Trên đường đi khảo sát tuyến đường đất đen chuẩn bị làm lộ bê-tông, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Miên ghé thăm nhà anh Lê Trường Nam, ấp Gành Hào, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, hỏi thăm tình hình tôm nuôi vụ mới. Anh Nam vừa thả giống hôm trước. Quan sát ao nuôi, Kỹ sư Miên lo lắng: “Nước trong quá rồi Nam ơi, mé ao có rong, phải xử lý ngay, kẻo ảnh hưởng đến tôm”. Rồi anh hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng DAP để gây màu nước như thế nào, liều lượng sử dụng ra sao.
Trên đường đi khảo sát tuyến đường đất đen chuẩn bị làm lộ bê-tông, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Miên ghé thăm nhà anh Lê Trường Nam, ấp Gành Hào, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, hỏi thăm tình hình tôm nuôi vụ mới. Anh Nam vừa thả giống hôm trước. Quan sát ao nuôi, Kỹ sư Miên lo lắng: “Nước trong quá rồi Nam ơi, mé ao có rong, phải xử lý ngay, kẻo ảnh hưởng đến tôm”. Rồi anh hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng DAP để gây màu nước như thế nào, liều lượng sử dụng ra sao.
Miên tốt nghiệp đại học ngành Nuôi trồng thuỷ sản và đã nhiều năm kinh nghiệm với những đầm tôm của gia đình nên khi bà con nuôi tôm trong xã gặp khó khăn gì anh đều tận tình hướng dẫn.
Nguyễn Văn Miên là 1 trong 3 trí thức trẻ tình nguyện tại xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi và là 1 trong 97 trí thức trẻ tình nguyện theo đề án của tỉnh.
Dấu ấn trên những vùng quê
Kỹ sư Nguyễn Văn Miên |
Nguyễn Văn Miên sinh ra và lớn lên ở xã Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi, nhiều năm là học sinh giỏi của Trường THPT Đầm Dơi. Tốt nghiệp cùng lúc 2 ngành đại học: Nuôi trồng thuỷ sản và Bệnh học thuỷ sản tại Trường Đại học Cần Thơ, Miên đăng ký tham gia đề án trí thức trẻ tình nguyện của tỉnh với mong ước được trở về phục vụ quê hương. Miên được phân công về xã Tạ An Khương Đông nhưng không phải phụ trách lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản mà với vai trò cán bộ địa chính - xây dựng theo nhu cầu nhân sự của địa phương.
Vượt quãng đường dài gần 30 cây số, mỗi ngày, trước 7 giờ, Miên đều có mặt tại cơ quan để bắt tay vào công việc. Do công việc được giao không đúng với chuyên môn đã học nên Miên phải cố gắng học hỏi. Qua hơn 1 năm công tác, Miên không chỉ làm tốt công việc mới mà còn cùng với cán bộ thuỷ sản của địa phương hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, hướng dẫn cách ủ vi sinh tăng sức đề kháng cho tôm.
Anh Lê Trường Nam phấn khởi cho hay: “2 vụ tôm công nghiệp vừa rồi, nhờ được Kỹ sư Miên tận tình giúp về kỹ thuật nên rất thành công”.
Bí thư Đảng uỷ xã Tạ An Khương Đông Nguyễn Phương Bình cho biết: “Tạ An Khương Đông là xã có đông trí thức trẻ tình nguyện nhất trong tỉnh. Sau hơn 1 năm công tác, các em đều thể hiện được năng lực và sức cống hiến của mình. Với tinh thần cầu thị cùng với những kiến thức được đào tạo bài bản, phong cách làm việc gương mẫu, các trí thức trẻ tiếp cận nhanh, giải quyết công việc tốt, với tinh thần trách nhiệm cao. Các em về đây đã tạo làn gió mới, làm cho sinh khí làm việc trở nên sôi động, hiệu quả hơn”.
