Là huyện điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Cà Mau, thời gian qua, Thới Bình luôn xác định giảm nghèo bền vững là động lực để thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM. Theo đó, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đồng thời, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách giúp đỡ trực tiếp từng hộ.
Là huyện điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Cà Mau, thời gian qua, Thới Bình luôn xác định giảm nghèo bền vững là động lực để thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM. Theo đó, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đồng thời, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách giúp đỡ trực tiếp từng hộ.
Giúp dân thoát nghèo bền vững
Chuyện thoát nghèo của gia đình ông Lâm Văn Hiên ở ấp 1, xã Tân Lộc Bắc, trở thành một trong những điển hình tại địa phương. Năm 2013, được xét vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, ông đầu tư nuôi trăn. Từ cặp trăn ban đầu, hiện tại gia đình ông có hơn chục con trăn lớn, với trọng lượng mỗi con từ 30-40 kg.
Được hỗ trợ vốn sản xuất, ông Lâm Văn Hiên, ấp 1, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình nuôi trăn thoát nghèo. Ảnh: H.DIỆU |
Ông Hiên cho biết, nuôi trăn khá dễ, lại ít tốn công chăm sóc nên ông mạnh dạn đầu tư chuồng nuôi trăn sinh sản. Với giá trăn ổn định, thương lái đến tận nhà mua trăn con mới nở giá dao động từ 250.000-400.000 đồng/con. Trăn nuôi từ 5-7 ngày hoặc 10 ngày mới cho ăn 1 lần, vì thế, ông Hiên có thể tranh thủ làm những công việc khác để tăng thêm thu nhập. 2 năm đầu tư vào nghề nuôi trăn, gia đình ông Hiên không chỉ thoát nghèo mà còn tích luỹ mua được đất sản xuất.
Trước đây, gia đình bà Trần Hồng Cam ở ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ cũng là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà chỉ có 2 mẹ con nhưng không đất sản xuất, cuộc sống rất chật vật. Với những nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước về nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, cho vay vốn theo chương trình xoá nghèo, gia đình bà từng bước vươn lên thoát nghèo.
Bà Cam chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng mình còn sức lao động thì không thể trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên quyết tâm phấn đấu làm ăn. Từ nguồn vốn vay hơn 5 triệu đồng vào năm 2013, tôi thuê được 5 công đất gần nhà để nuôi tôm, nuôi cá bống tượng và trồng hoa màu. Ngoài ra, tôi còn mua bán nhỏ tại nhà”. Nhờ đó mà năm 2015 bà Cam là hộ đầu tiên của ấp đăng ký thoát nghèo.
Theo Trưởng ấp Đường Đào Nguyễn Trọng Yêm, năm 2015, xã phân công các đảng viên phụ trách hộ nghèo trong ấp, có 2 hộ tiên phong đăng ký thoát nghèo. Hiện toàn ấp chỉ còn 4 hộ nghèo. Qua tuyên truyền, vận động, những hộ này đều cố gắng làm ăn. Đồng thời, những chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và vốn vay của Chính phủ đối với đồng bào dân tộc trong thời gian qua góp phần cho địa phương đẩy nhanh công tác giảm nghèo. Ấp Đường Đào trở thành điểm sáng của xã Hồ Thị Kỷ trong việc giúp dân thoát nghèo bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2016 ấp sẽ không còn hộ nghèo.
Bí thư Đảng uỷ xã Hồ Thị Kỷ Dương Quốc Việt cho biết, để giúp dân thoát nghèo, xã Hồ Thị Kỷ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, giáo dục, dạy nghề, nhà ở, đất sản xuất và vận động xã hội hoá chăm lo cho người nghèo, hộ đồng bào dân tộc… 4 năm qua, bình quân mỗi năm xã giảm được gần 2% hộ nghèo, hiện toàn xã chỉ còn 106 hộ nghèo, chiếm 2,17%; hộ cận nghèo còn 167 hộ; xã đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM.
Nền tảng xây dựng huyện NTM
Xác định giảm nghèo là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Thới Bình đã ban hành nhiều chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn với nhiều giải pháp được triển khai thực hiện hiệu quả như: tín dụng, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ y tế, giáo dục, dạy nghề, giới thiệu việc làm và phân công các ban, ngành, đảng viên phụ trách từ ấp, từng hộ nghèo cụ thể. Nhờ đó, có gần 600 hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, trong đó có gần 30% hộ đồng bào dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Nguyễn Tráng Kiện công bố những con số ấn tượng: Giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn kinh phí được đầu tư thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện trên 200 tỷ đồng. Nếu như năm 2011, toàn huyện có hơn 2.676 hộ nghèo, chiếm 8,51%, thì đến nay chỉ còn 815 hộ, chiếm 2,45% và hộ cận nghèo là 811 hộ, chiếm 2,44%. Không còn hộ nghèo, cận nghèo trong diện chính sách.
Quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân cũng như những giải pháp căn cơ của Đảng bộ huyện sẽ là động lực để huyện sớm hoàn thành tiêu chí số 11 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, đưa huyện điểm Thới Bình sớm hoàn thành công cuộc xây dựng NTM./.
Liêu Hỏn