ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 16:33:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giúp người không phân chia ranh giới

Báo Cà Mau (CMO) Từ suy nghĩ nhân văn trên, thời gian qua, các thành viên Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Phường 8, TP. Cà Mau đã làm được rất nhiều việc giúp đỡ cộng đồng, không chỉ trong địa bàn phường mà cả trong và ngoài tỉnh, góp phần không nhỏ vào công tác an sinh xã hội.

Hội Chữ thập đỏ Phường 8 vận động tổ chức Hope Today hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, mồ côi trên địa bàn phường. 

Sẻ chia khốn khó

Trong căn nhà còn mới màu nước sơn (nằm ở con hẻm đường Kênh Tỉnh Đội, Khóm 1, Phường 8, TP. Cà Mau), bà cụ Nguyễn Thị Thêm hồ hởi chia sẻ: “Trước đây nhà dột như cái rổ, mùa mưa phải che 7-8 miếng cao su mới ở được. Nhờ địa phương xét hỗ trợ mấy chục triệu đồng, con gái tôi vay mượn thêm mới cất được ngôi nhà này”.

Giờ thì con gái, con rể bà dắt 2 cháu nhỏ đi Bình Dương lao động kiếm tiền trả nợ. Ở cái tuổi 80, mang trong người đủ thứ bệnh già, một mình bà Thêm ở nhà tự chăm sóc bản thân: “Con gái dặn, có gì thì gọi hàng xóm lân cận. Bệnh thì mình đi khám, nhận thuốc bảo hiểm uống. Cơm gạo thì có chỗ cô Thuý chữ thập đỏ cho. Nhờ vậy mà tôi không phải lo miếng ăn từng bữa”.

Chị Cao Thị Mỹ Thuý, Chi hội trưởng Chi hội CTĐ Khóm 1, Phường 8, TP. Cà Mau, cho biết, bà cụ Nguyễn Thị Thêm là 1 trong 12 hộ nghèo, cận nghèo của khóm. Hơn 1 năm qua, thông qua Hội CTĐ Phường 8, chị đã kết nối với nhóm Baptist (Hội Thánh Tin Lành Cà Mau) mỗi tháng hỗ trợ gạo ăn cho các hộ. Mặc dù mỗi nhà 10 kg gạo chỉ tương đương hơn 100.000 đồng, nhưng việc hỗ trợ này rất có ý nghĩa với những hoàn cảnh khốn khó. Bà cụ Thêm nhờ đó mà không phải chật vật lo bữa đói bữa no, con cái bà vì thế cũng yên tâm lao động mưu sinh và kiếm tiền trả các khoản nợ nần. 

Trong một con hẻm khác cũng trên đường Kênh Tỉnh Đội, chúng tôi ghé nhà em Nguyễn Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Việt Khái. Đường vào nhà em nước ngập lênh đênh, nền nhà ẩm ướt, nhưng với Duyên, có được căn nhà cha mẹ để lại làm nơi chị em trú ngụ là đã quý. 

Duyên là đối tượng mồ côi, cha mẹ em ly hôn, cha em bỏ xứ đi từ khi em còn nhỏ. Em và chị gái sống cùng mẹ. Gia đình hoàn cảnh khó khăn nên mẹ em phải tần tảo bán buôn để nuôi chị em em. Cách đây hơn 5 năm, khi em đang học lớp 6 thì mẹ bị tai nạn giao thông qua đời. Chị gái phải bỏ học để bươn chải lo cuộc sống cho hai chị em và để em được tiếp tục đến trường. 

Duyên chia sẻ, chị em giờ đã lập gia đình, có 1 cháu nhỏ. Anh rể làm bảo vệ, chị là nhân viên nên thu nhập thấp, đời sống còn lắm chật vật, khó khăn. Mấy năm nay nhờ được chính quyền, đoàn thể Phường 8 quan tâm, đặc biệt, Hội Khuyến học, Hội CTĐ phường luôn tiếp sức, Duyên mới có điều kiện học hành và luôn giữ vững thành tích khá, giỏi.   

Chủ tịch Hội CTĐ Phường 8 Quách Vĩnh Sanh (Ba Sanh) cho biết, trên địa bàn có 15 học sinh thuộc diện mồ côi, được Hội CTĐ phường đưa vào danh sách, hễ có nguồn là phối hợp với Hội Khuyến học phường xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em được học hành. Em Duyên cũng nằm trong danh sách giúp đỡ thường xuyên của hội. Vừa qua, em nhận được số tiền 1,8 triệu đồng do Hội CTĐ phường vận động tổ chức từ thiện Hope Today (Việt kiều Mỹ) hỗ trợ.

