(CMO) Sau khi giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, vấn đề nhiều người quan tâm là làm sao để kích cầu du lịch, trong đó đặc biệt quan tâm mảng du lịch nội địa. Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Kế hoạch số 1749 phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Thời gian thực hiện chương trình từ ngày 1/6 đến 31/12/2020. Ở thời điểm hiện tại, du lịch nội địa gần như trở thành nguồn hy vọng “cứu nguy” cho toàn ngành du lịch. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh thu hút du lịch cũng phải gắn với yếu tố phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Người Việt đi du lịch Việt
Năm 2019, toàn ngành đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018). Bên cạnh đó, thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam được tôn vinh với nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới như: “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019”… Đáng chú ý là trong năm qua đã phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Điều này cho thấy nếu trước đây, người Việt thích đi du lịch nước ngoài thì năm qua có xu hướng ngược lại bởi du lịch Việt Nam làm khá tốt công tác quảng bá, nhiều điểm đến mới thực sự biết cách làm du lịch và hấp dẫn du khách trong nước. Ngoài ra, tình trạng chặt chém giá phòng, nhà hàng và điểm mua sắm trong dịp lễ hội cũng được kiểm soát phần nào, tạo sự tin tưởng cho du khách.
![]() |
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc đường Hồ Chí Minh (Đất Mũi - Cà Mau). Ảnh: MINH TẤN |
Việc phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ VH,TT&DL tại thời điểm này hoàn toàn hợp lý. Sau thời gian dài hạn chế ra đường, nhiều người có nhu cầu được đi du lịch trở lại. Việc tham quan, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng ở các địa điểm trong nước là một lựa chọn đúng đắn. Chọn du lịch trong nước cũng là sự lựa chọn an toàn. Bởi lẽ, thời gian vừa qua đã cho thấy công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta rất tốt.
Theo kế hoạch, Bộ VH,TT&DL sẽ phối hợp với các địa phương và các bên liên quan tổ chức phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” tại một số địa bàn du lịch trọng điểm nhằm thu hút sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp, các đối tác, thực hiện truyền thông để các bên và du khách có thông tin, tham gia tích cực. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các hãng hàng không xây dựng các gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch nội địa. Như vậy, du khách Việt đang được hưởng lợi rất lớn khi đứng trước những cơ hội chưa từng có để lên kế hoạch tham quan, nghỉ dưỡng trong nước.
Kịch bản nào cho du lịch cà mau?
Khi các tỉnh trong nước cùng lúc đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn và đồng loạt triển khai các gói kích cầu như: Giới thiệu các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý kèm theo ưu đãi, cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần dịch vụ thì du lịch Cà Mau cũng cần có một kịch bản riêng để thu hút khách du lịch nội địa. Những năm qua, du lịch ở Cà Mau là ngành có bước đột phá mạnh, góp phần quan trọng đưa ngành dịch vụ của tỉnh chiếm hơn 40% trong cơ cấu kinh tế. Lượng khách du lịch đến Cà Mau tăng bình quân hàng năm từ 12-14%; doanh thu du lịch giai đoạn 2017-2019 hơn 5.347 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với mục tiêu đề ra. Trong năm 2019, Cà Mau còn tổ chức thành công “Tuần Văn hoá - Du lịch Mũi Cà Mau”, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh… của Cà Mau đến Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
![]() |
Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng thu hút du khách mọi miền đất nước. Ảnh: PBT |
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, lượng du khách đến Cà Mau từ đầu năm đến gần cuối tháng 4/2020 là 457.420 lượt (giảm 11%), tổng thu đạt 649 tỷ đồng (giảm 12%) so với cùng kỳ 2019. Hoạt động doanh nghiệp lữ hành cũng giảm hơn 60% so với cùng kỳ, do huỷ hoặc thay đổi chương trình du lịch với khoảng 55 tour, hơn 1.100 khách. Để chủ động vực dậy ngành du lịch Cà Mau, ngày 26/3/2020, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Các giải pháp đang được các ngành tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương.
Ngày 6/5/2020, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức phiên họp kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội tháng 4/2020. Tại phiên họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo Sở VH,TT&DL tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị các sản phẩm du lịch, đặc biệt là Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau và các điểm du lịch cộng đồng để kích cầu khách nội địa; chủ động xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch đến du khách quốc tế sau khi kết thúc dịch bệnh.
Tuy nhiên, để Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” triển khai có hiệu quả, kích cầu được du lịch Việt thì vấn đề được nhiều người quan tâm là giảm giá, tăng ưu đãi nhưng vẫn cần đảm bảo yếu tố chất lượng. Do đó, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, Sở VH,TT&DL cần khẩn trương tham mưu việc triển khai các gói kích cầu du lịch.
Thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các di tích, điểm tham quan, bảo tàng, điểm du lịch do địa phương quản lý góp phần giảm giá thành, tăng tính hấp dẫn các gói kích cầu du lịch như một số tỉnh đã triển khai. Các ưu đãi, giảm giá cần được thông tin đậm nét. Ngoài ra, địa phương vận động các doanh nghiệp liên quan du lịch trên địa bàn tham gia; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các cam kết khuyến mại khi tham gia chương trình, bảo đảm môi trường du lịch an toàn, thân thiện và chất lượng. Bên cạnh đó là sự liên kết tour, tuyến, liên kết cả về dịch vụ vận chuyển hành khách…
Và phép thử cho hiệu quả này chính là ở ngay mùa du lịch hè đang cận kề. Giảm giá, tăng ưu đãi nhưng phải đảm bảo yếu tố chất lượng mới là yếu tố quyết định để du lịch Cà Mau bứt phá./.
Minh Trí