(CMO) Sau hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới, TP Cà Mau đã có 5/7 xã về đích gồm: Lý Văn Lâm, Tắc Vân, Tân Thành, An Xuyên và Định Bình. Qua đó, bài học kinh nghiệm rút ra là “khi người dân đồng thuận thì dù việc khó mấy cũng thành công”.
Chưa đầy 5 năm trước, Định Bình còn là một xã vùng ven thuần nông. Điện, đường, trường, trạm xuống cấp, giao thương cách trở. Lộ làng còn thiếu, đừng nói đến chuyện đường ô-tô về trung tâm xã. Chủ trương xây dựng nông thôn mới như một làn gió mang đến cho Định Bình những đổi thay kỳ diệu.
Đồng lòng cùng chủ trương xây dựng tuyến dân cư kiểu mẫu, gia đình ông Trần Chí Dũng, xã Định Bình, TP. Cà Mau thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa hàng rào cây xanh. |
Khi Nhà nước - Nhân dân đồng thuận
Phó chủ tịch UBND xã Định Bình Lâm Hữu Hiệp nhớ lại: “Trước đây, xã có chưa đến 40% trục lộ liên ấp; trục xóm, nhánh càng hiếm. Bà con ai cũng mong chờ có đường ô-tô về, vì chỉ có thông thương thì xã mới phát triển. Rồi đường nhựa được đầu tư, kết nối trung tâm thành phố với 3 xã: Hoà Thành, Hoà Tân và Định Bình. Đây cũng là con đường tháo “điểm nghẽn” để Định Bình vươn lên”.
Ước mơ “có con lộ xe 4 bánh về đến xã” đã thành sự thật, diện mạo của một xã nông thôn mới dần thành hình. Từ khi triển khai chương trình, đến nay tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới của xã huy động được gần 240 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp hơn 100 tỷ đồng.
Ấp Ba Dinh có khoảng 15 km lộ thì đã có 11 km được bê-tông hoá. Hầu hết là do người dân hiến đất và góp vốn đối ứng. Năm 2017, ấp được đầu tư 2 tuyến lộ nông thôn theo chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, với tổng chiều dài hơn 5 km.
Trưởng ấp Ba Dinh Mai Chí Hiếu phấn khởi: “Đây là con lộ nông thôn ngang 3 m đầu tiên của xã, đúng chuẩn nông thôn mới, thông xe hồi tháng 9/2017. Nghe tin xây lộ, dân xóm mừng lắm, bởi trước giờ xóm này chưa có lộ. Vì thế, người dân ai cũng đồng tình hiến đất, tự làm lộ đất đen, làm cống xuyên lộ. Công trình đến đâu bà con hồ hởi kéo điện, kéo nước để thi công đến đó. Giờ nói gì xe máy, ô-tô còn chạy được đến cửa nhà”.
Ấp Ba Dinh có hơn 230 nóc nhà, trên 80% trong số đó là nhà cơ bản và bán cơ bản. “Cuộc sống ổn định, người dân phấn chấn góp công, góp của cùng địa phương xây dựng làng quê. Ở Ba Dinh, chuyện dân hiến đất, góp tiền xây cầu, làm đường, xây trường không phải là chuyện hiếm. Điểm Trường Tiểu học Lê Văn Tám cũng do dân hiến đất xây dựng. Ấp có 10 cây cầu thì 3 cây trong số đó là do dân góp tiền xây dựng", chỉ tay về phía cây cầu bê-tông bắc ngang sông Ba Dinh, nối liền ấp Ba Dinh và Cái Rô, ông Mai Chí Hiếu cho hay, đó là cây cầu do ông Ba Tuỳ, dân xóm này bắc.
Nhờ chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” mà Định Bình đã hoàn chỉnh 100% trục lộ liên ấp, trên 60% lộ xóm nhánh. Số còn lại bà con cũng đã làm lộ đất đen sẵn sàng để bê-tông hoá. Giao thông thuận lợi, tạo đà cho kinh tế tăng trưởng. Nông dân bắt nhịp cùng sự phát triển của thời đại, năng động trong sản xuất, đời sống ngày một sung túc hơn.
