(CMO) Dù qua nhiều năm nhưng những phim điện ảnh hay truyền hình được chuyển thể từ truyện của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mãi là món ăn tinh thần, “ngon” và “đậm vị" với khán giả.
Phải khẳng định, trong số các nhà văn đương đại, Nguyễn Nhật Ánh có truyện được chuyển thể thành phim nhiều nhất, lần nào cũng tạo được cơn sốt màn ảnh nhỏ và “đại thắng” doanh thu phòng vé. Những phim từ truyền hình đến điện ảnh được làm lại dựa vào truyện của nhà văn này phải kể đến như: "Áo trắng sân trường" (năm 1990); "Bong bóng lên trời" (năm 1997); "Chú bé rắc rối" (năm 1998); "Kính vạn hoa" (năm 2004); "Nữ sinh" (năm 2008); "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (năm 2015); "Cô gái đến từ hôm qua" (năm 2017). Và thêm một bộ phim rục rịch bấm máy trong năm 2023 này, là "Ngày xưa có một chuyện tình".
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một trong những bộ phim được chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh, tạo nên thành công vang dội. (Ảnh chụp từ màn hình một cảnh của phim).
Sức hấp dẫn của truyện
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh rất đời và chứa chất mộc mạc riêng biệt khó lẫn. Cách hành văn của ông cũng dựa theo từng nhịp đập của cuộc sống và ăn sâu trong mỗi con người đang hiện hữu, nên khi đọc đến đâu, độc giả bị cuốn nhịp rất nhanh và khó dứt, mặc dù cả truyện không có nhiều cao trào nổi bật, hay chi tiết quá đắt giá, cân não. Nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh thường là thiếu nhi nhưng lại cuốn hút tâm hồn người lớn vì những mẩu chuyện nhỏ mà mỗi chúng ta đều trải qua trước khi trưởng thành. Những chuyện tình ông miêu tả không sướt mướt, uỷ mị, cũng không nồng nhiệt, say mê, mà chỉ là những cảm xúc đầu đời, bẽn lẽn nhưng day dứt như: Việt An và Tiểu Ly trong "Cô gái đến từ hôm qua"; là những nỗi niềm yêu thương nhưng tiếc nuối cả đời vì chậm thốt lời tỏ tình, như Ngạn và Hà Lan trong "Mắt biếc"...
Những chuyện tình trong truyện Nguyễn Nhật Ánh khi chuyển thể thành phim đều lãng đãng nhưng day dứt, như Ngạn và Hà Lan trong “Mắt biếc”. (Ảnh chụp từ màn hình một cảnh của phim).
Cứ chầm chậm, cứ nhẹ nhàng nhưng đau đáu, khắc khoải và gợi nhớ, gợi thương... mỗi đầu sách của Nguyễn Nhật Ánh khi xuất bản lại tạo thành hiện tượng với độc giả. Ðọc văn của ông, ta luôn thấy một lối viết đặc biệt, hấp dẫn đến từ sự hóm hỉnh, trong sáng, đầy ắp sự tử tế và lòng yêu thương. Ðiều đặc biệt là giúp những ai đang hoang mang trong cuộc sống với cái ác và cái giả đang thường nhật, lại có một niềm tin về cái thiện, cái tốt và cái đẹp vẫn tồn tại trong cuộc đời và cả trong mối quan hệ giữa người với người vốn nhiều thị phi, mệt mỏi.
“Mắt biếc” cũng làm khán giả say mê khi được chuyển thể thành phim. (Ảnh chụp từ màn hình một cảnh của phim).
Phim mang đến khán giả những giá trị nhân văn
Vốn đã có độc giả riêng nên khi truyện của Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim, chính nhóm đối tượng này càng muốn đến rạp để thoả sự tò mò: Phim có hay như truyện? Phim có chuyển tải được nội dung và truyền đạt trọn vẹn cảm xúc của truyện? Và hơn hết, giữa thị trường đầy rẫy những phim cao trào, kịch tính, khán giả vẫn yêu thích sự lãng đãng trong từng cốt truyện mà Nguyễn Nhật Ánh xây dựng. Nó chạm được những điều đẹp đẽ trong tâm hồn.
