(CMO) Hồi nhỏ, mỗi lần nghe ba má kể về chuyện “tiếp thu”, tôi rất tò mò lắng nghe. Mãi về sau này, khi lớn lên, đi học, tôi mới hiểu “tiếp thu” là ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. May mắn hơn, khi về làm phóng viên báo Cà Mau, tôi được lãnh đạo phân công viết nhiều bài nhân dịp 30/4 hàng năm. Ðó cũng là cơ hội mà tôi được gặp các thế hệ cách mạng tiền bối, những người trong cuộc kể về thời khắc thiêng liêng ấy.
Ngay tại Phường 1, TP Cà Mau, ông Lâm Anh Lữ đã xây dựng trang trại nuôi cá, ếch, ba ba với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Q.RIN |
Khi viết những dòng này, tôi bồi hồi nhớ chuyện về “2 ông Ba” - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải Ðoàn Thanh Vị (Ba Vị) và nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Minh Hải Nguyễn Hồng Cơ (Ba Báu). Thời điểm 30/4/1975, ông Ba Vị là Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, giải phóng Bạc Liêu không tốn một viên đạn. Ông Ba Vị còn được tên Tỉnh trưởng Bạc Liêu Nguyễn Ngọc Ðiệp mời bữa cơm với món canh chua cá rô nấu dưa bồn bồn, mà theo ông Ba Vị là “bữa cơm Việt Nam về nhiều phương diện mà lịch sử tạo nên”. Còn ông Ba Báu, thời điểm giải phóng thị xã Cà Mau là Chính trị viên Tỉnh đội, một trong những người xây dựng kế hoạch giải phóng tỉnh nhà. Có lần, đọc trên báo chí, ông Ba Báu thấy bài viết về quá trình tiến công, giải phóng và tiếp quản thị xã Cà Mau có nhiều điều chưa đúng. Ðích thân ông Ba Báu đã gọi Ban Biên tập báo Cà Mau qua để trao đổi, viết lại cho đúng với lịch sử.
Ðã 46 năm kể từ thời điểm giải phóng miền Nam, đất nước hoàn toàn thống nhất. Lớp người của 2 ông Ba dần thưa vắng. Ðể tìm thêm những tư liệu, câu chuyện cho các bài viết lịch sử ngày càng khó. Tôi trăn trở, chẳng lẽ cứ đến sự kiện đó, lấy sách sử, tư liệu đã có ra rồi chép lại, vậy thì còn gì để nói. Thật may, những nhân chứng sống, với tư cách là người trong cuộc, am hiểu về sự kiện 30/4 tại Cà Mau vẫn còn, dù không nhiều. Dịp 30/4 năm nay, tôi đến thăm và chuyện trò cùng thương binh 3/4 Lâm Anh Lữ, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn K8 của thị xã Cà Mau, để góp thêm những chi tiết, những câu chuyện về thời khắc lịch sử 30/4.
Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn K8 Lâm Anh Lữ cùng bức ảnh kỷ niệm chụp với gia đình người anh cô cậu, do Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Liệt sĩ, Nhà báo Nguyễn Mai chụp năm 1965 tại Xóm Chùa, Hoà Thành. Ông Lữ khi ấy 18 tuổi, ở ngoài cùng bên phải bức ảnh. Ảnh: Q.RIN |
Trước đó, tôi và những đồng nghiệp đã có một số bài viết về ông Lâm Anh Lữ. Nhưng thú thật, trong suy nghĩ của mình, tôi vẫn linh tính rằng, ông Lữ vẫn còn nhiều câu chuyện thú vị chưa kể hết. Lần này, sự ngạc nhiên ấy đến ngay khi ông Lữ cầm trên tay bức ảnh chụp mình lúc 18 tuổi. Ông Lữ kể: “Ðây là bức ảnh năm tôi 18 tuổi, khi ở thị xã về gặp người anh cô cậu”. Bức ảnh đề Xóm Chùa, Hoà Thành, năm 1965. Ðây cũng là thời điểm ông Lữ với sự cảm hoá của người anh, đã chính thức tham gia hoạt động cách mạng bí mật tại nội thành thị xã. Nhưng bất ngờ nhất, ông Lữ tiết lộ: “Ðây là bức ảnh do chính Nhà báo Nguyễn Mai (Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Liệt sĩ, Nhà báo Nguyễn Mai - PV) chụp”. Ðó cũng là lần duy nhất ông Lữ gặp và trò chuyện với Nhà báo Nguyễn Mai. Ông Lữ hồi nhớ: “Anh Nguyễn Mai vui vẻ, nhiệt tình, rất trọng người có học. Khi đó, có được cái máy chụp ảnh như anh Mai là oai lắm”. Rồi sau đó, ông Lữ chỉ đọc được những bài viết của Nhà báo Nguyễn Mai trên báo Cà Mau, đến khi nghe tin nhà báo tài hoa hy sinh năm 1973.