“Công tác CTĐ không từ nan việc gì, hễ có hoàn cảnh nào cần, trong điều kiện có thể là mình giúp đỡ, từ vận động cứu trợ đột xuất, thường xuyên, vận động áo quan cho người nghèo qua đời, vận động hiến máu, cất nhà, xây cầu, hỗ trợ học sinh nghèo… đến chăm sóc sức khoẻ y tế”, ông Ba Sanh chia sẻ.    

Năm trước, Hội CTĐ phường còn phối hợp với Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tâm Hoà (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh khám tầm soát cho bệnh nhân tim nghèo trong tỉnh. Trong đợt khám này, có 12 ca trẻ em và người lớn được Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tâm Hoà và Bệnh viện Đại học Y Dược phối hợp vận động tài trợ mổ tim miễn phí với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. Có gặp các bệnh nhân mổ tim diện này, mới thấy việc làm trên hết sức nhân văn.

“Tôi bị bệnh tim mấy chục năm rồi. Gần đây cứ hay mệt và xỉu. Nghe nói mổ tim bạc trăm triệu mình đâu có điều kiện. Cứ nghĩ rằng, phải mang theo bệnh đến hết đời, nhưng may mắn được Hội CTĐ Phường 8 làm cầu nối với bệnh viện và nhà hảo tâm mà tôi được mổ tim miễn phí. Giờ sức khoẻ tốt rồi. Nhiều lúc ngủ nửa đêm giật mình tỉnh giấc cũng không dám tin mình đã được mổ tim, được sống…”, bệnh nhân Ngô Thị Máy (43 tuổi, huyện Cái Nước) trần tình trong xúc động.

Tháng 5 năm nay, Hội CTĐ Phường 8 lại phối hợp lần 2 với các đơn vị trên khám tầm soát và đưa vào danh sách 31 trường hợp bệnh nhân nghèo bị bệnh tim cần phải mổ khẩn cấp (10 người lớn, 21 trẻ em). Mấy tháng qua, ông Ba Sanh lại tất bật liên hệ gia đình các bệnh nhân lo giấy tờ, thủ tục đáp ứng tốt nhất yêu cầu của bệnh viện, để đơn vị này vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp bệnh nhân sớm được mổ tim, phục hồi sức khoẻ. Ông Ba Sanh vui mừng thông tin, đến nay, đã có 16 ca được mổ, bệnh viện đang cố gắng vận động tài trợ để từ nay đến cuối năm hoàn thành hết số ca còn lại.  

Tấm lòng người làm công tác hội  

Ngoài vận động Nhân dân, các nhà hảo tâm trên địa bàn phường, trong tỉnh (Công ty TNHH Dược phẩm Mỹ Anh, Công ty TNHH MTV & DV Nam Bình, Ban Trị sự Phật giáo Hoà Hảo Phường 8, Hội Từ thiện người Hoa, Tổ chức Trái tim nhân ái TP. Cà Mau...) đến nay, Hội CTĐ Phường 8 còn kết nối được rất nhiều tổ chức ngoài tỉnh để giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn.

Điều đáng trân trọng là không chỉ giúp bà con trong phường, Hội Chữ CTĐ Phường 8 còn nối dài cánh tay giúp đỡ nhiều hoàn cảnh kém may mắn trên địa bàn toàn tỉnh, thậm chí cả tỉnh bạn. Trong số 12 ca được mổ tim năm trước thì trên địa bàn phường không có trường hợp nào (có 1 trường hợp của tỉnh Bạc Liêu). Năm nay, trong 31 ca được chỉ định mổ sau đợt tầm soát, Phường 8 cũng không có trường hợp nào (Sóc Trăng 1 trường hợp).

Ông Ba Sanh chia sẻ: “Mình quen biết các tổ chức từ thiện, họ có nhã ý giúp việc gì, lĩnh vực nào, mình nhận hết. Nếu trong phường không có đối tượng thì tìm ngoài phường, thậm chí ngoài tỉnh luôn. Làm từ thiện giúp người thì không nên phân biệt địa bàn, ranh giới, hễ ai cần tới mình, trong khả năng giúp được là mình làm...”. 

