ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-4-25 02:36:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hành trình “Rèn nghị lực, toả trái tim”

Báo Cà Mau (CMO) Chạy bộ không chỉ là phương pháp rèn luyện thể lực, giúp cải thiện sức khoẻ, “mở khoá” những giới hạn bên trong mỗi người, mà còn mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Ý nghĩa hơn hết là thông qua các giải chạy bộ từ thiện đóng góp hàng ngàn phần quà cho những gia đình khó khăn, gây quỹ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó…

Bài 1: Chạm đích yêu thương

Tham gia giải chạy bộ, các vận động viên (VÐV) không chỉ xây dựng được lối sống lành mạnh, giữ gìn sức khoẻ, mà còn gắn với những hoạt động an sinh xã hội. Khi chạm đích trên đường đua, mỗi mét thành tích đều lan toả những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Khi mới bắt đầu chạy bộ, chúng ta đều không nghĩ rằng nó có thể xoay chuyển cuộc sống của mình một cách tuyệt vời đến vậy. Phải sau một thời gian dài dốc sức tập luyện, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ hào hứng, sung sướng, tự hào đến rệu rã, kiệt sức thì đam mê chạy bộ mới thực sự bắt lửa và bùng cháy mạnh mẽ. Không những thế, chạy bộ giúp chúng ta thấu hiểu cơ thể, kiểm soát và cân bằng cảm xúc, cũng như nỗ lực trở thành “phiên bản” tốt nhất của chính mình.

Hành trình “Toả trái tim” đến với các bé tại khu lưu cư, Khóm 3, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau

“Khai phá” giới hạn thể chất

Ông Trần Thanh Tâm (75 tuổi), Phường 9, TP Cà Mau, thường được mọi người gọi thân mật là "bố Tâm", là thành viên lớn tuổi nhất trong CLB Chạy bộ Cà Mau (CMRC). Buổi sáng sớm tại khu dân cư Minh Thắng, ông vừa vặn hông khởi động, vừa chia sẻ: “Hồi trước, tôi nghĩ chạy bộ cho khoẻ thôi. Ai ngờ chạy rồi thấy không còn sung sức như hồi trẻ nữa nên cố gắng tập luyện để cơ thể dẻo dai hơn, kiểm soát nhịp tim, huyết áp, mỡ máu…”.

Cách đây hơn 1 năm, ông Tâm được chẩn đoán mắc u trực tràng ác tính giai đoạn đầu. Trải qua 3 lần phẫu thuật cắt bỏ khối u kết hợp xạ trị, sức khoẻ ông dần hồi phục. “Lúc đó, tôi mừng lắm, nhờ chạy bộ nên mới có đủ sức vượt qua mấy tháng trời nằm viện", ông Tâm chia sẻ.

Hiện tại, dù chưa thể vận động mạnh nhưng ông Tâm vẫn tập đi bộ nhẹ nhàng và khích lệ các thành viên trong nhóm. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chuyện gì thì cũng cần khoẻ, tinh thần phấn chấn để chiến đấu dũng cảm như những chiến binh giống như tôi vầy nè”, ông Tâm cười.

Khoảnh khắc về đích, bắt trọn vẻ tươi tắn của ông Tâm ở giải PetroVietNam Cà Mau.

Chị Trương Mỹ Hường, Khóm 4, Phường 9, TP Cà Mau, thường được bạn bè, đồng nghiệp nhận xét trẻ trung, tươi tắn và tràn trề năng lượng. Tuy nhiên, ít ai biết gần 2 năm trước, chị áp lực vì cơ thể lao dốc sau sinh, mất ngủ, căng thẳng khiến chị tắc tia sữa và đỉnh điểm là có thời gian gần như rơi vào trầm cảm.

Nhắc lại khoảng thời gian khó khăn này, chị Hường thổ lộ: “Cũng giống những mẹ bỉm khác, tôi tự ti và tủi thân về thân hình sồ sề, hơn 70 kg, mỡ thừa cứ xếp chồng lên, những vết rạn chằng chịt xấu xí… Tôi không dám soi gương, vì rất sợ nhìn thấy chính mình”.

Nói về sự thay đổi ngoạn mục này, chị Hường vui vẻ: “Nhờ anh chị em động viên và rủ tập chạy. Bắt đầu bao giờ cũng khó khăn, huống hồ với một mẹ bỉm vừa chăm con nhỏ, vừa nặng ì, nhưng tôi nghĩ có sức khoẻ tốt và tinh thần thoải mái thì mới đủ sức lo cho gia đình, con cái”. Sau 6 tháng kiên trì tập luyện chạy bộ kết hợp chế độ ăn uống khoa học, trái cây, rau củ tươi…, chị Hường mỉm cười hài lòng: “Cơ thể thay đổi rõ rệt, giảm gần 20 kg, lấy lại vóc dáng thon gọn, thấy trẻ, khoẻ, tự tin hơn trước nhiều lắm”.

Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Nguyễn Trọng Nhân, Bệnh Viện Sản - Nhi Cà Mau, một bác sĩ trẻ đầu ngành về sản phụ khoa, cũng là “chân chạy” truyền cảm hứng cho cộng đồng mê chạy bộ trên địa bàn TP Cà Mau. Ðứng ở góc độ y khoa, Bác sĩ Nhân nhận định:“Chạy bộ giúp nâng cao sức đề kháng, tái tạo năng lượng tích cực và tăng cường cảm xúc hạnh phúc. Một số nghiên cứu công bố cho thấy, việc tập thể dục như chạy bộ sẽ làm giảm nguy cơ trầm cảm. Dù chỉ tập chạy bộ một lần/tuần vẫn tốt hơn so với việc không chạy bộ”.

Bước chạy nhỏ nuôi hy vọng lớn 

Ở mỗi giải, hình ảnh những sải chân sống động trên đường đua, nỗ lực trên từng mét chinh phục vạch đích của VÐV đã hun đúc nguồn cảm hứng lớn đến cộng đồng. Khi mỗi mét thành tích được ghi nhận sẽ gây quỹ giúp đỡ những cảnh đời kém may mắn, thì hành trình chạy thêm ý nghĩa bội phần. Với tinh thần đó, các giải chạy từ thiện online/offline đang ngày một phổ biến tại Việt Nam, như “Nụ cười BIDV - Tết ấm cho người nghèo”, “Dai-ichi Life - Cung đường yêu thương”, “Vietcombank - Vững tương lai”...

Ông Trần Thanh Quỳnh, Giám đốc BIDV Chi nhánh Cà Mau, tâm huyết: “Không có bảng chứng nhận nào ghi nhận được trọn vẹn sự đóng góp của các VÐV, không chiến thắng nào bằng chiến thắng bản thân và không gì quý hơn sức khoẻ của mỗi cá nhân. Các VÐV hãy tham gia chạy bộ bằng tinh thần trong sáng để mang lại sức khoẻ cho bản thân và san sẻ những phần quà đến bà con nghèo”. Với thông điệp “Triệu trái tim - Chung nhịp chạy”, ở mỗi ki-lô-mét thành tích hợp lệ người tham gia đạt được tích hợp trên ứng dụng thể thao Strava, BIDV cam kết hỗ trợ từ 1-3 ngàn đồng. Kết thúc giải chạy, BIDV dành 20 tỷ đồng, phân bổ thành 40 ngàn suất quà Tết tặng bà con nghèo dịp xuân Quý Mão 2023, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai...".

Anh Nguyễn Văn Phong, Phường 9, TP Cà Mau, tích cực trong các giải phong trào, dù tính chất công việc của một chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, anh luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ và thường trực đêm nhưng vẫn tranh thủ tham gia giải online. Anh Phong kể: “Mình cố gắng sắp lịch công việc để chạy trong khuôn viên cơ quan, vừa rèn sức khoẻ, vừa tích luỹ thành tích để góp phần nhỏ vào quỹ từ thiện BIDV nên thấy ý nghĩa lắm".

Bà Hà Trang Phương Anh, Phó giám đốc Phụ trách Vietcombank Chi nhánh Cà Mau, phát biểu tại giải chạy "60 năm Vietcombank: Vạn trái tim - Một niềm tin": "Không chỉ thúc đẩy tinh thần rèn luyện thể thao, mà trên đường chạy, các VÐV sẽ đóng góp 60 ngàn đồng vào Quỹ Vững tương lai, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, tài năng... Với khoảng 25 ngàn VÐV tham gia, tổng giá trị quy đổi vào quỹ dự kiến lên đến hơn 11 tỷ đồng".

Theo trang Runner's World, chạy bộ giúp não bộ trẻ lâu, cải thiện trí nhớ, tăng khả năng sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn. Murakami, tác giả "Rừng Na Uy" viết: “Hầu hết người chạy bộ không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn”. Không chỉ là sự trọn vẹn trong từng bước chân bền bỉ in hằn trên đường chạy, mà cảm giác vỡ oà hạnh phúc khi trao niềm tin, hy vọng tươi sáng cho cuộc sống ai đó hôm nay và mai sau.

Không giấu được xúc động, ông Ðỗ Văn Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, trải lòng: “Khi nhận thông báo được hỗ trợ xây sân chơi từ quỹ chạy bộ, thầy cô ai nấy cũng mừng. Khi sân chơi còn đang xây dở dang, chiều nào các em học sinh cũng lấp ló ngoài cổng trường năn nỉ cho vô chơi, nhìn thương dữ lắm”.

