(CMO) Việc chuẩn bị các bước cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại huyện Cái Nước đảm bảo chặt chẽ, chu đáo, đúng luật. Theo đó, cử tri mong muốn những người ứng cử khi được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội và HÐND các cấp sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc chăm lo đời sống Nhân dân.
Huyện Cái Nước hiện có 19 hợp tác xã (HTX) và 126 tổ hợp tác (THT) sản xuất, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp - thuỷ sản. Thời gian qua, mặc dù có nhiều cố gắng trong xây dựng tổ chức và kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhưng hoạt động của các HTX và THT vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc. Bà con mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, những người ứng cử khi được bầu vào Quốc hội khoá XV và đại biểu HÐND các cấp sẽ góp thêm tiếng nói, quan tâm nhiều hơn trong việc tháo gỡ khó khăn, giúp loại hình kinh tế hợp tác hoạt động ngày càng hiệu quả.
HTX sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản Quyết Tiến, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú thành lập cách nay hơn 5 năm, có gần 20 thành viên tham gia. Cùng với nuôi tôm, các thành viên trong HTX còn duy trì sản xuất thành công một vụ lúa trên đất nuôi tôm, năng suất đạt trung bình 3,5 tấn/ha; góp phần cải thiện môi trường, tạo nguồn thức ăn tự nhiên, giúp tôm nuôi đạt hiệu quả cao. Lợi ích của mô hình sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm là thế, nhưng chậm được nhân rộng, bởi thực trạng sản xuất ở địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo được mối liên kết trong sản xuất.
Thực hiện mô hình liên kết sản xuất là điều cử tri ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú luôn mong chờ. |
Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tai nạn điện trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tuy có giảm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, huyện Cái Nước và các cộng sự của mình đã nghiên cứu, cải tiến thành công thiết bị chuyển đổi dòng điện từ AC sang DC để chạy quạt tạo ô-xy cho tôm nuôi. Cách làm này không chỉ đảm bảo an toàn cho người nuôi tôm, mà còn hạn chế chi phí đầu tư bình hạ thế; mỗi tháng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí tiền điện cho người nuôi tôm. Thế nhưng, thiết bị này chưa được ứng dụng rộng rãi, bởi hầu hết bà con nuôi tôm đã đầu tư hàng trăm triệu đồng trang bị hệ thống mô-tưa và các thiết bị sử dụng điện theo dòng điện xoay chiều AC, nay chuyển sang sử dụng dòng điện DC phải thay thế mới, người nuôi tôm không có vốn đầu tư ứng dụng thiết bị để cải tiến. Mong muốn những vị đại biểu HÐND các cấp lần này quan tâm nhiều hơn vấn đề chuyển đổi dòng điện từ AC sang DC phục vụ nuôi tôm, giúp bà con nuôi tôm sử dụng an toàn, tiết kiệm và không xảy ra tai nạn điện.
Cùng với những khó khăn của HTX, THT sản xuất nuôi cua thương phẩm 2/9, ấp Kinh Lớn, xã Ðông Thới cũng nằm trong tình trạng tương tự. Kể từ khi chuyển sang nuôi sò huyết xen canh trong vuông nuôi tôm, do quy định luật giao thông đường thuỷ nội địa, không được sử dụng lòng sông để khai thác, đồng nghĩa với việc không được phép dèo sò huyết giống dưới các tuyến sông. Trong khi đó, đây được xem là mô hình sản xuất hiệu quả đang được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn khuyến cáo nhân rộng. Thế nhưng, nguồn sò huyết giống chưa được sản xuất nhân tạo, chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên và không thể thả nuôi trực tiếp vào vuông tôm, mà phải qua quá trình thuần dưỡng để sò huyết giống thích nghi với điều kiện tự nhiên. Chính bất cập này, mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm ở huyện Cái Nước khó được nhân rộng. Bà con cử tri xã Ðông Thới cũng như các địa phương trên địa bàn huyện mong muốn trong nhiệm kỳ mới, đại biểu HÐND các cấp sẽ làm cầu nối, đề xuất cấp thẩm quyền và ngành chức năng có cơ chế đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có điều kiện sản xuất tốt hơn, để nhân rộng mô hình sản xuất.
Tổ trưởng THT sản xuất nuôi cua thương phẩm 2/9 Nguyễn Minh Phồi cho rằng, việc dèo sò huyết giống dưới sông của bà con nông dân không làm ảnh hưởng lớn đến các phương tiện lưu thông đường thuỷ, chủ yếu sử dụng phần đất bãi bờ sông từ bờ ra khoảng 3-5 m, trong khi đó hầu hết các tuyến sông trên địa bàn huyện Cái Nước có chiều rộng từ 20 m trở lên, không có xuồng ghe lưu thông cặp bờ sông, mà phải lưu thông ở giữa dòng sông để không bị mắc cạn. Ðồng thời, việc dèo sò huyết giống trên sông chỉ diễn ra trong thời gian khoảng 2 tháng, sau đó chuyển sò huyết vào vuông tôm thả nuôi và trả lại hiện trạng ban đầu.
Hy vọng những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất của bà con cử tri sẽ được đại biểu HÐND các cấp ở tỉnh Cà Mau trong nhiệm kỳ tới quan tâm nhiều hơn; phát huy tối đa vai trò cầu nối đề xuất, bàn bạc, có giải pháp khả thi, giúp Nhân dân sản xuất hiệu quả hơn, để loại hình kinh tế hợp tác ngày càng phát triển./.
Việt Tiến