(CMO) Nuôi trồng thuỷ sản là thế mạnh của huyện Ðầm Dơi, tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhất là thời điểm từ đầu năm đến nay, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trên địa bàn. Phóng viên báo Cà Mau có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, để hiểu rõ hơn những khó khăn của người dân cùng những giải pháp của địa phương giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Huyện Ðầm Dơi chỉ đạo rà soát, cập nhật thông tin các sản phẩm hàng hoá đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện cần tiêu thụ để kết nối và mở rộng kết nối thị trường tiêu thụ. (Ảnh chụp tại Cơ sở kinh doanh, chế biến tôm khô Minh Ðức, ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng) |
- Ông có thể chia sẻ những khó khăn người dân trên địa bàn huyện đã và đang đối mặt, nhất là hộ dân nuôi tôm công nghiệp, siêu thâm canh?
Ông Nguyễn Phương Bình: Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 làm cho sản lượng thuỷ sản của huyện giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và thu nhập của người dân, nhất là người nuôi tôm siêu thâm canh. Có thời điểm giá tôm thẻ chân trắng giảm còn khoảng 60.000 đồng/kg loại 100 con/kg, người nuôi lỗ khoảng 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá vật tư đầu vào tăng, do khó khăn trong vận chuyển hoặc một số nhà máy sản xuất thức ăn tại nơi có dịch bệnh tạm ngưng hoạt động. Ngoài ra, một số người nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện lấy thức ăn, con giống từ các huyện ngoài tỉnh Cà Mau; khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người nuôi tôm gặp khó khăn trong việc di chuyển để lấy thức ăn, con giống và trong thu hoạch tôm.
Có khoảng 25-30% hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh trên địa huyện chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 do có tôm lớn thu hoạch, nhưng giá rất thấp (chủ yếu là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội). Hiện nay tôm kích cỡ lớn đang tăng trở lại. Thực hiện giãn cách xã hội làm cho các doanh nghiệp đến thu mua chưa kịp thời, ảnh hưởng nhiều đến sản lượng và giá cả.
- Trước những khó khăn trên, huyện đề ra giải pháp hay hướng hỗ trợ như thế nào giúp bà con ổn định tâm lý và bắt tay sản xuất?
Ông Nguyễn Phương Bình: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện Ðầm Dơi tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và xây dựng phương án tổ chức sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ thuỷ sản trong điều kiện dịch bệnh. Ðồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin các sản phẩm hàng hoá trên địa bàn huyện cần tiêu thụ hoặc mở rộng kết nối thị trường tiêu thụ.
Kịp thời nắm bắt, phản ánh đến ngành chức năng tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ thuỷ sản. Cụ thể, đối với các hộ sản xuất tôm giống trên địa bàn xã Tân Thuận, UBND huyện đã cùng với UBND huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu xây dựng Phương án số 61/PAPH-UBND, ngày 30/8/2021, về việc phối hợp vận chuyển, cung ứng con giống, vật tư, thuốc và thức ăn thuỷ sản giữa UBND huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau và UBND huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu; trao đổi với các huyện trong tỉnh đối với việc cho phép người dân lưu thông mua, bán hàng thuỷ sản, thức ăn, con giống. Ðồng thời, liên hệ với các doanh nghiệp tại thị trấn Ðầm Dơi cung cấp thức ăn, thuốc, hoá chất cho các hộ dân không lấy được từ các đại lý của tỉnh Bạc Liêu.
Ưu tiên thực hiện test nhanh Covid-19 cho các đội kéo tôm để chủ động trong việc thu hoạch tôm cho người nuôi tôm siêu thâm canh, thông báo rộng rãi số điện thoại các đội kéo tôm đủ điều kiện để người dân chọn lựa liên hệ. Hướng dẫn ngay và đầy đủ các thủ tục sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” cho 2 cơ sở chế biến thuỷ sản và 9 cơ sở sơ chế. Ðến nay, có 5 cơ sở đã xây dựng kế hoạch sản xuất và đã phục hồi sản xuất.
Theo dõi, giám sát tình hình sản xuất và lưu thông hàng hoá để kịp thời khuyến cáo đến cáo doanh nghiệp và người dân chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đáp ứng thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng hàng hoá bị ứ đọng. Khuyến cáo người nuôi tôm trên địa bàn huyện thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 để chủ động trong sản xuất.
- Xin cảm ơn ông!
Loan Phương thực hiện