Trong số 97 trí thức trẻ về xã, thị trấn công tác có 55 trí thức trẻ phát huy được khả năng của mình trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều mô hình, sáng kiến được các trí thức trẻ mạnh dạn tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện và được đánh giá cao.
***
Dương Thu Tư |
Đâu cũng là quê mình
Mặc dù thời gian công tác chưa lâu nhưng Dương Thu Tư, quê xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, đã quen với công việc, gắn bó và tạo được niềm tin, mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Ngoài công việc chính là phụ trách công tác văn hoá - xã hội tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh, hằng ngày Thu Tư còn phụ giúp công tác văn phòng. Hiện Thu Tư đã xây dựng xong đề án thành lập trung tâm văn hoá xã, đang chờ quyết định của huyện, tham mưu các thủ tục và cấp 888 giấy chứng nhận gia đình văn hoá 3 năm liền. Thu Tư tâm sự, ngoài nỗ lực của bản thân, chị còn được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các anh chị, cô chú cán bộ xã nên công việc thuận lợi. Thời gian cam kết của trí thức trẻ là 5 năm, nhưng chị sẽ phấn đấu hơn nữa để tiếp tục được cống hiến lâu dài vì đây là cơ hội để phục vụ quê nhà.
***
Cầm tấm bằng cử nhân Công nghệ thông tin, Nguyễn Chánh Em, ấp Tân Thời, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, đăng ký tham gia đề án trí thức trẻ tình nguyện đợt 2. Tháng 6/2014, Chánh Em được phân công về công tác tại UBND xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn. Sự sáng tạo trong công việc của Chánh Em được lãnh đạo đánh giá cao và bạn được bầu làm Phó Bí thư Xã đoàn. Trong gần 1 năm, Chánh Em tham gia nhiều phong trào, mang về cho đơn vị những thành tích cao.
***
Bạch Ngọc Tiên |
Bạch Ngọc Tiên, quê xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, hiện làm công tác kế toán tại UBND xã Tạ An Khương Đông, là trưởng nhóm trí thức trẻ tình nguyện của huyện Đầm Dơi. May mắn được phân công về công tác tại nơi mình sinh ra, Ngọc Tiên cho biết: “Nhiều bạn ở huyện này nhưng được phân công về tận Ngọc Hiển, U Minh công tác do nhu cầu nhân sự của các địa phương. Dù gặp khó khăn về đi lại, ăn ở nhưng chúng em động viên nhau cố gắng, vì dù ở đâu thì cũng là quê mình, cũng phải hết lòng phục vụ. Vả lại, hầu hết trí thức trẻ đều được địa phương tạo mọi điều kiện công tác và được sự chỉ bảo tận tình từ những cán bộ đi trước”.
Với vai trò trưởng nhóm, Ngọc Tiên thường xuyên tổ chức gặp gỡ các bạn trong nhóm. Trong những buổi gặp gỡ đó, các bạn cùng chia sẻ với nhau những thuận lợi, khó khăn trong công việc, động viên nhau cùng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Những thành tích mà trí thức trẻ tình nguyện đạt được đã tạo dấu ấn quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự khởi sắc của các xã vùng sâu. Đây là thành quả bước đầu của đề án đưa trí thức trẻ về cơ sở./.
Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đưa trí thức trẻ về cơ sở khởi động từ năm 2012. Đợt 1 đã tuyển chọn 73 trí thức trẻ, đợt 2 chọn 40 trí thức trẻ, nhưng thực tế chỉ có 97 trí thức trẻ đến ký hợp đồng và cam kết về xã, phường, thị trấn công tác trong thời gian 5 năm. Hiện Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã phỏng vấn đợt 3 tổng số 443 trí thức trẻ, dự kiến sẽ chọn ra 104 cán bộ, đáp ứng nhu cầu nhân sự cho các xã vùng sâu. |
Bài và ảnh: Lê Nguyễn