(CMO) Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm và rau củ quả hiện nay, thì hầu hết nguồn cung nội tỉnh chỉ đảm bảo từ 40-62,5%.
Theo đó, thịt gia súc (heo) nội tỉnh đảm bảo 40%, thịt gia cầm (gà, vịt) 50% và rau củ quả 62,5%. Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng, tỉnh phải tăng cường nhập từ các địa phương khác. Mặt hàng nhập ít nhất (hoa, màu) cũng 37,5% và nhiều nhất là thịt heo với 60%.
Với nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và các ngành, từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, Cà Mau cơ bản đảm bảo nguồn hàng hóa thuộc các mặt hàng thiết yếu như vừa nêu cho người dân.
Thịt heo, gà, vịt nhìn chung không lệch giá nhiều so với trước giãn cách. Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau chỉ đảm bảo cung ứng 50% nhu cầu và cần phải nhập thêm 50% thịt gà, vịt để đảm bảo nguồn cung và cần nhập thêm đến 60% thịt heo.
Kiểm soát chất lượng thịt heo từ lò mổ tập trung.
Song, nhìn lại tổng thể các vùng sản xuất, quy hoạch sản xuất của tỉnh thời gian qua cho thấy địa phương chỉ mới tăng cường quy hoạch các mặt hàng mũi nhọn: nuôi tôm và khai thác thủy, hải sản. Còn về quy hoạch chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng khoa học công nghệ thì chỉ mới ở vạch xuất phát hoặc thử nghiệm mô hình.
Phần lớn, nguồn cung ứng chủ yếu được nuôi, trồng ứng với điều kiện tự phát từ nhu cầu thực tế và điều kiện thực tiễn của người dân. Do vậy, khi có tình huống bất ngờ về thiên tai, dịch bệnh thì vấn đề khan hiếm một số mặt hàng thiết yếu sẽ xảy ra. Hệ lụy thực tiễn khi năng lực cung nội tỉnh không đạt, việc nhập hàng và chi phí vận chuyển đội lên, khi đến tay người tiêu dùng sẽ đắt đỏ hơn là lẽ thường tình.
14 ngày giãn cách xã hội hiện nay như một “cuộc diễn tập” để tỉnh rút ra bài học đắt giá trong quy hoạch, ứng dụng công nghệ và nâng cao quy mô vùng sản xuất tập trung các mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn tới.
Vợ chồng ông Mười Hiền (ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) vừa thu hoạch gần 1 tấn dưa hấu để bán cho thương lái. Nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng thương lái và nhân công di chuyển để thu mua hạn chế, nên giá áp tại ruộng mỗi ký dưa chỉ 6.000 đồng (thấp hơn so với cùng kỳ 1.000-2.000 đồng/kg). Trong khi giá bán dưa tại chợ trên địa bàn TP Cà Mau từ 15.000-18.000 đồng/kg. Ảnh: Trần Thị Út, vợ ông Mười Hiền đang thu hoạch dưa tại ruộng.
Ông Phạm Thanh Phong (phải), thương lái thu mua dưa hấu khu vực xã Lý Văn Lâm cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc di chuyển của ông chỉ từ vùng nguyên liệu đến các chợ: Phường 7, Phường 4, Phường 2... theo giấy đi đường được UBND Phường 7 cấp (giấy chỉ cấp cho ông điểm đi từ Khóm 2, Phường 7 và điểm đến ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm). Trong khi đó, nhiều sạp hàng ở chợ xã Tắc Vân hay chợ Nhà Phấn (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) vốn là mối làm ăn lâu năm, nay ông không dám chuyển đến, nguy cơ mất mối. Ảnh: Ông Phạm Thanh Phong đang trình bày với phóng viên Cà Mau Online về những khó khăn trong di chuyển hàng hóa từ việc cấp giấy đi đường của chính quyền địa phương.
Đồng thời, một thực tế hiện hữu, “con đường cung ứng” hàng nông sản ở Cà Mau đến với người tiêu dùng không đơn thuần lệ thuộc vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi, mà cốt yếu vẫn là các chợ truyền thống.
Trong thời gian giãn cách xã hội, từ tình hình kiểm soát dịch bệnh thực tế trên địa bàn, các hoạt động sản xuất được tổ chức một cách linh hoạt, chủ động, phần nào đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Ở miền quê, người nông dân vẫn bám ruộng lúa, vuông tôm, vườn rau, ao cá; tiểu thương vẫn tất bật thu mua hàng hóa, kịp thời cung ứng ở các chợ.
Thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh trùng thời điểm lúa trổ đòng. Cùng với hàng chục ngàn hộ với trên 32.000 ha lúa ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, sáng ngày 23/7, ông Dương Minh Thắng (ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình) thuê nhân công phun thuốc dưỡng đòng cho hơn 2 ha lúa đang vào thời điểm làm đòng. Theo nhận định của ông Thắng, vụ hè thu này sẽ không thu lợi nhuận cao vì khả năng năng suất không cao do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh và cùng với đó là giá vật tư nông nghiệp không ổn định, tăng hơn so với cùng kỳ.
Hàng ngày, nhiều chuyến hàng của thương lái chuyển ra chợ đầu mối Cà Mau (Phường 7, TP Cà Mau) sau khi thu gom hàng nông sản nhỏ lẻ từ các nông hộ vùng ngọt Trần Văn Thời. Bằng nhiều nỗ lực của tỉnh, hoạt động vận chuyển hàng hoá đảm bảo thông suốt cả đường bộ lẫn đường thủy.
Tuy nhiên, nguồn hàng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại Cà Mau vẫn phụ thuộc không nhỏ vào nguồn cung từ các tỉnh khác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giá thị trường, khó kiểm soát. Ảnh: điểm tập kết xuống hàng của thương lái vận chuyển hàng hóa đến từ ngoài tỉnh, tại chợ Phường 7, TP Cà Mau.
Vì tính cấp bách và kế sách lâu dài, không một hoạt động nào gián đoạn, tuy nhiên hướng đến nền sản xuất bền vững, hiệu quả, theo nhu cầu thị trường, nhất là dự phòng khi thiên tai, dịch bệnh, Cà Mau cần có thế chủ động mới trong quy hoạch lại sản xuất, tránh phụ thuộc bên ngoài…
Phong Phú - Trần Nguyên