ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 12:48:07
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Gian nan xoá nghèo hộ chính sách

Báo Cà Mau (CMO) Cuối năm 2017, huyện Trần Văn Thời còn 3.598 hộ nghèo, chiếm 7,68%, trong đó, hộ nghèo gia đình chính sách 40 hộ; 1.753 hộ cận nghèo, chiếm 3,74%, trong đó, hộ cận nghèo gia đình chính sách 25 hộ. Quyết tâm của huyện là phấn đấu xoá được 40 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo gia đình chính sách trong năm 2018. Tuy nhiên, việc thực hiện quyết tâm này còn lắm gian nan.

Trong căn nhà mới, gia đình ông Phạm Văn Tranh (thương binh 3/4, Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc) tranh thủ dọn dẹp sau khi hoàn thành công đoạn gắn la phông trần nhà. Ngoài số tiền 40 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ, các con của ông phụ hơn 200 triệu đồng để căn nhà thêm kiên cố. Với 1,2 ha trồng rừng, 1,8 ha trồng lúa, năm 2017, ông Tranh còn được xét cho vay 25 triệu đồng từ vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Từ số tiền vay, ông đầu tư nuôi 3 mùng với hơn 1.000 con cá lóc.

Ông Tranh tính toán, cá giống thì ép đẻ tại nhà, tận dụng nguồn cá con, cá tạp làm thức ăn, khoảng 8 tháng có thể thu hoạch. Với giá thị trường khoảng 80.000-90.000 đồng/kg, sau khi thu hoạch cá sẽ trả vốn vay Nhà nước và tiếp tục duy trì mô hình nuôi cá lóc. Ông Tranh cười tươi khẳng định: "Có nhà ở ổn định, được vay vốn nuôi cá, cuối năm tôi xin thoát nghèo".  

Khác với ông Tranh, chuyện thoát nghèo của bà Ngô Thị Ất (87 tuổi, ấp Kinh Dớn) lắm gian nan. Bà Ất bị bệnh nằm một chỗ đã lâu nên mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào con cháu. Căn nhà tình thương của bà được xây dựng gần chục năm đã xiêu vẹo, trống trước hở sau.

Cặp bên, căn nhà của mẹ con anh Đặng Minh Dẫn (37 tuổi, cháu ngoại bà Ất) cũng liêu xiêu, ngoài cái giường cũ kỹ gần như trong nhà không có vật dụng gì quý giá. Không đất sản xuất, cả nhà 3 miệng ăn chỉ nhờ vào mức hỗ trợ thờ cúng liệt sĩ là 1.417.000 đồng và tiền hỗ trợ người cao tuổi 270.000 đồng. Anh Đặng Minh Dẫn cho biết: "Ngoài đi làm thuê cho ghe biển, tôi cũng không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Ngày nắng, trúng tôm, cá thì được chia đỡ chút. Gần chục ngày nay mưa dầm, không đi biển được nên tôi cũng thất nghiệp ngồi nhà".

Có đất sản xuất, được hỗ trợ nhà, vay vốn làm kinh tế, cuối năm nay gia đình thương binh Phạm Văn Tranh (Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc) xin thoát nghèo.  

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc Trần Thanh Đoàn trần tình, phương án hỗ trợ thoát nghèo cho từng hộ gia đình chính sách đã được các ban, ngành huyện, thường trực UBND xã bàn tính cụ thể. Với mong muốn giúp 13 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo thuộc diện chính sách có thể thoát nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo hoặc lọt chuẩn từ hộ nghèo xuống hộ cận nghèo.
“Tuy nhiên, sau khi đi rà soát thực tế, vẫn còn khoảng 4-5 hộ không thể thoát nghèo. Những hộ này do lớn tuổi, bệnh tật, không đất sản xuất… nên mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ cũng chỉ là tạm thời chứ không thể thoát nghèo bền vững, căn cơ”, ông Đoàn cho biết thêm.     

Trong căn nhà tình nghĩa được xây dựng từ năm 2007 đã xuống cấp trầm trọng của thương binh 3/4 Lý Văn Chiến (71 tuổi, tổ 5, ấp Kinh Chùa, xã Trần Hợi), tài sản quý nhất có lẽ là 3 bao lúa dành cho những ngày giáp hạt. Ông được cấp 2,5 công đất trồng lúa, nhưng cách đây 4 năm đã phải cầm cố 1 công lấy vốn làm ăn. Làm ăn thất bại nên chuyện chuộc đất với ông cũng xa dần. Lương thương binh của ông mỗi tháng được 2.100.000 đồng, cộng với 540.000 đồng tiền trợ cấp đứa cháu bị nhiễm chất độc da cam chỉ đủ xoay xở hằng ngày.