Trở lại với sự kiện 30/4/1975, ông Lữ khi ấy là Thị đội phó Cà Mau, được phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn K8 chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng quê hương. Ông Lữ miêu tả, không khí cách mạng bừng bừng, quân ta đến đâu giải phóng đến đó. Khi họp chỉ huy tác chiến, các đồng chí Nguyễn Hồng Cơ (Ba Báu), Chính trị viên Tỉnh đội; Bùi Hữu My (Huỳnh My), Tỉnh đội trưởng; Trần Thanh Liêm (Tư Liêm), Tỉnh đội phó chủ trì. Dù tinh thần lên cao, nhưng chỉ huy các tiểu đoàn vẫn còn một chỗ chưa thông: “Ðánh thị xã mà không có vũ khí “bén” thì trầy trật lắm”. Vậy là thay mặt Tỉnh đội, ông Tư Liêm hạ quyết tâm: “Có cũng đánh, không có cũng đánh. Nếu cần, đánh tới đâu, lấy vũ khí của giặc để đánh tiếp”.
Tiểu đoàn K8 thuộc cánh quân hướng Bắc, mục tiêu là Hội đồng xã An Xuyên. Ðến trưa 30/4, các cánh quân hiệp đồng tác chiến đều áp sát thị xã Cà Mau. Ðến tối 30/4, các đồn địch ven thị xã đều bị triệt hạ. Ông Lữ xin chỉ huy mặt trận hướng Bắc là ông Tống Kỳ Hiệp chỉ thị tiếp theo, và được lệnh “đánh đến đâu, giữ vị trí đến đó, tiếp tục chờ chỉ thị mới”. Rạng sáng 1/5, Tiểu đoàn K8 từ hướng cầu Số 1 tiến vào thị xã. Dù chưa nắm được tình hình cụ thể, nhưng khi thấy Nhân dân thị xã đổ ra 2 bên đường, ông Lữ vững tin rằng chiến thắng đã rất cận kề. Lúc này, có một chiếc xe Jeep của giặc xuất hiện. Ông Lữ yêu cầu trưng dụng chiếc xe, dẫn theo một tiểu đội vũ trang tiến vào trung tâm thị xã.
Là trai thành, ông Lữ vốn thông thuộc đường sá nội thị. Khi tới đập Kênh 16, ông Lữ bắt liên lạc không được với Tiểu đoàn K7, có nhiệm vụ tấn công mục tiêu Trại Cao Thắng - căn cứ hậu cần của địch. Ông Lữ nhận định, phải nhanh chóng nắm tình hình Trại Cao Thắng ra sao. Nhưng khi đến Trại Cao Thắng, tên Ðại uý Tấn của giặc đã chờ sẵn, chào ông và nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón quân giải phóng, xin ông cho ý kiến”. Lúc này, ông Lữ dù bối rối vì kế hoạch tác chiến không chuẩn bị phương án cho tình huống này, nhưng vẫn nhanh chóng hô lớn: “Tất cả tập hợp hàng ngang trước sân!”. Lúc này, quân giặc chạy ra sân tập hợp, có số cầm súng theo, ông Lữ nhắc: “Các ông đầu hàng mà còn cầm súng là sao?”. Vậy là súng ống, đạn dược dồn đống ở cột cờ trước sân. Ðội hình tập hợp xong, tên Ðại uý Tấn hô: “Tập hợp xong, xin ý kiến”.