Ðạo diễn Phan Gia Nhật Linh, người từng chuyển thể thành công "Cô gái đến từ hôm qua", cho biết: "Truyện của Nguyễn Nhật Ánh khi lên phim thường thành công, chủ yếu nhờ yếu tố cảm xúc, mang đến cho khán giả những giá trị nhân văn, thay vì những điều đao to búa lớn mà các cốt truyện khác thường muốn tạo ra để gây ấn tượng. Chính yếu tố nhẹ nhàng, cùng sự lưu luyến của những tình cảm đầu đời, của một thời hồn nhiên trong trẻo, trong truyện Nguyễn Nhật Ánh là yếu tố thu hút khán giả ra rạp".
Trong khi đó, Ðạo diễn Victor Vũ, người khá thành công với 2 bộ phim được chuyển thể thành công, là "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (năm 2015) và "Mắt biếc" (năm 2019) lại cho biết, anh đã bám chắc cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ hình ảnh đậm chất thơ, để đưa khán giả bước vào thế giới của những đứa trẻ trong một ngôi làng. Còn để nêu bật câu chuyện về tình anh em, tình yêu thời học trò, đưa khán giả quay về thời tuổi thơ êm đẹp ở "Mắt biếc", anh chọn cách chuyển cảnh mượt mà, diễn xuất chắc tay từ dàn diễn viên mới toanh để mang đến sự tươi mới, như giọng văn của tác giả. "Nhiều tác phẩm văn học giàu về nhân vật nhưng về câu chuyện lại không có nhiều điểm nhấn, xuyên suốt câu chuyện chỉ là tâm sự suy nghĩ của chính nhân vật. Việc của nhà làm phim là tìm ra đường dây chính, nổi bật nhất, để xây dựng mọi thứ xung quanh thật logic và truyền tải được cái hồn của tác phẩm", anh chia sẻ.
Nhiều thế hệ người Việt hiện đại, trong đó có cả nhà làm phim, lớn lên cùng văn chương của Nguyễn Nhật Ánh. Thế nên, nó dần trở thành một phần hoài niệm lớn. Văn chương Nguyễn Nhật Ánh là nguồn chất liệu giàu có và đầy tính khơi gợi, tạo được không gian cho các nhà làm phim sáng tạo về mặt điện ảnh.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (ngồi giữa) trò chuyện với các đạo diễn trẻ về các tác phẩm văn học của mình. (Ảnh do Ðạo diễn Trịnh Ðình Lê Minh cung cấp).
Sắp tới đây, một tác phẩm nữa của Nguyễn Nhật Ánh sẽ được chuyển thể thành phim, đó là "Ngày xưa có một chuyện tình". Ðây là câu chuyện kể về tình bạn, tình yêu giữa 2 chàng trai và một cô gái từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, trước những thử thách của số phận. Bộ ba, Phúc, Vinh, Miền, như miêu tả của Nguyễn Nhật Ánh, là đã đi đến tận cùng của một chuyện tình. Ðạo diễn Trịnh Ðình Lê Minh, người sẽ chuyển thể "Ngày xưa có một chuyện tình", không giấu sự hào hứng, thay vì áp lực, khi làm phim từ truyện Nguyễn Nhật Ánh. Anh cho biết, mỗi đạo diễn đều có những lựa chọn riêng và cách xử lý dựa trên nền tác phẩm gốc, mang dấu ấn riêng, miễn sao tạo nên món ăn tinh thần thú vị cho khán giả. Anh bảo: "Có lẽ, chính yếu tố nhẹ nhàng, không cao trào kịch tính, cùng sự lưu luyến của những tình cảm đầu đời, của một thời hồn nhiên trong trẻo trong truyện Nguyễn Nhật Ánh là yếu tố thu hút khán giả ra rạp. Chúng ta cần sáng tạo cách kể, để làm đậm cái chất của nhà văn".
Văn của Nguyễn Nhật Ánh thường cho người ta điều mà họ đang thiếu giữa cuộc sống hiện đại, nhiều biến chuyển, đổi thay. Ví dụ, nhà văn thường kể về những con người, ký ức của một thời cũ, đặc biệt là tình yêu lãng mạn, cổ điển, những lá thư tay ở cái thời mà ông bà ta hay chuộng tỏ tình bằng văn chương... Chính nguồn chất liệu giàu tính gợi tạo không gian này đã giúp các nhà làm phim thoả sức chắp cánh sự sáng tạo bay bổng của mình./.
Lam Khánh