Những nông dân giỏi giang góp sức
Ấp Xóm Lung là ấp có nhiều nông dân sản xuất giỏi nhất xã Định Bình, trong đó có ông Tư Paul. Ông Tư Paul (Lê Hoàng Paul) năm nay đã gần 60 tuổi, là người nuôi tôm công nghệ cao rất thành công.
“Hồi mới chuyển dịch, tôi cũng liều nuôi tôm công nghiệp. Lúc đó thiệt tình là thiếu đủ thứ. Thiếu tiền, thiếu trang thiết bị lẫn kinh nghiệm. Nghe nói ở miệt Sóc Trăng nhiều người phất lên nhờ tôm công nghiệp, thế là khăn gói lên đường học hỏi. Về quê quyết tâm phải làm để đổi đời. Tôi thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi tôm. Ban đầu nuôi 3 ao, rồi từ từ lên 10 ao và tôi trúng đậm 7, 8 năm liền”, ông Tư Paul tâm tình.
Mỗi năm, ông Tư Paul bỏ túi khoảng 2 tỷ đồng tiền lời. Có tiền dư trả nợ ngân hàng, ông còn mua nhà, sắm xe 4 bánh và tích luỹ số vốn kha khá. Đầm tôm của ông tạo việc làm cho cả chục thanh niên trong xóm, vào vụ đông ken có khi lên đến gần 20 người. Dân xóm thấy ông Tư nuôi tôm trúng cũng đến học cách làm giàu. Chỉ tính riêng Xóm Lung có gần 30 hộ nuôi tôm công nghiệp, đông nhất xã.
Ông Tư có 2 ao nuôi công nghệ cao. Từ năm 2015-2017, thu hoạch 5 đợt tôm, vụ nào cũng 1 lời 1, trừ chi phí còn lãi gần 4 tỷ đồng. Ông là một trong số những “phú nông” của Định Bình thành công từ nuôi tôm công nghiệp.
Ông Bảy Lợi (Nguyễn Bá Lợi) cũng là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã. Ông nuôi tôm công nghiệp mỗi năm bỏ túi không dưới 500 triệu đồng. Năm nào ông cũng được tuyên dương điển hình nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Nông dân ấp Xóm Lung nói riêng, nông dân Định Bình nói chung đang ăn nên làm ra nhờ nuôi tôm công nghiệp. Năm nay, xã có hơn 800 nông dân sản xuất giỏi các cấp. Nhà nông được mùa, lộ làng thông thoáng, đi lại dễ dàng, ai cũng sắm sửa, trang trí nhà cửa đón Tết.
Ấp Xóm Lung có 283 hộ dân, trên 85% có nhà ở cơ bản và bán cơ bản. Tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 90%. Ấp chỉ còn 1 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi thuỷ sản, nuôi tôm công nghiệp.
Trưởng ấp Xóm Lung Lê Văn Miên chia sẻ: “Ấp có 28 hộ nuôi tôm công nghiệp, trong đó có 7 hộ nuôi công nghệ cao, mỗi năm thu nhập không dưới 500 triệu đồng/hộ. Năm nay, ấp có 1 nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương, 15 nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, 180 nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố và cấp xã”.
Với xuất phát điểm chỉ đạt 7/19 tiêu chí, sau gần 5 năm, Định Bình đã đạt 18 tiêu chí (xã không thực hiện tiêu chí số 7 cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn). Hoà chung niềm vui đón mùa xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Định Bình vinh dự, tự hào khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới./.
Ông Lý Khánh Ly, Phó chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới TP. Cà Mau, cho biết: "Năm 2017, TP. Cà Mau đã xây dựng thành công xã Định Bình đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch, năm 2018, thành phố sẽ tập trung các nguồn lực xây dựng xã Hoà Thành và phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành 7/7 xã nông thôn mới. Song song với xây dựng mới, thành phố cũng tiến hành nâng chất các xã đã đạt chuẩn. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2020". |
Khả Ái