Xác định việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức (CCVC) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để phòng, chống tham nhũng, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện để CCVC được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc từ kinh nghiệm thực tế ở những môi trường làm việc khác nhau.
Ðảm bảo đúng quy định, hiệu quả
Trên cơ sở danh mục vị trí công tác định kỳ phải chuyển đổi theo Nghị định số 59/2019/NÐ-CP, ngày 1/7/2019 của Chính phủ và các quy định có liên quan đến việc chuyển đổi vị trí công tác của công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương lập kế hoạch sát với tình hình thực tế, đảm bảo đúng quy định, hiệu quả.
Nghị định số 59/2019/NÐ-CP và các quy định có liên quan quy định danh mục vị trí công tác định kỳ phải chuyển đổi ở các lĩnh vực: tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, công thương, thanh tra, giáo dục và đào tạo, tổ chức cán bộ, tài chính - kế toán, quản lý tài sản công. Thời gian thực hiện chuyển đổi công tác theo quy định từ đủ 2-5 năm theo đặc thù của từng ngành.
Từ năm 2021-2023, tỉnh có 770 CCVC đến hạn phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; đã thực hiện chuyển đổi đối với 450 CCVC, đạt 58,44%.
Ông Lý Thành Ðông, Trưởng phòng Nội vụ huyện Ðầm Dơi, cho biết, từ năm 2021-2023, huyện đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 104 CCVC. Trước khi ban hành quyết định điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ để thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương đều làm việc với CCVC về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc chuyển đổi vị trí công tác, từ đó tạo sự đồng thuận. Ða số CCVC được chuyển đổi nhanh chóng ổn định, thích nghi, nắm bắt nhiệm vụ, tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Giám sát tại huyện Ðầm Dơi, ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế HÐND tỉnh cho rằng, đây là lĩnh vực có nhiều văn bản chi phối, liên quan đến con người, nên rất nhạy cảm, cần thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận cao.
Xác định việc chuyển đổi vị trí công tác là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ, Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phân công Phòng Tổ chức - Hành chính làm đầu mối tham mưu, theo dõi, giám sát. Ðến ngày 31/12/2023, toàn ngành có 1.163 CCVC và người lao động, trong đó có 213 CCVC thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực phải chuyển đổi. Từ năm 2021-2023, toàn ngành có 50 vị trí phải thực hiện chuyển đổi, đã chuyển đổi 34 vị trí, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định và đúng đối tượng.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện đối với CCVC, cùng chuyên môn nghiệp vụ, từ bộ phận này sang bộ phận khác cùng cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý của đơn vị nên việc tập huấn, hướng dẫn chuyên môn được thuận lợi. Việc chuyển đổi vị trí công tác góp phần thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một số lĩnh vực giải quyết trực tiếp đến người dân, tạo điều kiện cho CCVC phát huy được tính năng động, sáng tạo, nghiên cứu chuyên môn, nắm bắt địa bàn.
Còn nhiều khó khăn, hạn chế
Nhìn chung, CCVC được sắp xếp, bố trí cơ bản phù hợp với vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm trong sạch đội ngũ CCVC. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn khó khăn, hạn chế. Cụ thể, kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí ở một số lĩnh vực đạt tỷ lệ chưa cao, như lĩnh vực công thương đạt 22,73%, lĩnh vực tổ chức cán bộ 35,29%, quản lý tài sản công 50%.
Trong giai đoạn 2021-2023, có 320 CCVC đến hạn nhưng chưa thực hiện chuyển đổi. Ðến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt đề án vị trí việc làm mới cho một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ đó, có 250 trường hợp được sắp xếp không thuộc đối tượng chuyển đổi vị trí công tác, còn lại 70 trường hợp CCVC đến hạn phải thực hiện chuyển đổi mà chưa thực hiện việc chuyển đổi.
Việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CCVC là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để phòng, chống tham nhũng, tạo điều kiện để CCVC được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc. (Ảnh chụp tại Bộ phận Một cửa huyện Thới Bình).
Theo bà Dương Chúc Linh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thới Bình, một số cơ quan, đơn vị khó bố trí CCVC thay thế cho CCVC đến thời hạn chuyển đổi vị trí công tác, vì mỗi vị trí công tác có yêu cầu ngành đào tạo khác nhau, việc bố trí CCVC phải đảm bảo đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với khung năng lực của đề án vị trí việc làm. Ðối với vị trí kế toán, mỗi cơ quan, đơn vị chỉ có 1 người/1 vị trí nên việc chuyển đổi khó thực hiện. Ðối với công chức cấp xã, khi chuyển đổi vị trí công tác làm ảnh hưởng đến quyền lợi, như không còn trong quy hoạch sau khi chuyển đổi vị trí công tác đến cơ quan mới.
“Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác đối với tất cả các trường hợp, ở tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực là từ 2-5 năm. Qua thực tế cho thấy, thời hạn 2 năm cho mọi vị trí, ngành, nghề, lĩnh vực là không phù hợp. Có những vị trí, thời hạn 2 năm chỉ vừa đủ để cán bộ, CCVC làm quen, bước đầu thực hiện tốt công việc, sau 2 năm mới phát huy tác dụng, nếu chuyển đi nơi khác thì họ lại phải nghiên cứu, làm quen với công việc mới nhận, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị”, ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, chia sẻ.
Vừa qua, Ban Pháp chế HÐND tỉnh đã thành lập đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác đối với CCVC trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương, đơn vị nêu khó khăn chung là, đa số CCVC khi tham gia công tác dự tuyển tại địa phương thường trú lâu năm nên khi chuyển công tác qua đơn vị khác ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân, gia đình của CCVC như điều kiện đi lại, ăn ở...
Theo đó, UBND tỉnh đề xuất cần quy định chế độ chính sách hỗ trợ đối với những trường hợp CCVC phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác ngoài phạm vi nội bộ cơ quan, tổ chức, địa phương. Ðồng thời, sớm ban hành đầy đủ danh mục và thời gian định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo phạm vi quản lý đối với từng ngành, lĩnh vực, tại chính quyền địa phương, để địa phương có đủ cơ sở pháp lý thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác./.
Mộng Thường