Ông Chiến phân trần, vợ chồng đều đau bệnh nên cũng không làm thêm gì. Tiền lương hằng tháng thì trang trải chi phí trong nhà, 1 năm có 2 vụ lúa chỉ đủ ăn. Mấy năm trước, Nhà nước rút sổ hộ nghèo, nhưng sau đó thì cấp lại cho gia đình ông sổ hộ nghèo để được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, chứ cảnh ốm đau, bệnh tật, nhà thiếu trước hụt sau biết khi nào ông mới có thể thoát nghèo được.

Theo kế hoạch, năm 2018, địa phương sẽ rút sổ hộ nghèo của gia đình ông Lý Văn Chiến. Tuy nhiên, với điều kiện thiếu đất sản xuất, mất sức lao động, không vốn liếng… thì chưa ai dám đảm bảo điệp khúc “xoá nghèo, tái nghèo” không lặp lại lần thứ 2 đối với gia đình ông.   

Đa số hộ nghèo gia đình chính sách không đất sản xuất, không đất ở, tuổi cao, bệnh thường xuyên, không có thân nhân nuôi dưỡng…, do đó, công tác giảm nghèo gặp không ít khó khăn. Ngay từ đầu năm, UBND huyện Trần Văn Thời đã phân công các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn mỗi đơn vị phụ trách giúp đỡ 1 hộ nghèo, cận nghèo chính sách trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Võ Quốc Thống cho biết, để hộ chính sách nghèo, cận nghèo có mức sống bằng hoặc cao hơn so với những hộ dân tại địa phương, công tác xoá nghèo phải được thực hiện căn cơ, bền vững./.

Năm 2018, toàn tỉnh còn 233 hộ chính sách nghèo và 152 hộ chính sách cận nghèo. UBND tỉnh chỉ đạo, tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ chính sách nghèo tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ vật tư, cây, con giống, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng xã hội, tổ chức thực hiện toàn diện, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững ở địa phương. Trong đó, đặc biệt ưu tiên hộ chính sách nghèo và cận nghèo; đảng viên thuộc hộ nghèo. Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, đảm bảo đối tượng người có công đến cuối năm 2018 có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân tại địa phương.

Thanh Phương

Nhiệm vụ mới của ngành công an dần đi vào nền nếp

Nếu như thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn trong khâu vận hành khi mới tiếp nhận công việc từ Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng), thì đến thời điểm này, các đầu công việc trong thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) của Ðội Sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ (Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh) dần đi vào nền nếp, bước đầu mang lại hiệu quả.

Hỗ trợ đăng ký thành lập, hoạt động doanh nghiệp

Thực hiện chủ trương, kế hoạch và chỉ đạo của tỉnh về việc đẩy mạnh chuyển đổi số, Sở Kế hoạch và Ðầu tư (nay là Sở Tài chính) đã chỉ đạo, phân công bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện TTHC về đăng ký thành lập và hoạt động của DN. Tuy nhiên, do thủ tục phát sinh khá nhiều và quy trình thực hiện thủ tục đăng ký DN trên môi trường mạng còn phức tạp, cần sự hỗ trợ kịp thời, góp phần nâng cao sự hài lòng của DN, cải thiện Chỉ số PCI tỉnh.

Ðổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả kiểm tra

Kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành CCHC, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Vì thế, công tác kiểm tra không ngừng được đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh.

Hoạt động ổn định, thông suốt sau sáp nhập

Ðầu năm 2025, toàn tỉnh có 18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với 206 tổ chức bên trong. Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sau khi sắp xếp, toàn tỉnh hiện còn 13 cơ quan với 159 tổ chức bên trong, bao gồm 68 phòng, 12 chi cục và tương đương, 79 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 5 cơ quan chuyên môn và 47 tổ chức bên trong).

Ðơn giản thủ tục hành chính theo hướng thực chất

Cắt giảm và đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho tổ chức, cá nhân là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Ðiều đó khẳng định quyết tâm của tỉnh Cà Mau trong việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả.

Tích hợp sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VneID

Ðể đẩy nhanh việc tích hợp sổ sức khoẻ điện tử (SSKÐT) trên ứng dụng VNeID, góp phần để người dân được hưởng lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số mang lại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch triển khai Chiến dịch Tích hợp SSKÐT trên ứng dụng VNeID.

Cà Mau quyết liệt sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Bám sát chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, tỉnh Cà Mau khẩn trương, quyết liệt trong triển khai thực hiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, gắn với mục tiêu giảm đầu mối và biên chế, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Cà Mau tăng hạng nhiều nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số chuyển đổi số

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố "Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - DTI cấp bộ, cấp tỉnh năm 2023". Theo đó, tỉnh Cà Mau là địa phương được đánh giá là tỉnh tăng hạng nhiều nhất về DTI trong năm 2023 với vị trí 35/63 tỉnh, thành cả nước.

Vì một nền hành chính linh hoạt và toàn diện

Trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cà Mau luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình chuyển đổi số. Vì thế, công tác CCHC luôn được thực hiện xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện, hướng đến nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 4/2/2025 ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025.