(CMO) Đan đát các vật dụng từ tre, trúc vốn là nghề truyền thống ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, trên 30 năm qua. Mong muốn của chính quyền địa phương và bà con nơi đây là nghề truyền thống này được duy trì và phát triển bền vững, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân.
Người dân nơi đây đã chủ động trồng, khôi phục nguồn nguyên liệu tại chỗ, kết hợp thành lập Tổ hợp tác đan đát xã Nguyễn Phích, huy động và khuyến khích lao động nhàn rỗi ở địa phương tham gia. Từ đó, vừa góp phần giúp người dân nơi đây có thêm nghề tay trái, tăng thu nhập lúc nông nhàn, vừa góp phần khôi phục không gian làng nghề truyền thống, hướng đến kết nối điểm tham quan du lịch, tạo điểm nhấn phục vụ du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại Cà Mau.
Theo kinh nghiệm từ người dân, để đan thành phẩm đẹp, chất lượng, độ bền cao thì phải chọn cây trúc già, giao lóng, mắt nhỏ.
Bà con xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tận dụng diện tích sân vườn trồng trúc, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ, phục vụ nghề đan đát truyền thống.
Nghề đan đát đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, đôi tay khéo léo và quan trọng là phải yêu nghề thì mới có sản phẩm như ý.
Không gian đan đát truyền thống, quen thuộc ở vùng quê Nguyễn Phích.
Chị Liên Ngọc Giàu, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan đát xã Nguyễn Phích, người góp phần khơi dậy phong trào và gìn giữ nghề đan đát truyền thống ở địa phương.
Bà Huỳnh Thị Nhiên, 75 tuổi, Ấp 2, xã Nguyễn Phích, duy trì nghề đan đát trên 30 năm nay. Hàng ngày, bà mang các vật dụng làm từ trúc ra thị trấn U Minh bán kiếm thêm thu nhập.
Các vật dụng quen thuộc sử dụng trong gia đình được làm từ trúc, đây là sản phẩm từ thiên nhiên, an toàn nên hiện nay được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Loan Phương - Lê Tuấn thực hiện