ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 21:51:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Góp hiện vật cho Di tích Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

Báo Cà Mau (CMO) Sau thời gian kêu gọi, một số tổ chức, cá nhân đã hiến tặng hình ảnh, tài liệu, hiện vật, kỷ vật hoặc viết hồi ký có liên quan đến Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là.

Chi khu Cái Nước - Cà Mau chìm trong biển lửa đêm 9/9/1963 và chi khu được hoàn toàn giải phóng. Ảnh tư liệu

Vào ngày 18/8/2016, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Ðịa điểm chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ðây là chiến công đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong đấu tranh cách mạng của Ðảng bộ, quân và dân Cà Mau sau Ðồng khởi. Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang hoàn thiện các thủ tục xây dựng công trình ý nghĩa lịch sử này tại huyện Ðầm Dơi. Ðặc biệt, năm 2023, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Nổi bật trong đó là hoạt động trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với sự kiện lịch sử nhằm tôn vinh truyền thống cách mạng kiên cường của Ðảng bộ, quân và dân Cà Mau trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thiếu nhi ấp Nhà Máy, xã Khánh Hưng - Cà Mau rèn luyện chống Mỹ (tháng 5/1961). Ảnh tư liệu

Bắt đầu từ ngày 13/3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có Thư ngỏ kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng toàn thể người dân trong và ngoài tỉnh hiến tặng hình ảnh, tài liệu, hiện vật, kỷ vật hoặc viết hồi ký có liên quan đến Chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Ngay sau đó, Bảo tàng tỉnh Cà Mau đã bắt tay cùng với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan thu thập những hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử.

Từ sau Thư ngỏ và những nỗ lực của đội ngũ cán bộ Bảo tàng Cà Mau, hiện đã liên hệ được 3 cá nhân: 1 cá nhân ở TP Hồ Chí Minh và 2 cá nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhã ý tặng - chủ yếu về tư liệu liên quan đến Di tích lịch sử Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Ðáng mừng là trong số các hiện vật, tư liệu, hình ảnh… được hiến tặng, có 2 số báo Nhân dân năm 1963 với rất nhiều bài viết về sự kiện Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là ở thời điểm máu lửa nhất. Ðồng thời, các thông tin trong những bài báo đều rất hữu ích cho công tác nghiên cứu và trưng bày khi công trình di tích lịch sử này được xây dựng.

Bên cạnh đó, bức tranh vẽ từ hồi ký của những chiến sĩ từng tham gia trận Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là cũng được người dân gửi tặng với tất cả tấm lòng trân quý và mong góp phần lan toả, giữ gìn những giá trị lịch sử hào hùng. Nội dung bức tranh diễn tả khí thế “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của trận đánh vang danh lịch sử, mà khi nhắc lại ai cũng phải thán phục vì sự dũng cảm của quân, dân Cà Mau. Thêm vào đó, một cá nhân cũng hiến tặng 9 bức ảnh do các phóng viên chiến trường lưu giữ liên quan đến trận Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là.

Ông Võ Thanh Sinh, Phường 6, TP Cà Mau, tặng hiện vật là ba lô và đèn pin. Ông là người trực tiếp tham gia trận Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là.

Song song với nỗ lực thu thập và kêu gọi các tổ chức, cá nhân trao tặng những hiện vật tư liệu quý giá, Bảo tàng Cà Mau đang ráo riết liên hệ với Bảo tàng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Hội Cựu chiến binh... các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tiếp tục xác nhận những thông tin lan toả trong khu vực này, tạo điều kiện tiếp nhận thông tin và tư liệu về hiện vật có liên quan đang lưu lạc và được người dân nơi này cất giữ.

Công tác bảo quản các hình ảnh, hiện vật của Di tích Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là được đặt lên hàng đầu. Tất cả đều được sắp xếp cẩn thận và phân theo từng chất liệu như: kim loại, vải, giấy… với vật dụng và môi trường bảo quản riêng. Các phòng bảo quản đều có hệ thống hút ẩm và máy điều hoà, cũng như điều kiện cần thiết để bảo quản cả những hiện vật, tư liệu đặc biệt nhất.

Thuận lợi có nhiều nhưng khó khăn cũng không ít trong công tác thu thập hiện vật, hình ảnh cho Di tích Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, cho biết: “Khó khăn ở đây là sự kiện đã diễn ra khá lâu, những nhân chứng trực tiếp chứng kiến trận đánh còn rất ít, nên việc tiếp cận thông tin có khó khăn trong chuyên môn. Chúng tôi chủ yếu tiếp cận tư liệu đã nghiên cứu trước, xác định những nhân vật đã từng tham gia chiến đấu. Bên cạnh đó, anh em chúng tôi đi tìm những người thân của chiến sĩ để hy vọng có được các hiện vật, hình ảnh tư liệu lịch sử”.

Tính đến nay, Bảo tàng Cà Mau đang lưu giữ 7 hiện vật và 19 hình ảnh về Di tích Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Công tác vận động và tìm kiếm vẫn đang được cố gắng từng ngày. Tất cả hướng đến ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử này. Thông qua việc trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh, sách báo… góp phần giáo dục và vun đắp tinh thần yêu nước, ý thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và sự tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, thúc đẩy sự say mê, tìm tòi và tăng thêm hiểu biết về kiến thức lịch sử địa phương cho các bạn trẻ.

Ngày 13/3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có Thư ngỏ kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tặng hình ảnh, tài liệu, hiện vật, kỷ vật hoặc viết hồi ký có liên quan đến sự kiện lịch sử Chiến thắng Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Ðợt vận động chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: từ ngày 15/3-30/10/2023; giai đoạn 2: thời gian tiếp theo - trong quá trình xây dựng và chuẩn bị khánh thành công trình, dự kiến tháng 10/2025). Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau. Số điện thoại: 0916.456.667.

 

Lam Khánh

 

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.