ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 6-7-24 00:59:13
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ghé Thanh Tùng nghe tài tử đờn ca

Báo Cà Mau Ba giờ chiều, quán nước nhỏ ở ấp Cái Ngay của tài tử Hồng Nhanh đã bắt đầu rộn ràng đón những bước chân tìm đến. Nam sơ mi, nữ áo dài, ai cũng tươi rói cho cuộc tạn mặt thanh nhã. Ðằng sau không gian chốc lát nữa là sân khấu, những câu chuyện ríu ran bên khói bếp, chuẩn bị bữa tiệc để thêm thắt chặt thâm tình.

Tài tử Hai Thới (Nguyễn Quốc Thới), Chủ nhiệm CLB Ðờn ca tài tử (ÐCTT) xã Thanh Tùng (huyện Ðầm Dơi), tâm tình: “Ðược thành lập từ những năm 2000, qua nhiều lớp thành viên gắn bó và chuyền tay nhau giữ lửa phong trào đờn ca, đến nay CLB có 25 thành viên cơ hữu. Ðể duy trì hoạt động trong ngần ấy năm, nói qua thì đơn giản nhưng chẳng giản đơn chút nào đâu nghen...”.

Không đợi người đối diện phải hỏi thêm, ông cứ thế “khoe” về CLB - nơi từ lâu đã trở thành mái nhà văn nghệ chung ấm áp tại xứ sở này. Theo ông, mặc dù đôi lúc "cơm áo chẳng đùa với khách thơ" nhưng khi đã đến đây, ai cũng đặt niềm đam mê lên trên hết và chẳng có sự cân phân hơn thiệt nào. Nhớ hoài một thuở khó khăn lộ làng cách trở, những thành viên ở các ấp xa phải đi xuồng bơi, xuồng chèo để đến điểm sinh hoạt. Khi được mười mấy người, có lúc chỉ đếm trên đầu ngón tay; người hùn nhau con cá, trái cây, vậy mà tiếng đờn, lời ca vẫn cất lên say sưa. Bây giờ lộ làng phát triển, đời sống kinh tế đã được nâng lên rất nhiều. Mỗi buổi tạn mặt diễn ra ấm cúng, tươm tất hơn nhưng những kỷ niệm ngày xa vẫn còn đó, như lời dặn dò nhau: “Lúc thiếu thốn nhất, mình vẫn vượt qua để duy trì CLB được mà, vậy nên bây giờ dễ gì có chuyện buông lơi phong trào...”.

Không gian buổi sinh hoạt của CLB Ðờn ca tài tử xã Thanh Tùng.

Sau cuộc đờn ca, hầu hết tài tử lại trở về đời thường là những người lao động tay chân, buôn bán, nông dân miệt mài với vuông tôm. Chính vì thế, ngày sinh hoạt CLB hằng tháng sẽ được cố định là chiều 25 âm lịch, đó là khoảng thời gian nước kém, khi tất cả công việc đã tương đối nhàn nhã. Sinh hoạt mang tính chất “chơi” nhưng rất nghiêm túc, có sự sắp xếp, lựa chọn bài ca hẳn hòi theo chủ đề gắn với những sự kiện trong năm; có tháng lại sinh hoạt giao lưu với CLB xã khác, hoặc trau chuốt, tập luyện để chuẩn bị tham gia các cuộc thi văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức.

Vừa là hữu duyên, vừa may mắn khi CLB ÐCTT xã Thanh Tùng có sự yểm trợ về chuyên môn hết sức tận tình, nhiệt tâm của Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hồng - người con tài năng của xứ sở này. Bấm đốt ngón tay nhẩm tính lại, đến nay anh đã có hơn 20 năm đồng hành với vai trò là thành viên “đinh” của CLB, lấy bề dày kinh nghiệm, cái hay, cái đẹp đúc kết tại các cuộc “chinh chiến” cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc để truyền dạy cho thế hệ em, cháu. Qua những buổi sinh hoạt, anh dốc sức trui rèn từng cách so dây, lấy hơi, trau chuốt nhịp nhàng, bài bản. Bởi vậy, chẳng có gì lạ khi mặc dù là CLB cấp xã, nhưng các thành viên đều rất trội mỗi khi xuất hiện tại các cuộc thi văn nghệ các cấp.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hồng bật mí, với mong muốn lan toả cái đẹp, cái hay của nghệ thuật ÐCTT Nam Bộ, nhiều năm qua, các thành viên của CLB còn đem tiếng hát lời ca phục vụ tại những đám hiếu hỷ, giỗ chạp trên địa bàn xã. Mỗi khi nhận được lời mời hoặc bất cứ nơi đâu cần sự sẻ chia, “chàng kép”, “cô đào” sẽ nhiệt tình góp mặt, lấy không gian ấy làm sân khấu. Những thể điệu, bài bản tài tử cất lên với nội dung tán tụng nghĩa mẹ, công cha; vun bồi tình yêu đất nước, quê hương... Tất cả đều tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng, nhất định không nhận bất cứ khoản thù lao nào của gia chủ. Ðiều đáng trân trọng là các thành viên luôn xem nhau như anh chị em trong một đại gia đình, đi đến đâu cũng phải có nhau để chia sớt từng lời ca, nhịp đờn... Chính điều này đã làm cho CLB ngày càng vững mạnh. Bằng tình yêu nghệ thuật, bằng sự chăm chút giữ lửa của Ban chủ nhiệm và sự trui rèn tận tâm của Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hồng... tiếng thơm của CLB ÐCTT xã Thanh Tùng đã vươn xa, không chỉ đối với huyện Ðầm Dơi, mà còn nổi bật so với mặt bằng chung phong trào ÐCTT của tỉnh qua các cuộc “so tài” cấp huyện, tỉnh và khu vực.

