(CMO) Với nhiều gia đình, cho con đến trường học cái chữ hết sức đơn giản, nhưng với anh chị em của Nguyễn Hồng Thu thì đó là sự hy sinh, chắt chiu, tằn tiện của vợ chồng ông Nguyễn Minh Phu (bí danh Hai Hường) và bà Trần Thị Tơ.
Sống liêm khiết nên khi về hưu, tài sản mà ông Hai Hường và bà Tơ cho các con là tình thương vô bờ bến. Nhà nghèo, thiếu trước hụt sau nhưng ông bà nhất quyết vun vén cái chữ cho các con.
Gánh rau của mẹ...
Nhà Thu hướng mặt ra con kênh Bảy Tháo. Mỗi năm, ngoài 6 tháng nước ngọt con kênh còn mang thêm dòng nước mặn nhưng không vì thế mà khu vườn nhà Thu kém sắc xanh. Bên cạnh các loại rau muống, cải xanh, dưa leo quanh năm tươi tốt còn có sự góp mặt của rất nhiều loại cây ăn quả... Hễ mùa nào là thức đó, khiến ai đi ngang cũng phải trầm trồ, ngưỡng mộ tài chăm trồng và bố trí của chủ nhà.
Hàng ngày, học xong, Thu đều theo mẹ ra vườn. Không ít người thán phục khi thấy Thu làm cỏ, giằm đất, tưới rau. Lúc lại thấy cô bé nhỏ thó, gầy nhom đứng cuốc đất rất đều tay. Khu vườn nhỏ quanh năm tươi tốt, trong đó có bàn tay bé xíu của Thu cất công chăm chút.
Mười tuổi nhưng Thu đã có thâm niên 2 năm theo mẹ bán rau, lên 12 tuổi Thu tự mang rau ra chợ bán. Để mẹ bớt vất vả, Thu phải vờ bệnh, thương con bà Tơ cho Thu nghỉ học. Ngày thường ông Hai Hường rất ít nói, chăm làm, biết chuyện Thu vờ bệnh, ông liền gọi con gái đến nói như trăn trối: “Nhà mình nghèo. Cha mẹ lớn tuổi không thể sống mãi lo cho các con nên ráng mà lo học để nuôi lấy tấm thân”.
Thu thi đậu cả 3 trường đại học. Ngày nhận giấy báo nhập học, khác hẳn với bạn bè, Thu thấy lo hơn mừng. Đắn đo mãi, cuối cùng Thu chọn học ngành sư phạm, mong sau này được dạy cái chữ cho bọn trẻ quê nghèo. Nhớ lại ngày rời quê lên Cần Thơ trọ học, Thu rơm rớm nước mắt: “Hành trình tôi mang theo chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo, cùng 1 triệu đồng mẹ đi vay”.
Cha đã mất, giờ chỉ còn mẹ, tranh thủ thời gian hiếm hoi, cô giáo Nguyễn Hồng Thu ân cần chăm sóc bà. Ảnh: Bích Lệ |
Xa nhà, cô sinh viên Nguyễn Hồng Thu sống rất tằn tiện. Thu còn sắp xếp việc học, đi dạy kèm cho học sinh. Việc dạy kèm vừa giúp Thu có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa củng cố kiến thức làm hành trang sau này. Bốn năm học với Nguyễn Hồng Thu là cả nỗ lực, niềm vui, nỗi buồn và đầy ắp những kỷ niệm. Năm 2001, Thu tốt nghiệp ngành Sư phạm Hoá với tấm bằng loại khá và được phân công dạy tại Trường THPT Tắc Vân.
Lãnh tháng lương đầu tiên, Thu vui như mở cờ trong bụng, vội lấy xe đạp nhanh ra chợ xã mua cho cha bộ đồ pijama và mua cho mẹ chiếc áo bà ba.
… và tấm lòng của cô giáo trẻ
Những năm học tại Trường Đại học Cần Thơ, Thu tích cực tham gia các phong trào ở trường. Những kinh nghiệm đó được Thu áp dụng vào hoạt động của Đoàn trường. Hiệu quả và thiết thực, đoàn viên nhà trường tín nhiệm bầu giữ chức vụ phó bí thư. Ở cương vị này, Thu chủ động trong công việc, cùng ban chấp hành và đoàn viên giáo viên tổ chức những đêm hoạt động thanh niên, tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau... Nhờ vậy mà học sinh gắn bó nhiều hơn với các phong trào của Đoàn trường.
Năm 2007-2009, Thu hoàn thành khoá cao học ngành Sư phạm Hoá học. Trong chương trình THPT, Hoá học là môn khoa học tự nhiên quan trọng. Thay vì môn học khô khan, cô giáo Nguyễn Hồng Thu làm chúng mềm hơn qua các công thức, phản ứng hoá học. Cô còn ứng dụng nhiều sáng kiến kỹ thuật, thiết bị giảng dạy hiện đại vào công tác giảng dạy. Các tiết thao giảng của giáo viên trong tổ Thu đều được xếp loại giỏi, vui nhất là đội tuyển học sinh giỏi do cô giáo Thu phụ trách năm nào cũng đoạt giải cao. Trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012, 2012-2013, điểm trên trung bình môn Hoá học của học sinh ở các lớp khối 12 do cô Thu phụ trách đều đạt 100%, vượt hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Làm công tác chủ nhiệm nhiều năm, Thu nghiệm ra việc tổ chức họp cha mẹ học sinh đầu năm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Không ít cha mẹ học sinh đến dự họp nghĩ rằng nội dung chính của cuộc họp là các khoản thu chi mà họ có nghĩa vụ đóng góp, ít ai bàn đến chuyện học tập của học sinh, cũng như biện pháp phối hợp giáo dục học sinh như thế nào cho thật hiệu quả.
