(CMO) Sau khi có các buổi khảo sát thực tế các điểm trường và làm việc trực tiếp với Phòng GD&ĐT một số địa phương, sáng ngày 4/11, Đoàn khảo sát do ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở GD&ĐT. Đây là cuộc làm việc kết thúc chương trình khảo sát của đoàn, tập trung vào 3 nội dung chính là kết quả thực hiện Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh về thực hiện bán trú; chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và các khoản thu đầu năm học.
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội, Trưởng Đoàn khảo sát, phát biểu tại buổi làm việc. |
Kiến nghị điều chỉnh Nghị quyết 09
Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh Cà Mau sau khi triển khai đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của các đơn vị trường học, phụ huynh, học sinh trong việc tổ chức, nâng cao chất lượng bán trú. Theo đó, ở địa bàn phường, thị trấn, các trường mầm non, mẫu giáo có mức thu là 37.000 đồng/trẻ/ngày; các trường tiểu học thu 44.000 đồng/trẻ/ngày. Ở địa bàn xã, các trường mầm non, mẫu giáo thu 34.000 đồng/trẻ/ngày; các trường tiểu học thu 38.000 đồng/trẻ/ngày.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh đã có được nhiều thuận lợi khi triển khai. Tuy nhiên, sau thời gian áp dụng nảy sinh một số khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thực hiện.
Theo quy định tại Điều 3, mục 2 của Nghị quyết, các trường thuộc xã thu dịch vụ ăn của trẻ 27.000 đồng/trẻ/ngày, nhưng theo thời giá hiện nay sẽ không đảm bảo chi 3 bữa ăn (1 bữa chính và 2 bữa phụ).
Tiền công hợp đồng cấp dưỡng còn thấp và chỉ chi trả trong năm học; chưa có mức chi trả cụ thể cho giáo viên hỗ trợ. Nhiều phụ huynh không đồng tình phối hợp với nhà trường trong việc nộp tiền ăn theo tháng và nộp theo hình thức không dùng tiền mặt; một số ít phụ huynh đóng tiền ăn bán trú rất chậm so với quy định, gây khó khăn cho việc thu, chi. Phụ huynh học sinh chỉ đăng ký suất ăn hàng ngày (có nhu cầu ăn thì đóng tiền) nên số lượng học sinh tham gia bán trú thường xuyên không ổn định.
Trang thiết bị phục vụ bán trú thiếu về số lượng, không đồng bộ về chủng loại, đã sử dụng nhiều năm nên xuống cấp, mà các đơn vị thiếu nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa nên rất khó khăn trong việc vận hành bán trú của nhà trường và sinh hoạt, nghỉ ngơi của học sinh.
Một số trường tại các xã còn khó khăn trong việc tìm kiếm các đầu mối cung cấp thực phẩm; một số đơn vị cung cấp thực phẩm không có hóa đơn tài chính gây khó khăn trong việc thanh quyết toán chi phí. Việc cố định mức thu theo Nghị quyết còn gặp khó khăn khi giá thị trường thay đổi liên tục.
Các đơn vị thực hiện cùng lúc Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh Cà Mau nên gặp khó khăn trong việc quản lý thu, chi trong quá trình tổ chức bán trú. Khó khăn trong thực hiện hồ sơ quản lý bán trú. Cách tính khẩu phần ăn cho trẻ chỉ tính theo cách tính đơn giản, thực tế, chưa ứng dụng được cách tính khẩu phần ăn hàng ngày theo Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Giá cả nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn bán trú. Ảnh: Giờ ăn của trẻ tại Trường Mẫu giáo Sen Hồng, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi. |
Theo đó, Sở GD-ĐT kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh mức thu, chi tiền hoạt động bán trú của trẻ kịp thời theo thời gian và hướng dẫn cụ thể hơn về mức thu, chi trên cơ sở Nghị định 60/2021/NĐ-CP; điều chỉnh tiền ăn cho trẻ ăn ở cấp xã ít nhất phải bằng mức thu ở TP Cà Mau và thị trấn thuộc huyện để nhà trường cân đối thực đơn cho trẻ đa dạng, phong phú hơn; tổ chức tập huấn cụ thể và hướng dẫn thực hiện công tác bán trú. Bổ sung mức thu dịch vụ định mức đóng góp của phụ huynh học sinh mua sắm trang thiết bị đối với các trường tiểu học có phục vụ bán trú. Có chế độ đãi ngộ cho nhân viên cấp dưỡng. Quy định mức chi trả cho giáo viên hỗ trợ giữ học sinh bán trú.