Từ trái qua: Tài tử Hai Thới (Chủ nhiệm CLB ÐCTT xã Thanh Tùng), Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hồng, tài tử Hoàng Cộp cùng ba “cô đào” nhiều triển vọng của CLB đang chăm chút những thành tích đẹp đã đạt được qua các hội thi, liên hoan văn nghệ cấp huyện, tỉnh.

Nói đến lát cắt “thành tích” này, nhất định phải nhắc lại dấu ấn đẹp của CLB tại Hội thi Tài năng Tài tử - Cải lương tỉnh Cà Mau năm 2023 vừa qua. Cuộc thi quy tụ hơn 100 thí sinh các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 8 thí sinh là thành viên của CLB ÐCTT xã Thanh Tùng. Qua gần 3 tháng diễn ra cuộc thi, càng thấy trân quý ngọn lửa đam mê nghệ thuật cháy bừng. Khoảng cách từ Thanh Tùng đến TP Cà Mau (địa điểm thi) mất gần 2 giờ đi xe máy, con lộ xuống cấp, nhiều đoạn gập ghềnh, cộng với bộn bề riêng chuyện gia đình, cơm áo... nhưng khi đã tham gia hội thi, ai cũng quyết tâm mang đến những tiết mục chỉn chu nhất, từ bài vọng cổ, thể điệu tài tử đến trích đoạn cải lương.

Có lẽ, được đứng trên sân khấu, được hoà mình vào từng âm điệu khoan nhặt chính là niềm hạnh phúc. Ðể rồi trong số 8 thành viên này, qua các vòng tranh tài, có 3 gương mặt xuất sắc vào chung kết xếp hạng và được xướng tên trong đêm bế mạc với những giải Nhất, Nhì, Ba đầy thuyết phục. Ở đó có tài tử Ngọc Tiên lần đầu đứng trên sân khấu lớn, hoá thân vai người mẹ thật tròn trong trích đoạn cải lương “Hoa đất” và đoạt giải Nhất bảng B; có nông dân chính hiệu Hoàng Cộp với giọng ca mùi mẫn vào vai Vinh trong vở “Giọt máu oan cừu” ngọt lịm và đoạt giải Nhì bảng B - điều đáng nói, đây là vai diễn đã được nhiều nghệ sĩ tên tuổi thể hiện thành công; lại có tài tử Mai Ly vì mải miết vun vén chuyện gia đình mà đến với đam mê khá muộn, trải qua thời gian ngắn nỗ lực đã gặt hái giải Ba bảng A, vai thiếu phụ trong trích đoạn “Bão biển”...

Chiều đậm, những kỷ niệm đã qua lần lượt được điểm lại. Tôi say sưa hoà vào nhiều lời tâm tình mộc mạc được nối nhau của những tài tử xứ Thanh Tùng, chuyện đã xếp lại việc riêng tư để nhường chỗ cho đam mê như thế nào; chuyện những lối rẽ đời đã tiệm cận nhau trong cung đờn, lời ca ra sao... Thỉnh thoảng, ánh mắt hiền hoà lại hướng về mé vách không gian sinh hoạt, nơi mà nhiều bằng chứng nhận, giấy khen, giải thưởng của các thành viên CLB đã đạt qua các hội thi, liên hoan, nay cẩn thận được treo lên bằng tất cả sự nâng niu.