Gần đến họp cha mẹ học sinh là cô giáo Thu lại trăn trở, lòng buồn man mác. Rồi một hôm, cô lấy hết can đảm trình bày với thầy Lâm Văn Hý, hiệu trưởng của trường lúc ấy, đề tài nghiên cứu “Một số kinh nghiệm tổ chức buổi họp cha mẹ học sinh đầu năm của giáo viên chủ nhiệm”. Trong đó, Thu đề ra một số biện pháp phù hợp với điều kiện nhà trường để nâng cao chất lượng buổi họp cha mẹ học sinh đầu năm, góp phần quan trọng thực hiện thành công công tác xã hội hoá giáo dục do Đảng và Nhà nước đề ra.
Phó hiệu trưởng trường THPT Tắc Vân Nguyễn Hồng Thu tất bật giải quyết công việc. Ảnh: Bích Lệ |
Đề tài sáng kiến của Thu khi được áp dụng đã phá tan tảng băng ngầm giữa giáo viên và cha mẹ học sinh. Hàng chục năm nay, các buổi họp cha mẹ học sinh đầu năm học ở Trường THPT Tắc Vân luôn diễn ra trong bầu không khí chân thành, cởi mở, thẳng thắn. Cả 2 phía luôn có sự tương tác vì tương lai của con em.
Khó khăn và thử thách, nhiệm vụ nào Nguyễn Hồng Thu cũng hoàn thành nên được Hội đồng sư phạm nhà trường tín nhiệm bầu vào Ban Giám hiệu Trường THPT Tắc Vân, giữ chức vụ Phó hiệu trưởng vào năm 2013.
Với vai trò phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất, cô Thu có nhiều sáng kiến để quản lý hiệu quả cơ sở vật chất nhà trường; Phối hợp tốt với địa phương trong công tác lao động công ích; Sử dụng điện, nước an toàn, tiết kiệm; Sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa những đồ dùng giảng dạy.
Người giáo viên dạy giỏi vòng tỉnh, chiến sĩ thi đua cơ sở Nguyễn Hồng Thu cùng Ban Giám hiệu nhà trường nghiên cứu, tìm tòi để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Nhờ đó, hiệu quả giáo dục của ngôi trường vùng ven không ngừng nâng lên. Kết thúc năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh khối 12 trường đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 100%.
Mười tám năm gắn bó với Trường THPT Tắc Vân thì có hơn 10 năm phụ trách chuyên môn. Trong khoảng thời gian đó, cô giáo Thu đã đào tạo ra rất nhiều thế hệ học trò hữu ích cho xã hội. Nhiều trong số đó giờ trở thành kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, doanh nhân thành đạt và những công dân tốt từng là học sinh cá biệt đứng tốp thứ ba, sau nhất quỷ, nhì ma.
Giờ, mỗi khi tiếng trống tan trường vang lên, màu áo đồng phục lại trắng cả sân trường. Những tốp học sinh hướng ra cổng trường cười nói tíu tít. Dõi theo từng bước đi của các em, cô giáo Thu lại bồi hồi nhớ lại ký ức thời học sinh của mình. Đó là ký ức một thời của niềm vui xen lẫn nước mắt. Có được thành công như ngày hôm nay, cô giáo Nguyễn Hồng Thu luôn ghi khắc trong tim công ơn cha mẹ. Và trong các bài hát có hình tượng người mẹ như bài hát “Nghĩ về mẹ” của Nhạc sĩ Minh Đức, cô giáo Nguyễn Hồng Thu liên tưởng đến hình ảnh người mẹ vất vả cả đời vì gia đình, vì tương lai của các con.
Tự trách mình vẫn chưa trọn hiếu so với công lao như trời biển của mẹ, sợ một ngày nào đó mẹ đi xa bỏ lại mình trên cõi đời, Thu trân trọng từng giây từng phút được sống bên mẹ, tự dặn lòng sẽ nỗ lực nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn để đào tạo những công dân có ích cho xã hội.
Nay, ở vào độ tuổi xưa nay hiếm, người mẹ một thời đội nắng, dầm sương lưng đã còng, chân đã mỏi nhưng da dẻ rất hồng hào, mái tóc dài bạc trắng như mây. Gương mặt bà Tơ rạng rỡ sự hài lòng, khẽ mỉm cười hướng cái nhìn đầy ắp yêu thương về người con gái đang cặm cụi, tỉ mỉ cắt từng móng tay cho bà.
Ở cương vị đồng nghiệp chung mái trường nhiều năm liền, Hiệu trưởng Trường THPT Tắc Vân Dương Hồng Xuân tỏ thái độ thán phục: “Dù ở cương vị nào, cô giáo Nguyễn Hồng Thu luôn luôn thể hiện tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, tự học, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm và đầy bản lĩnh. Quý thay, ở gia đình, đồng nghiệp Nguyễn Hồng Thu còn là người con chí hiếu, sống rất trách nhiệm với chồng, với bà con dòng tộc./.
Bút ký của Bích Lệ