Cũng từ suy nghĩ trên mà thời gian qua, Hội CTĐ phường còn phối hợp với các bệnh viện tuyến trên đưa nhiều bệnh nhân đục thuỷ tinh thể trong tỉnh đi mổ mắt miễn phí. Con số được mổ mắt đến nay là 46 người. Hội cũng đã phối hợp các nhà tài trợ cấp phát 158 xe lăn cho người tàn tật trong toàn tỉnh. Dịp Tết Nguyên đán năm 2018, hội đã vận động tặng 40 suất quà cho bà con nghèo ở xã bạn (lân cận) là xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau)...

Thấy công việc nhiều, hằng ngày phải tới cơ quan như cán bộ, công chức thực thụ, không thì cũng đi thực tế địa bàn, đi vận động tài trợ và bao nhiêu việc không tên khác, cứ nghĩ những người làm công tác CTĐ có chế độ đãi ngộ thoả đáng. Tuy vậy, khi tìm hiểu mới biết, khoản thù lao cho Chủ tịch Hội CTĐ phường mỗi tháng chưa đến 2 triệu đồng. Ông Ba Sanh nói: “Vậy còn đỡ, Phó chủ tịch Hội chỉ được hỗ trợ 200 ngàn; chi hội trưởng khóm 150 ngàn”.

Còn nhớ, hôm đưa tôi đi thăm một số hộ được hội giúp đỡ, mặc dù trời mưa tầm tã, con đường Kênh Tỉnh Đội nước ngập nửa bánh xe, nhưng chị Cao Thị Mỹ Thuý vẫn hết sức sốt sắng. Tìm hiểu được biết, nhà chị Thuý trước đây ở địa bàn Phường 8, do bị giải toả chị đã chuyển về Phường 1 cất nhà ở. “Đi lại xa xôi chị định xin nghỉ làm, nhưng anh chị em cứ động viên, với lại địa bàn mình làm lâu, đã quen, hiểu tường tận từng hoàn cảnh, nếu nghỉ cũng tội cho bà con”, chị Thuý trần tình.

Thù lao ít, việc thì tất bật, có khi không kể giờ giấc (đối với những trường hợp cứu trợ đột xuất, tang chay...), thậm chí họ còn phải bỏ tiền túi ra để lo cơm nước, quà lưu niệm cho các đơn vị tài trợ từ những nơi xa xôi đến với Cà Mau (bởi nguồn kinh phí hội hạn hẹp), nhưng những người làm công tác CTĐ vẫn âm thầm, tâm huyết với công việc của mình. Và cũng đừng nghĩ rằng họ có thể “kiếm chác” từ những phần hỗ trợ, bởi hầu hết các nhà hảo tâm chỉ nhờ họ làm cầu nối, chỉ lối dẫn đường để đến hỗ trợ trực tiếp, không trao tiền, quà qua tay.

Nhiều người nói vui, làm công tác CTĐ, ngoài năng nổ, nhiệt tình, uy tín, có mối quen biết rộng thì cũng cần điều kiện kinh tế ổn định. Đúng vậy, ông Ba Sanh (hơn 30 năm tham gia công tác chữ thập đỏ) ngoài việc cơ quan, cũng phải sắp xếp công việc kinh doanh để ổn định kinh tế cho gia đình. Còn chị Thuý cũng được sự hỗ trợ tích cực từ phía chồng về tinh thần lẫn vật chất. 

Hiểu được công sức những người làm công tác CTĐ bỏ ra, càng thấy quý trọng họ ở tấm lòng. Họ hy sinh hoàn cảnh riêng làm việc bằng cái tâm chỉ vì muốn giúp đỡ cộng đồng, muốn góp sức mình vào công việc chung của xã hội. 

Hết việc này đến việc khác, việc trong kế hoạch, việc đột xuất, việc phát sinh..., đó là “nhiệm vụ” của những người làm công tác CTĐ. Nói như ông Ba Sanh, “dính vào rồi là không rứt ra được”./.

Huyền Anh

9 tháng qua, Hội CTĐ Phường 8 đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ công tác an sinh xã hội với tổng số tiền, quà trị giá trên 750 triệu đồng; Trong đó, vận động hỗ trợ gạo cho người nghèo 3.755 kg, vận động hiến 40 đơn vị máu, 9 áo quan cho người nghèo qua đời, xây dựng 1 căn nhà tình thương, hỗ trợ 15 suất học bổng cho học sinh nghèo mồ côi và rất nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực khác. 

Nhiều năm qua, Hội CTĐ Phường 8 luôn được công nhận là đơn vị xuất sắc của TP. Cà Mau.


 

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.