Những năm qua, ngành giáo dục huyện U Minh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, từ đó công tác giáo dục huyện nhà có những bước phát triển. Trong đó, điểm sáng đáng ghi nhận là công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay công tác này đang gặp phải một số khó khăn nhất định, cần được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ.
Những năm qua, ngành giáo dục huyện U Minh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, từ đó công tác giáo dục huyện nhà có những bước phát triển. Trong đó, điểm sáng đáng ghi nhận là công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay công tác này đang gặp phải một số khó khăn nhất định, cần được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ.
Ông Trần Hoàng Lạc, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện U Minh, thông tin: “Sau nhiều năm phấn đấu, đến nay huyện đã có 21/46 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 4 trường THCS, 11 trường tiểu học và 6 trường mầm non. Điều đáng tự hào là khi các trường đạt chuẩn đã phát huy được hiệu quả, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, chất lượng các phong trào mũi nhọn cũng theo đó phát triển và đã mang về nhiều thành tích to lớn cho ngành giáo dục huyện nhà”.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Để có được kết quả đó, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, huyện U Minh còn làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục. Chỉ tính riêng từ đầu năm học 2015-2016 đến nay, Phòng GD&ĐT huyện đã tiếp nhận từ công tác xã hội hoá giáo dục hơn 600 triệu đồng, trong đó gồm tiền mặt, học bổng, quà, tập viết, cặp học sinh, ghế, xe đạp, quần áo… Qua đó đã giúp cho các em học sinh khó khăn có điều kiện tiếp tục đến trường, đồng thời cơ sở vật chất ở một số trường cũng đã được đầu tư cải thiện. Đặc biệt là phong trào hiến đất xây dựng trường học cũng được người dân hưởng ứng tích cực, đến nay đã có hơn 140.000 m2 đất được Nhân dân hiến để xây dựng trường học và các công trình phụ trợ.
Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm, xã Khánh An đạt chuẩn mức độ 1 có đầy đủ các phòng chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong việc nghiên cứu trí thức. |
Ông Ngô Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Thuỳ Trâm, xã Khánh An, ngôi trường vừa mới được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, phấn khởi nói: “Ngoài sự đầu tư từ ngân sách, nhà trường cũng tranh thủ vận động xã hội 200 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học. Từ đó mà cơ sở vật chất, cũng như khuôn viên nhà trường khang trang hơn, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học theo chương trình trường học mới”.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2016, huyện U Minh tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 4 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 2 trường được đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới, đó là Trường THCS Nguyễn Mai và Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa xã Khánh Tiến; Trường Mẫu giáo Hoa Sen, xã Khánh Lâm và Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Khánh Hội.
Khó khăn về vốn
Tuy nhiên, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Để 4 trường nói trên đạt chuẩn trong năm 2016 cần phải có hơn 4 tỷ đồng, trong khi đó nguồn vốn hiện có chỉ 3 tỷ đồng.
Về lâu dài, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của huyện U Minh sẽ càng khó khăn hơn, bởi theo lộ trình từ nay đến năm 2020 huyện phải xây dựng đạt 80% trường đạt chuẩn, tức khoảng 37/46 trường để đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới. Như vậy, huyện cần phải có thêm 12 trường đạt chuẩn quốc gia, trừ các trường đã dự kiến đạt trong năm 2016.
Nhưng để 12 trường đạt chuẩn không phải dễ, bởi những trường xây dựng về sau đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, từ 8-10 tỷ đồng, cá biệt có những trường phải đầu tư hơn 10 tỷ đồng như Trường THCS Nguyễn Mai, xã Khánh Tiến. Như vậy 12 trường muốn đạt chuẩn theo đúng lộ trình phải cần đến nguồn vốn gần 100 tỷ đồng, mỗi năm huyện cần phải đầu tư hơn 25 tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ, do vậy muốn hoàn thành chỉ tiêu huyện đề ra, đòi hỏi cần phải có sự quan tâm đầu tư lớn từ phía Nhà nước và đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá giáo dục./.
Bài và ảnh: Trần Thể