Chiến tranh đi qua nhưng hồi ức về nó mãi không phai nhạt. Vào dịp 30/4 hằng năm, có hàng vạn, hàng triệu người trong và ngoài nước thường về tỉnh Quảng Trị tham dự Lễ hội Thống nhất non sông để hoài niệm lại những năm tháng đã qua, suy ngẫm về những giá trị của hoà bình và đoàn tụ.
Chiến tranh đi qua nhưng hồi ức về nó mãi không phai nhạt. Vào dịp 30/4 hằng năm, có hàng vạn, hàng triệu người trong và ngoài nước thường về tỉnh Quảng Trị tham dự Lễ hội Thống nhất non sông để hoài niệm lại những năm tháng đã qua, suy ngẫm về những giá trị của hoà bình và đoàn tụ.
Đây là lễ hội cách mạng đặc sắc, riêng có ở Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Cây cầu Hiền Lương nhỏ bé, chỉ dài hơn 200 m nhưng Nhân dân 2 miền Nam - Bắc đã phải thực hiện cuộc trường chinh trong suốt 21 năm gian khổ để đất nước có ngày hội thống nhất non sông. Nó cũng là chứng nhân cho cuộc đấu tranh lâu dài, khốc liệt, oai hùng của toàn dân tộc ta, thể hiện ý chí khát vọng và niềm tin vào ngày toàn thắng.
![]() |
Cầu Hiền Lương trong ngày Lễ hội Thống nhất non sông. |
Năm 2005, trên cầu Hiền Lương vừa được phục chế, mọi người được chứng kiến hình ảnh xúc động: Từ 2 đầu cầu, 2 đoàn người từ Lạng Sơn và Cà Mau cùng với những người mẹ Gio Linh và những đứa con Vĩnh Linh chạy ào đến ôm nhau, mừng mừng, tủi tủi, trao nhau những chiếc khăn rằn Nam Bộ, gợi nhớ về hình ảnh ngày đoàn tụ khi đất nước thống nhất năm 1975. Hàng vạn người dân, quan khách đứng chật 2 bờ sông và đứng dày trên chiếc cầu nối đôi bờ Bến Hải lặng đi trong xúc động khi nghe nhắc lại những năm tháng đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của giới tuyến sông Hiền Lương trong bài văn tế liệt sĩ: “…Bên nớ Cát Sơn, bên ni Tùng Luật mẹ bồng con khắc khoải ruột gan/Nọ là Võ Xá, này là Hiền Lương vợ ngóng chồng chờ mong héo hắt/Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên/Đưa lưới xuống bến để phơi, lưới khô mắt thì đẫm huyết.../Tình trong lá thiếp, một câu hò trên bến Hiền Lương/Chí ở ngọn cờ hai ngón tay hẹn ngày thống nhất…”.
Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên năm 2000 và từ năm 2010 được nâng lên quy mô lễ hội quốc gia. Theo đó, định kỳ 1 năm tổ chức 1 lần theo quy mô cấp tỉnh, 5 năm 1 lần theo quy mô cấp quốc gia và trở thành Ngày hội Thống nhất non sông. Thời gian được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30/4).
Một trong những sự kiện đáng nhớ của lễ hội này là vào sáng 1/5/2005, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam và 33 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị, trước khi vào lễ khánh thành Kỳ đài Hiền Lương, đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn mang theo nắm đất lấy từ km0 của Cửa khẩu Hữu Nghị Quan, đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau mang về bùn phù sa lấy từ Mũi Cà Mau dâng lên Kỳ đài Hiền Lương nhằm biểu thị sự hội tụ, thống nhất, khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ và chân lý “nước Việt Nam là một”. Hình ảnh dâng đất thiêng gợi nhớ về ký ức người mẹ Cà Mau gửi theo nắm đất của miền Nam cho đứa con đi tập kết ra Bắc (7/1954) dâng lên Cụ Hồ với lời thề ước sắt son “Cho dù núi cách sông ngăn/Đồng bào Nam Bộ vẫn gần bên cha”, thể hiện ý chí, khát vọng và niềm tin vào ngày đất nước thống nhất.
Năm 2010, lần đầu tiên lễ hội được công nhận là lễ hội cấp Nhà nước, tổ chức với quy mô cấp quốc gia và là sự kiện hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tối 30/4, trước khi diễn ra chương trình nghệ thuật “Bài ca thống nhất”, 2 đoàn đại biểu của tỉnh Cao Bằng và Kiên Giang đã mang về 2 bầu nước từ nguồn Pắc Pó, suối Lê-nin, nơi Chiến khu Việt Bắc và từ cuối dòng sông Hậu, nơi hợp lưu của 9 dòng sông phương Nam gửi về, hoà cùng dòng Bến Hải, biểu hiện cho khát vọng và là hiện thực cho sự thống nhất non sông, đất nước Việt Nam.
![]() |
Đêm Hiền Lương. |
Năm 2011, Bộ Tư lệnh Hải quân mang về 21 hòn đá từ các đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa và những cây bàng trái vuông biểu tượng cho chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam trên biển Đông trao cho UBND tỉnh Quảng Trị. Trong giây phút thiêng liêng, dưới chân Kỳ đài Hiền Lương, UBND tỉnh Quảng Trị tiến hành nghi thức tiếp nhận đá chủ quyền và trồng cây bàng trái vuông Trường Sa tại khuôn viên di tích Hiền Lương.
Năm 2012, lễ hội được tổ chức nhân kỷ niệm 37 năm ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, 40 năm giải phóng Quảng Trị. Trong lần lễ hội này, đoàn đại biểu của Thủ đô Hà Nội đưa về biểu tượng Khuê Văn Các, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh đưa về biểu tượng Bến Nhà Rồng tặng cho tỉnh Quảng Trị để trưng bày tại Nhà bảo tàng “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”, trong không gian di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Năm 2014, lễ hội được gắn liền với sự kiện đón nhận bằng công nhận 2 di tích quốc gia đặc biệt “Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải”, “Thành cổ Quảng Trị” và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.
Năm 2015, kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Lễ hội Thống nhất non sông sẽ diễn ra với nhiều hoạt động như: Hội trại “Thống nhất non sông”, chương trình nghệ thuật “Nhịp cầu thống nhất”; đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt “Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” và bắn pháo hoa chào mừng; lễ thượng cờ và giải đua thuyền truyền thống “Thống nhất non sông”; liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc, triển lãm tranh cổ động tấm lớn...
Lễ hội cách mạng Hiền Lương - Bến Hải không chỉ để nhắc lại nỗi đau chia cắt đất nước, không chỉ để ngợi ca chiến công mà đặc sắc hơn, cao cả hơn là khẳng định khát vọng thống nhất, ngợi ca tinh thần đoàn kết, hoà hợp của dân tộc Việt Nam./.
Bài và ảnh: Phương Nam