Công trình “Sân chơi tuổi thơ” do Công đoàn cơ sở báo Cà Mau kết hợp với CLB Chạy bộ Cà Mau (CMRC) trao tặng Trường Tiểu học Tân Bằng, huyện Thới Bình (ẢNH NHẬT MINH)

Ðây là công trình “Sân chơi tuổi thơ” do Công đoàn cơ sở báo Cà Mau kết hợp với CLB Chạy bộ Cà Mau (CMRC) trao ở huyện Thới Bình. Hơn 4 năm qua, CMRC - một CLB chạy bộ trẻ không những tích cực nhân rộng phong trào thể dục thể thao tỉnh nhà mà còn muốn lan toả thông điệp “Sống khoẻ, sống đẹp, sống nhân văn" đến cộng đồng. Ðồng thời, giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người đối với công tác an sinh xã hội như “Trái tim còn đập - Ðôi chân còn đi” tặng các phần quà tại khu tái định cư Lung Ranh, huyện U Minh; “Mỗi bước chân - Một tia sáng” hỗ trợ Trung tâm Bảo trợ xã hội; tiếp sức đến trường cho các trường tiểu học; hỗ trợ bà con chịu thiệt hại về thiên tai…


Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nhiều giải chạy thiện nguyện nở rộ trong vòng 2 năm trở lại đây, chúng tôi thật sự rất trân trọng những nỗ lực và sự ủng hộ của VÐV trên cả nước nói chung và ở địa phương nói riêng. Qua đó, chúng ta xây dựng được một cộng đồng khoẻ mạnh, tích cực và lan toả tinh thần tương thân tương ái”.

Khi yêu thương hoá vạch đích, trở thành động lực trên từng sải chân, đường đua thì đâu đó vẫn có những VÐV chạm ngưỡng giới hạn đến kiệt sức, nhưng vẫn lao về phía trước với niềm tin lớn lao./.


 

Mây Mỹ

BÀI 2: “BỨT” GIỚI HẠN

 

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"

Khởi nghiệp “xanh” tại Cà Mau mang đến động lực, truyền cảm hứng từ những câu chuyện thực tế của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, mạnh dạn tận dụng sân nhà để phát huy giá trị sản phẩm kinh doanh, gợi mở nhiều cơ hội trong tiến trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Ðảng. Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hướng tới chính quyền số toàn diện - Bài cuối: Xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ

Nếu chuyển đổi số (CÐS) trong thủ tục hành chính (TTHC) là bước đột phá giúp cắt giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, thì xây dựng chính quyền thông minh lại mang tầm vóc lớn hơn. Ðó không chỉ là việc đưa công nghệ vào bộ máy quản lý Nhà nước, mà còn là một cuộc chuyển đổi toàn diện về tư duy điều hành, phương thức hoạt động và tinh thần phục vụ. Không còn cảnh văn phòng hành chính đầy ắp hồ sơ, giấy tờ, chính quyền số hôm nay đang định hình một mô hình làm việc mới: liên thông, minh bạch, gần gũi và lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm.

Hướng tới chính quyền số toàn diện

Hai năm liền (2023-2024), Cà Mau dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, đây là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Ðể có được thành tựu này, tỉnh không chỉ đơn giản hoá thủ tục mà còn đổi mới mạnh mẽ phương thức phục vụ. Hệ thống một cửa liên thông được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, sự hài lòng trong dân.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài cuối: Biển - Dòng chảy phồn vinh

Ðịa bàn biên giới biển toàn vùng Tây Nam trải dài hơn 700 km, chiếm 1/5 tổng chiều dài bờ biển của cả nước, không chỉ là tuyến phòng thủ chiến lược mà còn là nguồn sống của hàng triệu ngư dân. Với hệ sinh thái phong phú, vùng biển này mang trong mình tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng xây đất nước.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 3: Hồi sinh Ba Chúc

Cách nay 50 năm, trong khi các địa phương trong cả nước đang bắt tay kiến thiết quê hương sau đại thắng mùa Xuân 1975 thì Nhân dân Ba Chúc lại mang thêm trên mình những vết thương của nạn thảm sát diệt chủng Pol Pot. Nếu so sánh xuất phát điểm của vùng đất thanh bình vươn lên sau chiến tranh thì Ba Chúc khởi điểm sau các vùng đất khác 10 năm, với nền tảng ban đầu: đất đai cằn cỗi, nhà cửa xơ xác, cuộc sống của người dân bấp bênh giữa đói nghèo và ký ức đau thương. Trở lại Ba Chúc hôm nay là thị trấn sầm uất của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.