(CMO) Qua diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông, thuỷ sản Cà Mau gần đây cho thấy, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ nông, thuỷ sản trên thị trường trong nước và thế giới. Khi các nhà bán lẻ, ngành nông nghiệp cùng ngồi lại, đã mở ra nhiều hướng đi mới cho cả nông dân sản xuất đến nhà máy chế biến, nhà bán lẻ trong nước cũng như xuất khẩu.
Xây dựng chuỗi cung ứng
Nhiều nhà bán lẻ lớn trên thị trường hiện nay biết đến thế mạnh của Cà Mau. Thông qua các kênh bán hàng nhỏ lẻ, các cuộc hội thảo quảng bá du lịch và trải nghiệm thực tế đều nhìn nhận sản vật của Cà Mau mang đặc trưng riêng và khẳng định chất lượng đối với các mặt hàng: tôm sú, thẻ chân trắng, cua, tôm đất, cá kèo, cá thòi lòi.
Cũng từ các đối tượng này, Cà Mau đang triển khai các mô hình tôm hữu cơ, nâng tầm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ngày một tốt hơn. Ðây cũng là thế mạnh cần được Cà Mau phát huy thời gian tới.
Tại diễn đàn vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, Cà Mau cần xây dựng các điểm cung ứng cho Saigon Co.op hay Big C. Từ bao bì đóng gói đến các yếu tố liên quan đều phải đáp ứng yêu cầu của siêu thị. Chúng ta cần có chuỗi nhà cung ứng, hợp tác xã liên quan để đưa hàng vào siêu thị. Ðiều này căn cứ vào yêu cầu của người mua. Cần có chiến lược lâu dài, vì bán trong nước khác với đông lạnh rồi xuất khẩu”.
Xây dựng thương hiệu, nhãn mác, nguồn gốc của hàng hoá là một trong những mắt xích quan trọng cho chuỗi tiêu thụ nông, thuỷ sản thời gian tới. (Ảnh: Gạo sạch Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau). |
“Tỉnh không có tham vọng làm hết các sản phẩm mà sẽ lựa chọn sản phẩm để cung cấp, xây dựng chuỗi cung ứng để hợp tác với nhà phân phối, bán lẻ đăng ký cụ thể”, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định.
Nhiều nhà bán lẻ nhận định, Cà Mau không những có tôm sú, thẻ chân trắng là đặc sản mà có tôm đất sống. Tuy nhiên, do chưa có sự liên kết nên người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội chưa thể tiếp cận đối tượng này nhiều.
“Tôm đất sống của Cà Mau nếu có chuỗi cung ứng, phân phối thì không chỉ ở TP Hồ Chí Minh được ăn mà tôi chắc chắn Hà Nội cũng có thể. Hy vọng các nhà mua có đăng ký cụ thể, để chúng tôi có các bước thực hiện”, ông Lê Văn Sử mong muốn.
Tôm đất Cà Mau đang được thị trường trong nước cũng như thế giới tin dùng. |
Liên quan đến chuỗi cung ứng hàng hoá, ông Lê Thanh Hoà, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khuyến cáo: “Cà Mau cùng nhiều tỉnh, thành phố khác cần đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm thông qua các tổ, nhóm sản xuất, để đảm bảo an toàn ngay từ vùng nuôi. Cần giám sát chất lượng, sản lượng định kỳ, đồng thời chia rõ số lượng xuất khẩu, số lượng dành cho thị trường nội địa, tránh hiện tượng được mùa mất giá, hoặc một số doanh nghiệp thu mua thuỷ sản từ những hộ nhỏ lẻ nhằm đón đầu khi giá tăng”.
Theo ông Hoà, các tỉnh, thành phố nói chung và khu vực ÐBSCL nói riêng hiện vẫn phụ thuộc vào hệ thống thương lái, nhằm hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất liên kết bị đứt gãy, buộc nhiều ngành sản xuất nông nghiệp quay lại thị trường trong nước.
Hướng tới thị trường trong nước
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho biết: “Là cầu nối sản xuất và tiêu dùng, thời gian qua, các nhà bán lẻ đã rất nỗ lực hoạt động, mặc dù gặp nhiều khó khăn do quy định chống dịch của các địa phương".
Với Cà Mau, bà Hậu cho rằng, các sản phẩm đặc sản của tỉnh được người tiêu dùng cả nước biết đến, nhưng vấn đề hiện nay là chi phí trung gian còn cao khi vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
“Do đó, chúng ta cần phải làm thế nào để đường đi của sản phẩm đến điểm bán thuận tiện hơn, giảm chi phí trung gian. Ðể làm được điều đó, chúng tôi cần địa phương thành lập những chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ một cách tốt nhất. Khi đó, nhà bán lẻ sẽ mua được từ gốc với các sản phẩm chất lượng, chi phí trung gian thấp”, bà Vũ Thị Hậu phân tích.
Theo nhận định của các nhà bán lẻ trong nước, khi tình hình dịch được kiểm soát thì lưu thông tốt trở lại. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, các nhà chế biến cần tăng cường các sản phẩm đông lạnh, sấy khô, hấp phục vụ nhu cầu bán lẻ. Cần đầu tư thêm vào xây dựng tem nhãn của sản phẩm để thu hút được người mua, bên cạnh đó, nếu có giá bán lẻ tốt thì sản phẩm sẽ nhanh chóng tiếp cận và tạo thói quen cho người tiêu dùng. Trong thời gian tới, sau khi dịch được kiểm soát, các nhà sản xuất, chế biến và bán lẻ sẽ kết hợp, tạo ra những chương trình khuyến mại để đẩy mạnh thương hiệu cho sản phẩm và tạo đầu ra bền vững cho các nhà sản xuất thông qua các hợp đồng.
Ông Dương Hoàng Long, đại diện sàn giao dịch thương mại điện tử Tiki, cho biết: “Nhu cầu về thực phẩm tươi sống đang rất lớn. Chúng tôi đã xây dựng kho đông lạnh bên cạnh kho mát. Do đó, đặc sản Cà Mau lên tới TP Hồ Chí Minh sẽ được hỗ trợ tốt. Chúng tôi rất mong phổ cập được kiến thức về bán hàng trên nền tảng chợ ảo sẽ diễn ra mau chóng. Người bán chủ động hơn trong khâu cung ứng”. Theo ông Trần Ðình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản: “Cà Mau là vùng đất có nhiều đặc sản, trong đó có tôm - lúa (lúa thơm, tôm sạch). Hiện Cà Mau và Kiên Giang là 2 tỉnh nuôi trồng lớn, chiếm sản lượng 80-90% của ÐBSCL. Tôi hy vọng Cà Mau sẽ phát triển tôm - lúa thành sản phẩm hữu cơ và đẩy mạnh quảng bá, đa dạng hoá thông tin để đưa tôm - lúa đến siêu thị ngày một nhiều hơn”.
Ðể thực hiện mục tiêu này, ông Trần Ðình Luân cho rằng, Cà Mau cần sớm gắn truy xuất nguồn gốc theo hình thức điện tử. Ðây sẽ là cách giúp các kho lưu trữ, siêu thị yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Ngoài tôm - lúa, ông Luân còn chú trọng đến đặc sản tôm rừng tại Cà Mau. Ðây là sản phẩm chưa được nhiều người dân Việt Nam biết đến. Do đó, Cà Mau cần kết hợp cả xuất khẩu, lẫn giới thiệu đến nhiều người tiêu dùng trong nước./.
Hoàng Diệu