“Mai mốt anh về chơi nữa nghen. Về ở lâu lâu, tâm tình với anh chị em ở đây, rồi còn nghe hết thảy mọi người ca nữa chớ!”, lời hẹn chân phương lúc chào nhau của tài tử Mai Ly khéo khiến lòng người đối diện trỗi nhịp Nam Xuân. Bên kia, mỗi khi nghe lãnh đạo địa phương hay ai đó xuýt xoa về cách hoạt động hiệu quả của phong trào văn nghệ nơi này, nụ cười của tài tử Ngọc Tiên, Hồng Nhanh, Hoa Phượng rồi Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hồng, Chủ nhiệm CLB - tài tử Hai Thới... như thêm dịu ngọt. Ðoạn, cung phím “hò”, “xự”, “xang”, “xê”, “cống” tấu lên, giòn giã mạch tri âm...

 

Minh Hoàng Phúc

 

Ghé Thanh Tùng nghe tài tử đờn ca

Ba giờ chiều, quán nước nhỏ ở ấp Cái Ngay của tài tử Hồng Nhanh đã bắt đầu rộn ràng đón những bước chân tìm đến. Nam sơ mi, nữ áo dài, ai cũng tươi rói cho cuộc tạn mặt thanh nhã. Ðằng sau không gian chốc lát nữa là sân khấu, những câu chuyện ríu ran bên khói bếp, chuẩn bị bữa tiệc để thêm thắt chặt thâm tình.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống để cống hiến, sáng tạo

Chiều 13/6, trong không khí ấm áp, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (15/6/1964 - 15/6/2024). Đến dự và phát biểu có đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Văn học nghệ thuật Cà Mau - Hành trình 60 năm không ngừng sáng tạo

Năm 1960, sau Nghị quyết 15 của Trung ương Ðảng, xác định con đường phát triển của cách mạng miền Nam, Tỉnh uỷ Cà Mau ra lời Hiệu triệu kêu gọi Ðồng khởi. Trong khí thế cách mạng dâng trào, Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ chủ trương thành lập Tiểu ban Văn nghệ để trực tiếp lãnh đạo và phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh. Tiểu ban Văn nghệ thành lập Ðoàn Văn công Giải phóng Cà Mau và Tạp chí Lúa Vàng. Ðây chính là mảnh đất ươm mầm và phát hiện, bồi dưỡng cho đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng ở Cà Mau.

Non Khăn Rằn & “Áo Cà Mau có đợi”

Dù công việc chính là phát thanh viên, biên tập viên của Ðài Tiếng nói Việt Nam, nhưng Nguyễn Hữu Nhân lại trót đem lòng say mê âm nhạc. Không chỉ sở hữu chất giọng mộc mạc, truyền cảm, anh còn có khả năng sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca, trữ tình. “Áo Cà Mau có đợi” là một trong những sản phẩm gây chú ý của anh, với biệt danh khá thú vị “Non Khăn Rằn”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Khi lời ca, tiếng hát kết nối trái tim

Ðời sống tinh thần của người khiếm thị khá buồn tẻ, nhiều người chỉ quẩn quanh nhà, tuy nhiên, từ khi tham gia vào câu lạc bộ (CLB) văn nghệ của Hội Người mù tỉnh thì nội tâm họ trở nên phong phú hơn khi được gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ, cùng hoà chung lời ca tiếng hát, đặc biệt là san sẻ những tâm tư, tình cảm với nhau qua sinh hoạt đờn ca tài tử.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

NSND Minh Vương: Cống hiến cho nghệ thuật là lẽ sống

- Chào NSND Minh Vương, nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật, cảm xúc của ông như thế nào? NSND Minh Vương: Tôi có chút bồi hồi. Ðã 6 thập kỷ tôi ăn cơm của Tổ và được khán giả yêu thương, là một cái phúc. Sân khấu cải lương của chúng tôi đi từ hoàng kim đến những cung bậc thăng trầm. Tôi và nhiều anh chị em chứng kiến khi rực rỡ cũng như lúc bão hoà. Có lúc, chúng tôi và cải lương rất bi quan, bị ảnh hưởng và thua thiệt rất nhiều so với các loại hình giải trí khác. May mắn là mỗi năm, chúng tôi được Nhà nước quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là sự cổ vũ tinh thần rất lớn cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Một điều trân quý nữa là, khán giả ở mọi lứa tuổi chưa bao giờ quên lãng cải lương, không rời bỏ tuồng cổ. Khán giả vẫn ở đây, vẫn ủng hộ những vở hay và người nghệ sĩ miệt mài làm nghề. Tôi hy vọng thời gian tới, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn, để sân khấu cải lương có thêm điều kiện tốt phát triển, sống cùng nhịp sống thời đại mới, phục vụ tốt hơn cho khán giả.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.