Lại là một tình huống bất ngờ. Ông Lữ nhớ thoáng lại các câu chuyện của những nơi đã giải phóng và dõng dạc: “Nước Việt Nam Cộng hoà hôm nay đã sụp đổ. Các ông đầu hàng quân giải phóng, bây giờ ai về nhà đó, ở yên một chỗ, chờ lệnh của cách mạng”. Thế là đám tàn quân, có đứa cởi trần mặc quần xà lỏn, mặt mày hớn hở chạy riết về nhà. Do mục tiêu chính là Hội đồng xã An Xuyên, ông Lữ để lại cơ số quân chờ Tiểu đoàn K7 đến tiếp quản. Ông cùng đơn vị K8 tiến về tiếp quản mục tiêu này một cách thuận lợi. Cùng lúc đó, tin toàn thắng từ khắp nơi bay về. Thị xã Cà Mau hoàn toàn giải phóng.
Với ông Lữ và đồng đội, thời khắc quê hương giải phóng thật sự rất khó tả. Anh em vừa cười, vừa rơi nước mắt và trải gan ruột của mình: “Bây giờ, sống một ngày hoàn toàn hoà bình, độc lập thì chết cũng được”. Người dân thị xã Cà Mau nô nức đón đoàn quân giải phóng. Bộ đội cần gì, bà con cũng đáp ứng. Ðể tiện di chuyển, ông Lữ hỏi mượn chiếc Honda 67, nhiều người nghi ngại, sợ bộ đội trong rừng không biết chạy xe. Nhưng ông Lữ là trai thành, chạy ngon lành, nhiều người nhìn ông hết sức ngạc nhiên. Ông Lữ cười vui: “Chắc lúc đó, Tỉnh đội có mình ên chú biết chạy Honda 67”.
Giải phóng xong, tình hình vẫn chưa yên. Một bộ phận tàn quân vẫn chống đối, trốn chạy, mang theo điện đài, vũ khí, nhất quyết chống đối cách mạng. Ðây đều là những tên ác ôn, nợ máu với Nhân dân, với cách mạng. Ông Lữ cho biết: “Bà con không chỉ cưu mang quân giải phóng, mà còn giúp quân ta lần vết, tìm ra và bắt gọn nhiều tên ác ôn”. Có thể kể đến Thiếu tá Phan Thành Hứa (Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bảo an 974); Trung tá Lê Phó, Tỉnh phó; Thiếu tá Huỳnh Túy Duyên (Quận trưởng Đầm Dơi).Tất cả các tên này đều bị toà án cách mạng xét xử, đền tội đích đáng bằng án tử hình.
Theo ông Lữ, ngày giải phóng, thị xã Cà Mau chỉ có khu vực Phường 2, Phường 4 là dân cư đông đúc, các nơi khác còn thưa vắng. Qua 46 năm, Cà Mau giờ đã là đô thị năng động, sầm uất, hiện đại. Với ông Lữ, không có hạnh phúc và niềm vui nào bằng khi được sống giữa thành phố và cảm nhận, nhìn thấy sự đổi thay diệu kỳ ấy. Sắp từ giã, ông Lữ níu tay chúng tôi và lại là một ngạc nhiên khác: “Ðây là bức ảnh chú chụp lúc chuẩn bị tấn công giải phóng thị xã. Anh em mỗi người chụp một kiểu để lỡ có gì thì làm ảnh thờ”. Từ trong bức ảnh ấy và trong mắt ông, chúng tôi thấy đong đầy cả chân trời thương nhớ...
Ghi chép của Phạm Quốc Rin