Nhiều nỗi lo khi thực hiện chương trình GDPT 2018
Việc thực hiện chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục trung học còn thiếu so với yêu cầu triển khai chương trình GDPT hiện hành và chương trình GDPT 2018.
Việc lựa chọn sách giáo khoa, định mức kinh phí chi trả cho Hội đồng lựa chọn SGK chưa được hướng dẫn thống nhất gây khó khăn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện. Sách giáo khoa môn Tiếng Anh quá nhiều (9 bộ/lớp), gây quá tải cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục trong việc đọc, nghiên cứu để lựa chọn.
Đối với biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, đội ngũ biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương chưa được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn. Mặt khác, các thành viên trong ban biên soạn và thẩm định là cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm nên hạn chế về thời gian. Việc thẩm định tài liệu còn nhiều khó khăn, bất cập; đặc biệt là nguồn tư liệu chưa có sự đồng thuận cao. Hơn nữa, khâu in ấn, phát hành còn vướng thủ tục.
Các đơn vị trường học còn nhiều lúng túng với việc triển khai chương trình GDPT 2018. Ảnh: Trường THCS Nguyễn Du, xã Tắc Vân, TP Cà Mau vẫn đang thiếu trang thiết bị dạy học, thực hiện chương trình giáo dục địa phương theo chương trình GDPT 2018. |
Ngành giáo dục tỉnh Cà Mau đề xuất Bộ GD&ĐT quan tâm, kiến nghị các cấp để có các chương trình, dự án hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường phổ thông, nhất là phòng chức năng. Đặc biệt, cần có quy định chi tiết về nội dung chi, mức chi cho đội ngũ giáo viên cốt cán và các hội đồng chọn sách giáo khoa. Tăng cường tổ chức tập huấn một số chuyên đề quan trọng về việc thực hiện chương trình GDPT 2018. Cần có giải pháp hỗ trợ để cho giáo viên các môn tích hợp (Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên) thực hiện giảng dạy đảm bảo theo yêu cầu và thuận lợi trong việc phân công chuyên môn ở các nhà trường.
Về các khoản thu đầu năm học 2022-2023, qua các cuộc kiểm tra cho thấy, các cơ sở giáo dục thực hiện tương đối nghiêm túc các chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, và thực hiện các khoản thu đúng quy định, góp phần phục vụ cho quyền lợi của học sinh. Thực hiện vận động các nguồn từ hỗ trợ của Ban đại diện cha mẹ học sinh để khen thưởng, khích lệ các phong trào của học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở cơ sở giáo dục. Công tác xã hội hoá thực hiện đúng theo quy định thì hỗ trợ cơ sở vật chất rất lớn cho các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, còn trường hợp đơn vị trường học tổ chức thu mà chưa bám sát các quy định, dư luận không đồng thuận và ngành giáo dục đã chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, kiểm điểm trách nhiệm và kiên quyết không để tình trạng này tái diễn.
Sau đợt khảo sát, đoàn công tác sẽ có báo cáo trình cấp thẩm quyền, đặc biệt là các kiến nghị, đề xuất về giải pháp để cùng với ngành giáo dục kịp thời tháo gỡ các khó khăn hiện nay./.
Hải Nguyên