(CMO) Làng chiếu Tân Thành (xã Tân Thành, TP Cà Mau) lúc hưng thịnh đã đi vào cõi nhớ, bởi người dệt chiếu giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nghề này dần bị mai một vì không còn chỗ đứng trên thị trường, nhưng một số thợ dệt nơi đây vẫn muốn níu giữ nghề, xem đó là niềm vui trong cuộc sống, họ không chỉ nợ bởi chữ nghề mà còn vì giữ cái tình.
Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, chiếc chiếu lác giờ đây là hoài niệm khó quên của nghề trong những năm tháng thịnh vượng. Một buổi sáng se lạnh cuối năm, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của bà Phạm Thị Cương (Út Sĩ), ở Ấp 5, xã Tân Thành. Bà là thợ kỳ cựu, giỏi dệt chiếu nổi tiếng nhất nhì nơi này.
Nhắc tới nghề, giọng bà Út tự hào: “Hơn chục năm trước, lúc nghề còn thịnh, xóm này vui lắm, vì phụ nữ nơi đây lúc nào cũng rôm rả chuyện đi cắt, rồi về chẻ, phơi, nhuộm lác, dệt… Cực đó nhưng ai cũng háo hức”.
Bà Út tâm sự: “Mấy mươi năm với nghề dệt chiếu, những lúc hàng gấp, mở mắt ra đã ngồi dệt chiếu cho đến chiều tối. Ngồi mấy tiếng để dệt cũng đau lưng mà hổng hiểu sao không làm thì thấy buồn. Lời lãi có bao nhiêu đâu, nhưng lỡ gắn đời mình với chiếc khung, cọng lác nên cứ thế mà làm thôi. Tốp trẻ thời này dễ gì chịu làm, tụi nó chê nghề cực mà tiền nong ít ỏi. Vậy là thợ dệt chúng tôi toàn những người đầu hai thứ tóc”.
Cực vì nghề nhưng bà Út không có ý định bỏ nghề, hễ có ai đặt làm chiếu là bà tất bật chuẩn bị nguyên liệu, ngồi vào khung dệt. Lác tươi mua về được chẻ ra làm 3 cọng nhỏ, đem phơi, sau đó nấu thuốc nhuộm. Lác nhuộm được phơi đảm bảo bám màu là có thể dệt chiếc chiếu đủ đẹp và chất lượng. Bà Út nói vui: “Nhìn người nào dệt chiếu là biết liền, vì tay chân có khi nào không dính màu thuốc nhuộm đâu”.
Lác phải nhuộm và phơi đủ nắng mới có thể dệt thành sản phẩm chiếu chất lượng. |
Chắt chiu, gìn giữ nghề như niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống, bà Út luôn tâm niệm: “Nghề nào cũng cần đặt chữ tâm lên hàng đầu. Dù nghề đó cho thu nhập ít hay nhiều cũng phải trân trọng. Thợ dệt chiếu như chúng tôi học thức hạn hẹp, nhưng ai nấy đều tự hào vì nghề này không cần bằng cấp mà vẫn tử tế kiếm ra tiền. Ngẫm ra nghề dệt cái gì cũng phải đôi, dệt thì phải dệt 2 chiếc trên khung, dệt phải cần một người chuồi lác vào khung, một người dệt mới được. Lũ trẻ nhà tôi không ai nối nghiệp nên chị em hàng xóm cứ tương trợ nhau dệt chiếu ngót nghét mấy chục năm dài, bởi chúng tôi sống với nhau, đặt vào đó nghĩa tình làng xóm”.
Không ruột rà thân thuộc nhưng hễ cùng làm chiếu là trở thành tri kỷ. Mỗi đôi chiếu có 2 chiếc, tuỳ theo yêu cầu khách đặt kích cỡ mà giá tiền khác nhau. Mỗi đôi 1,6 m giá dao động từ 400.000-500.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, thợ dệt chỉ lời khoảng 200.000 đồng. Vậy là người chuồi được tiền công 50.000 đồng.
Thâm niên làm công đoạn chuồi chiếu ngót nghét trên 10 năm, hễ bà Út Sĩ rục rịch phơi lác là chị Trương Thị Nghe chuẩn bị tâm thế. Chị Nghe bày tỏ: “Chuồi chiếu không mấy cực. Cứ xỏ lác vào cây chuồi rồi đưa vào khung có giăng dây bố là xong. Việc nhẹ, an nhàn, làm riết không biết cực. 50.000 đồng tiền công chuồi mỗi đôi chiếu không nhiều, nhưng chúng tôi sống với nhau cả đời chứ đâu phải một ngày, một bữa. Bởi, cái tình nghĩa còn cao hơn mà”.
Công đoạn chuồi và dệt chiếu. |
Bà Lâm Ánh Tuyết ở Ấp 5, xã Tân Thành, tuy tuổi đã quá thất tuần nhưng vẫn bám trụ với nghề. 50 tuổi nghề, bà Tuyết vẫn chưa muốn ngơi nghỉ, vì nghề dệt chiếu đối với bà là quãng đời tràn đầy niềm vui.
Bà Tuyết tâm sự: “Nghề dệt chiếu tuy dễ nhưng không phải ai làm cũng được. Nó đòi hỏi người thợ phải yêu nghề, đam mê thì mới ngồi dệt 4-5 tiếng đồng hồ liền. Không chỉ dệt chiếu theo dạng thông thường mà người dệt chúng tôi còn không ngừng sáng tạo. Trên mặt chiếu có thêm chữ: Trăm năm hạnh phúc, bách niên giai lão, an khang thịnh vượng… hay dệt loại mặt võng đôi, bông rơi, bông dây… tuỳ theo yêu cầu của khách”.
Có lẽ một khi gắn bó với cái gì đó quá lâu, người ta lại không nỡ bỏ, vì cả tuổi thanh xuân họ đã dồn tâm, dồn lực để phát triển nghề. Nghề dệt chiếu cứ vậy mà được giữ gìn bởi những người thợ không truyền nhân. Thợ lành nghề dệt chiếu cứ thế già đi, rồi đây không biết sau khi họ nghỉ, có còn ai nối nghiệp?./.
Lê Hằng My