Từ trước đến nay, chuyện được mùa, mất giá diễn ra thường xuyên, như quy luật tất yếu của thị trường. Song, điều đáng lo ngại là vấn đề này cứ lặp đi lặp lại trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi từ năm này sang năm khác. Do đó, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tình thế hiện nay.
>> Bài 1: Nông dân tặc lưỡi, thẫn thờ
Nhiều điểm nghẽn
Huyện Trần Văn Thời là vùng trọng điểm sản xuất lúa, chiếm hơn 2/3 diện tích sản xuất lúa hè thu trong toàn tỉnh. Ông Ðỗ Văn Sử, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết, với gần 29.000 ha sản xuất lúa 2 vụ nhưng toàn huyện hiện có 11 lò sấy lúa. Thu hoạch xong mà muốn trữ lại chờ giá tăng thì không có chỗ để chứa, trong khi điều kiện phơi sấy không đảm bảo. Cũng theo ông Sử, địa phương có 194 máy gặt đập liên hợp, 5 máy sạ lúa và cuộn rơm, 37 máy tuốt lúa, 54 máy bay phun thuốc và 674 chiếc máy cày lớn nhỏ, chỉ đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân.
Ðặc biệt, khâu thu mua, vận chuyển lúa hầu hết bằng đường thuỷ. Nhiều nơi sông, rạch hẹp, cạn, độ thông thuyền của cầu thấp, các phương tiện vận tải lớn không vào được; việc vận chuyển phải sử dụng phương tiện nhỏ, chỉ xài được ghe từ 10-20 tấn..., từ đó, phát sinh chi phí vận chuyển; đường bê tông hỏ, xuống cấp, cầu tải trọng yếu... Ðây là những điểm nghẽn cần được khơi thông trong ngành sản xuất lúa, gạo.
Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa phát triển tương xứng, khâu vận chuyển lúa qua nhiều giai đoạn, đẩy chi phí vận chuyển tăng cao, giá lúa giảm, nông dân chịu thiệt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cùng một loại giống, một vụ mùa, nhưng giá lúa ở Ðồng Tháp, An Giang, Long An... cao hơn giá lúa của tỉnh Cà Mau từ 100-200 đồng/kg. Vấn đề này được ông Nguyễn Văn Ðiệp, thương lái chuyên thu mua lúa đến từ tỉnh An Giang, lý giải: "Từ lâu các tỉnh này đã xây dựng được vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung, quy mô hàng hoá lớn, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, tiêu thụ. Ðặc biệt, họ xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, nên thương lái không thể mượn cớ gì để ép giá".
Nếu như thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên; song, ngay cả khi điều kiện thuận lợi, giá lúa tăng cao, thì họ không phải là người được hưởng lợi tương xứng. Theo ông Trần Quốc Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết, do tập quán sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún của nông dân nên doanh nghiệp không thể trực tiếp đến thu mua, bao tiêu sản phẩm. Do đó, để chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa, gạo được bền vững, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm tận gốc với giá tốt nhất, nông dân phải bắt tay vào sản xuất hợp tác. Khi các vùng sản xuất hình thành với quy mô lớn, sản xuất theo tổ hợp tác (THT), HTX thì nông sản mới không mất giá.
Ðẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 25 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo với diện tích 6.462,5 ha, trong đó lúa hữu cơ 577,5 ha (TCVN 306,5 ha; NOP, EU và JAS 271 ha); lúa an toàn và VietGAP 5.885 ha; sản lượng tiêu thụ khoảng 28.250 tấn, bằng 5,2% so sản lượng lúa trong toàn tỉnh.
Qua đây cho thấy, doanh nghiệp và HTX tham gia chuỗi liên kết quá ít, quy mô thực hiện quá nhỏ, chỉ chiếm 5,8% trong tổng diện tích sản xuất. Việc đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị còn ít và chưa thắt chặt, các mối liên kết dọc và ngang hình thành, phát triển khó khăn. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất trong các HTX còn lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau... Hợp đồng bao tiêu nguyên liệu thể hiện tính pháp lý chưa cao, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua nên rất dễ bị phá vỡ.
Tổ chức liên kết sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tổ chức được cánh đồng quy mô lớn, nên công ty không thể nào đưa cơ giới hoá vào sản xuất tập trung. Trong tỉnh chưa có doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn về khâu phơi sấy lúa tại địa phương nên các doanh nghiệp thu mua lúa phải vận chuyển rất xa (đến tận Ðồng Tháp, An Giang, Long An) để sấy, xay xát, chế biến lúa gạo, đây cũng là một trong những nguyên nhân khó mở rộng vùng nguyên liệu. Hầu hết các HTX yếu kém, thiếu vốn, thiếu nhân lực, năng lực tổ chức, quản lý còn hạn chế, hoạt động rời rạc, khâu liên kết tổ chức sản xuất chưa được chặt chẽ, nhất là công tác tuyên truyền, vận động nông dân tuân thủ quy trình sản xuất, lưu trữ hồ sơ ghi chép nhật ký.
Do thiếu lò sấy, sau thu hoạch lúa, nông dân dùng các biện pháp truyền thống để phơi, bảo quản lúa nên thất thoát nhiều.
Phần lớn nông dân sản xuất theo lối cá thể, không theo hướng dẫn, kế hoạch sản xuất đã thống nhất; chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc liên kết sản xuất, không tuân thủ hợp đồng, chất lượng sản phẩm làm ra kém nhưng bắt buộc doanh nghiệp phải thu mua, chưa đặt lợi ích tập thể, liên kết sản xuất lên hàng đầu.
Cũng theo ông Hương, hiện nay toàn tỉnh có 987 THT, với 14.560 tổ viên, trong đó có 936 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, số còn lại hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Hiện có 247 HTX đang hoạt động, trong đó có 194 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp với tổng số 4.292 thành viên, số lao động làm việc thường xuyên 4.635 người. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý Nhà nước về chỉ đạo sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tích cực hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bên trong khâu liên kết sản xuất. Từ đó, tạo bước đột phá trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững./.
Trung Ðỉnh