở trên. Đâu chỉ giúp chúng tôi no lòng trong lúc khó khăn, mà khi ốm đau hay sinh nở, bà con đều hết sức tận tâm.

Tôi nghĩ mãi công việc sắp tới của mình khi mỗi người mỗi ngã, mình phải sống sao đây khi không thể bon chen những nơi đô hội? Cuối cùng tôi cũng tìm được công việc phù hợp với mình, đó là chèo đò! Thời đó đường bộ còn khó khăn, muốn qua sông chỉ đi bằng đò chèo (đò ngang). Ròng rã khoảng 10 năm, tôi tìm thấy niềm vui mỗi ngày, chiếc xuồng nhỏ nhấp nhô trên mặt nước theo từng mái chèo đưa rước bà con đôi bờ của con sông này.

Đoàn hát Sông Quê chỉ còn trong ký ức, nhưng kỷ niệm một thời vẫn khắc ghi mãi trong lòng, nhất là những người nhạy cảm, tưởng chỉ khóc cười khi sân khấu lên đèn, nhưng có ai biết trong thâm sâu cảm xúc, chúng tôi vẫn chảy nước mắt khi nghĩ về chữ chân tình của cô bác thuở nào và giữ mãi lòng biết ơn với con sông hiền hoà đã làm nên huyền thoại một thời ghe hát bội, cải lương hồ quảng. Con sông ấy cưu mang cả phần đời còn lại của tôi khi tôi hoà nhập với những người lao động chân tay, chất phác. Trong “vai” mới của cuộc đời, tôi buông những mái chèo nhẹ nhàng, thoăn thoắt trên mặt nước hiền hoà, thỉnh thoảng cất lên vài câu hò hay câu vọng cổ, để nhớ lại một thời rất đẹp của thanh xuân, cũng ngọt ngây, mùi mẫn lắm".

Cảm ơn cô đào Hồng Nhạn, cảm ơn người chèo đò trên dòng sông năm cũ, cảm ơn cụ bà đã nhiệt tình chia sẻ những ký ức ngày xưa để lớp trẻ sau này hiểu và trân trọng những giá trị tinh thần đã làm nên nét văn hoá vùng sông nước, gắn với lịch sử của quê hương miền đất cuối bản đồ Việt Nam yêu dấu./.

 

Lê Ngọc

 

Hương xưa xóm Mũi

Dòng người về Mũi Cà Mau, chiêm ngưỡng chóp đất thiêng liêng ở địa đầu cực Nam Tổ quốc, hẳn nhiên còn muốn biết nhiều hơn về vùng đất, con người xứ sở kỳ diệu này. Bởi ở đây đâu chỉ có đước, mắm, sông biển, phù sa mới "biết đi", nguồn thuỷ hải sản đặc trưng dồi dào... mà còn có lớp lớp con người với tính cách phóng khoáng, nghĩa nhân, can trường và đầy ắp những ước mơ, hoài bão để khai khẩn, gìn giữ, gầy dựng một vùng đất riêng có, duy nhất cả về vị trí địa lý và bản sắc văn hoá.

Thị trấn mang tên một dòng sông

Trên dải đất hình chữ S, có rất nhiều dòng sông, mỗi dòng sông mang dáng vẻ riêng. Có con sông mang tên đẹp như thiếu nữ: sông Nhật Lệ, Sông Hương. Có con sông nghe tên đã thấy rất oai hùng: Sông Mã. Nhiều con sông mang tên miền đất mà nó chảy qua như: sông Sài Gòn, sông Thái Bình... Riêng con sông quê tôi, đặc biệt hơn, mang tên một nhân vật lịch sử: sông Ông Ðốc. Thị trấn quê tôi vinh dự được mang tên một dòng sông - thị trấn Sông Ðốc!

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ

Sản phẩm OCOP và các dự án khởi nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm. Nhằm hướng đến việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng hỗ trợ chủ thể OCOP từ việc hình thành, nâng hạng sản phẩm đến tiếp cận thị trường.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo

Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà tỉnh quan tâm hàng đầu và chỉ đạo sát sao trong những năm qua. Bằng những quyết sách thiết thực, sự huy động sức mạnh tổng hợp từ Mặt trận, đoàn thể, các cấp, các ngành, địa phương; bằng những giải pháp sinh kế hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời, đã cơ bản giải được bài toán thoát nghèo và câu chuyện tái nghèo.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo - Bài cuối: Tăng cường phối hợp, ngăn chặn tái nghèo

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước; theo đó, tỉnh chỉ đạo kỳ quyết nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài 2: Nhiều khó khăn của chủ thể

OCOP và khởi nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, và mỗi câu chuyện sản phẩm lại mang đến nhiều suy ngẫm cho cơ quan quản lý hỗ trợ vượt khó.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức

Thời gian qua, các ngành, các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển sản phẩm OCOP và khởi nghiệp.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.