ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 13:54:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Gia tộc 3 thế hệ anh hùng

Báo Cà Mau (CMO) Có những con người hoạt động cách mạng trong âm thầm, lặng lẽ nhưng kết quả mang lại vô cùng to lớn. Sự hy sinh, chiến đấu dũng cảm của gia tộc 3 thế hệ anh hùng làm chúng ta hết sức khâm phục, kính yêu, trân trọng và mãi mãi nhớ ơn.

Ông Trần Phương Thế, sinh năm 1942, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, quê ấp Bến Bàu (nay là ấp Láng Dài), xã Quách Văn Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi. Song thân là Liệt sĩ Trần Ngọc Quang (Tám Sẳng) và bà Nguyễn Thị Tám, Mẹ Việt Nam anh hùng.

Tháng 10/1959, Trần Phương Thế được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Ngày 19/4/1960, ông được rút về tỉnh và được đưa đi đào tạo sử dụng điện đài, đến tháng 12/1961, ông về công tác tại Văn phòng Tỉnh uỷ Cà Mau. Năm 1962, ông về Đài Minh ngữ, cơ quan đóng ngọn rạch Bù Mắc, xã Đất Mới, nay thuộc huyện Năm Căn. Ngày 19/5/1963, ông được kết nạp vào Đảng.

Tháng 11/1969, ông Trần Phương Thế không còn ở Đài Minh ngữ nữa mà có quyết định về làm công tác mã thám (trinh sát kỹ thuật), bảo vệ cơ quan đầu não, bảo vệ căn cứ Tỉnh uỷ. Đến tháng 1/1970, ông được điều chuyển về bộ phận mã thám, Văn phòng Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ. Trách nhiệm của mã thám là phải theo dõi hoạt động quân sự của địch do ta ở vùng căn cứ, xa các chi khu, đồn bót địch, không nghe được các loại máy đàm thoại của chúng.

Ông Trần Phương Thế (giữa) tại lễ khánh thành Tượng đài bảo vệ An ninh Tổ quốc tại hòn Đá Bạc (năm 2010).

Bộ phận mã thám phải bí mật nghe các đài tín hiệu morse (tit te…) từ sư đoàn, tiểu khu và giải mã các bức điện để biết hoạt động hàng ngày của địch. Vì thiếu người nên ông phải làm việc hết sức tập trung, vừa nghe “âm thoại”, vừa  nghe tín hiệu morse để tổng hợp tin tức. Hàng giờ phải có đáp số cho được các hoạt động của từng tiểu đoàn, trung đoàn thuộc Sư đoàn 21 đang hành quân ở đâu, sắp tới chúng làm gì. Đồng thời, phải theo dõi các hoạt động của tiểu khu An Xuyên, Kiên Giang, Chương Thiện… có ảnh hưởng gì tới an ninh nơi cơ quan Khu uỷ đang trú đóng hay không, công việc rất nhiều, quá tải với khả năng hiện có.

Thời gian này địch liên lạc được một điệp viên của chúng cài cắm vào nội bộ của ta. Chúng móc nối tên này chạy ra đồn Cò Than, vàm Gành Hào và cho trực thăng từ Sài Gòn xuống rước về. 2 ngày sau chúng thả trở lại địa bàn khu vực Cây Tàng, Cả Học. Tên này khi trở lại mang theo máy vô tuyến điện, loại rất nhỏ để chỉ điểm cho địch ném bom vào các cơ quan đầu não của ta, nhưng trên đường về đã bị ta phát hiện, tịch thu máy và bắt điều tra trước khi hoạt động. Thời điểm này các hoạt động tình báo của địch, kể cả đường bộ, đường không và vô tuyến điện đều bị ta phát hiện, ngăn chặn hết sức hiệu quả. Đây là thắng lợi rất lớn của mã thám trong việc bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của ta.

Đầu năm 1970 âm lịch, một sự kiện đau thương ập đến gia đình và người thân ông Trần Phương Thế. Từ những năm 1965, gia đình ông là trụ sở của du kích ấp Bến Bàu, xã Quách Văn Phẩm. Mỗi khi chống càn hoặc đi phục kích về, anh em đều đến đây, gia đình nuôi chứa, đùm bọc, bởi hầu hết anh em du kích đều là con cháu trong gia đình. Bọn chi khu Đầm Dơi và tiểu khu An Xuyên hậm hực vì liên tục bị đánh đau, chúng quyết trả thù.  Ngày 17/3/1970, bọn tiểu khu An Xuyên và chi khu Đầm Dơi phối hợp càn quét. Chúng cho 5 trực thăng đổ quân xuống Bàu Sen, Nhà Cũ rồi kéo ra sông Bàu Sen. Anh em du kích ấp lập tức bám theo đánh cho đến chiều mới trở lại. Điều bất ngờ đối với gia đình và anh em du kích là bọn điềm chỉ đã báo quy luật hoạt động của du kích ấp Bến Bàu khá cụ thể. Địch đổ quân chỉ là kế nghi binh. Khi đến Láng Dài, một tiểu đội địch đột nhập vào khu vườn cạnh nhà, bí mật ém quân ở đó. Đến chiều, khi anh em về tắm rửa, ăn cơm, địch nổ súng làm 3 người em ruột và 1 cháu ruột của ông hy sinh. Đây là mất mát quá lớn đối với gia đình ông nhưng mọi người đều không nao núng, tất cả vẫn liên tục công tác và chiến đấu không chút bi quan, dao động.

Một số thành viên trong Ban Chỉ huy Kế hoạch CM12.

