Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 7/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân ở địa phương về công tác bồi thường, GPMB.
Dự án xây dựng cầu qua sông Ông Ðốc sắp hoàn thành, sẽ tạo động lực rất lớn cho phát triển kinh tế biển.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB của các công trình, dự án.
“Thực hiện GPMB chưa có kế hoạch cụ thể; một số chủ đầu tư cam kết tự nguyện ứng trước vốn bồi thường, GPMB nhưng thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu; việc thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường, GPMB cấp huyện chưa đồng bộ; quỹ đất tái định cư chưa đảm bảo, phương án bố trí tái định cư chưa chặt chẽ; công tác phối hợp giữa các đơn vị và việc cung cấp hồ sơ từng lúc, từng nơi chưa kịp thời; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số công chức, viên chức, người lao động còn hạn chế; việc đề xuất, giải quyết khó khăn, vướng mắc còn chậm...”, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ rõ.
Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên xuất phát từ nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức chưa đầy đủ; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện công tác bồi thường, GPMB chưa chặt chẽ, còn trông chờ vào chỉ đạo của cơ quan cấp trên; chưa mạnh dạn đề xuất những giải pháp thực hiện hiệu quả trong công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh...
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi tiến độ, đôn đốc, báo cáo định kỳ, chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc thực hiện các dự án bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm các dự án trọng điểm: Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ða khoa quy mô 1.200 giường bệnh; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng chung các công trình lĩnh vực y tế TP Cà Mau; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước - Vàm Ðình - Cái Ðôi Vàm; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội; Dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường về trung tâm xã Hàng Vịnh; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau - Ðầm Dơi (đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Xóm Ruộng)...
Do chậm về thủ tục mà đến giờ Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa quy mô 1.200 giường bệnh chưa được khởi công, phải xin chuyển nguồn 260 tỷ đồng năm 2023 sang dự án khác.
“Thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định; thực hiện đo đạc, kiểm đếm tài sản gắn liền với đất của người bị ảnh hưởng phải chính xác, công khai, minh bạch, tránh phát sinh yêu cầu, khiếu nại. Tuyệt đối không được cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đúng về phương án bồi thường, tái định cư”, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo các ngành, địa phương, các chủ đầu tư trong thực hiện các dự án đầu tư công.
Tổng nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư công năm 2023 (bao gồm năm 2022 chuyển sang năm 2023) trên địa bàn là trên 4.800 tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo mới nhất, đến cuối tháng 9 vừa qua, đã giải ngân đạt trên 2.700 tỷ đồng, bằng 56,8% kế hoạch vốn, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (đạt 51,3% kế hoạch vốn) và cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2022, thế nhưng không đạt kế hoạch đề ra./.
Trần Nguyên