Khi Hiệp định Paris ký kết, Nguyễn Văn Thiệu phản ứng mạnh, liên tục tung quân càn quét, lấn chiếm. Ban Thường vụ Khu uỷ chỉ đạo tiếp tục tiến công địch, tập trung một số địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Vị Thanh, Trà Vinh, Vĩnh Long... Tất cả lực lượng Văn phòng Thường trực Khu uỷ và các ban, ngành đều có bộ phận tiền phương, chỉ đạo đánh địch. Khi cơ quan Khu uỷ chuyển về ở tạm tại Móng Chim, xã Khánh Lâm, nay thuộc huyện U Minh được mấy ngày thì xảy ra trường hợp rất khẩn cấp. 

Ông Trần Phương Thế kể: “Mỗi buổi sáng trước khi họp, các chú thường chờ tôi đến báo cáo tình hình êm hay động. Nếu êm thì làm việc, nếu động thì có kế hoạch di chuyển. Một hôm, khi thu thập tin tức thấy địch sẽ đổ quân tại Kim Quy, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, cách Móng Chim 25 km về phía Bắc, tôi liền đến báo “êm” để các chú làm việc. Trên đường trở lại nơi làm việc của mình, thấy anh em bảo vệ tập trung ăn sáng, tôi cũng muốn đến ăn luôn nhưng có gì đó làm cho tinh thần không ổn, cứ bồn chồn, lo lắng. Tôi liền đi thẳng xuống chỗ làm việc, vừa đến nơi đặt tai vào máy thì nghe địch đang đọc toạ độ và nghe các phi công địch nhắc đi nhắc lại toạ độ chúng sẽ ném bom. Chúng đọc công khai, không cần mã hoá. Tôi liền ghi ngay và thấy toạ độ này đúng điểm mình đang ở, tôi trải bản đồ ra thì chính xác là chúng sẽ ném bom ngay cơ quan mình và sẽ dùng trực thăng đổ quân. Kế hoạch đánh Kim Quy, chúng chuyển sang Móng Chim. Lúc này máy bay của chúng báo là đã cất cánh tại Sân bay Bình Thuỷ, Cần Thơ, tôi tức tốc chạy đến báo cáo cho các chú. Đang làm việc tại đây có các chú Tư Bình (Vũ Đình Liệu), Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Bảy Thạng (Trần Văn Bỉnh), Mười Kỷ (Phan Ngọc Sến) và Chánh văn phòng Khu uỷ Chín Công... Thấy tôi, chú Tư Bình hỏi ngay: Có việc gì vậy? Tôi báo cáo: Sư đoàn 21 đổi kế hoạch, chúng sẽ đổ quân tại đây. Máy bay ném bom của chúng đã cất cánh. Kế hoạch di chuyển lập tức được thực hiện. Khi các chú di chuyển khoảng 150 m thì máy bay trinh sát của địch đã quần đảo sát ngọn cây, phóng hoả tiễn và phản lực ném bom. Phía biển, bầy trực thăng chờ ném bom xong là đổ quân. Tôi hết sức phấn khởi vì đã bảo vệ các chú đến nơi khác an toàn, tiếp tục làm việc”.            

Ông Trần Phương Thế (phải) ở mật cứ của địch tại Thái Lan.

Từ năm 1981-1984, ông Trần Phương Thế được phân công tham gia Kế hoạch phản gián CM12 của Bộ Công an, nhằm triệt phá tổ chức gián điệp, biệt kích quốc tế do Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Chúng tìm cách đưa vũ khí, tiền giả, lực lượng vũ trang xâm nhập vùng biển Trần Văn Thời, tiến hành bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng. Để hoá trang làm gián điệp, biệt kích, trước mắt ông phải làm sao cho mình không còn là cán bộ nữa, phơi nắng, phơi mưa cho nước da sạm đen, để tóc, để râu dài tạo cảm giác khác lạ với mọi người. Với tổng số 15 chuyến, 30 lượt tàu vào vùng biển Trần Văn Thời theo đúng bãi đỗ nằm trong kế hoạch của ta vạch ra, ta đã bắt toàn bộ số gián điệp, biệt kích từ nước ngoài về gồm 126 tên, thu hơn 132,2 tấn vũ khí, chất nổ và phương tiện chuyên chở; 1,2 tấn tiền giả, 9.300 đô la Mỹ, 12 bộ điện đài và toàn bộ tài liệu mật mã; khám phá, bóc gỡ mạng lưới bí mật ở nội địa thuộc hệ thống của chúng gồm 7 tổ chức, 3 đầu mối từ Phú Yên, Khánh Hoà trở vào. Từ ngày 14-18/12/1984, Toà án Nhân dân tối cao đưa vụ án ra xét xử công khai tại TP Hồ Chí Minh gồm 21 bị cáo, trong đó có Mai Văn Hạnh. Phiên toà đã gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế.

Kết thúc Kế hoạch CM12, một số đồng chí có công đóng góp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên khen ngợi. Ông Trần Phương Thế và một số đồng chí được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời được Bộ Công an chọn đặt tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc và được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thân tộc ông Trần Phương Thế có đến 14 người hy sinh, trong đó có 4 em ruột, 1 anh rể, 1 cháu ruột; bác và cha là liệt sĩ; bà nội, bác Sáu gái và dì Tám là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Phim Tài liệu “Một gia tộc 3 thế hệ anh hùng” của Công an Cà Mau nêu rõ chiến công oai hùng của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Phương Thế và sự hy sinh của nhiều người trong gia tộc ông. Đây không những là niềm khâm phục, tự hào đối với gia tộc họ Trần, quê hương Đầm Dơi, mà còn là niềm kính yêu của chúng ta đối với những con người tận trung với nước, chí hiếu với dân; xả thân, quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc./.

Trường Sơn Đông

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.