ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 21:35:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hành trình yêu thương

Báo Cà Mau (CMO) Vượt quãng đường dài hơn 350 km, với hơn 7 giờ ngồi xe, đoàn từ thiện gồm các thành viên Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tâm Hoà, TP Hồ Chí Minh (Chi hội Tâm Hoà) và các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã có mặt tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau để thực hiện công việc hết sức ý nghĩa và nhân đạo là khám tầm soát bệnh tim miễn phí cho trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh.

Từ sáng sớm, tại khu vực chờ khám của bệnh viện đã đông đúc bệnh nhân là trẻ em và cả người lớn. Các phụ huynh thì hỏi thăm nhau về bệnh tình của con em mình; bệnh nhân người lớn thì kể về bệnh của chính họ. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng ai cũng biểu lộ niềm hy vọng. Họ hướng về các bác sĩ, xem như vị cứu tinh của mình.

Bệnh tim người ta hay gọi là bệnh nhà giàu, bởi chữa trị rất tốn kém. Nhưng khổ nỗi, bệnh lại rơi vào không ít hoàn cảnh khó khăn, thế nên nhiều gia đình không tiền chạy chữa, để người thân mình phải sống lay lắt, phó mặc cho số phận. Vì vậy, khi hay tin có đoàn từ thiện đến khám và hỗ trợ điều trị, họ mừng như "người sắp chết đuối vớ được phao".

Anh Đinh Thành Trung đưa con là Đinh Huỳnh Như (13 tuổi) từ huyện Năm Căn lên khám. Anh cho biết, cháu Như bị bệnh tim bẩm sinh, đã mổ từ lúc 3 tuổi. Giờ bệnh tái phát nặng nhưng gia đình không có khả năng điều trị.

“Gia đình tôi ở nhà thuê. Tôi chạy xe ôm bữa có, bữa không, vợ thì may đồ mướn. Mỗi tháng tiền nhà, chi phí sinh hoạt, rồi lo cho 2 cháu học hành đã đuối, nên không có khả năng chữa trị cho cháu Như. May mắn có đoàn từ thiện đến khám. Nghe nói, người ta sẽ hỗ trợ tiền mổ tim, tôi hy vọng con mình cũng được giúp đỡ”, anh Trung bộc bạch.

Những tấm lòng vì cộng đồng

Tiếp nối các đợt khám tại An Giang, Ninh Thuận, Hậu Giang, vào nửa đầu tháng 5 vừa qua, đoàn bác sĩ Trung tâm Tim mạch đến miền đất Cà Mau với mong muốn giúp trẻ em vùng sâu, vùng xa có cơ hội khám tầm soát bệnh tim và điều trị sớm.

Tuổi đời chỉ ở hàng 40, dù bận bịu với các đề tài khoa học, công tác giảng dạy, công tác chuyên môn và công tác quản lý, nhưng PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định vẫn cố gắng thu xếp những ngày nghỉ cuối tuần để đi các tỉnh khám tầm soát bệnh tim cho người nghèo.

Nhiều bệnh nhân lớn tuổi ở Cà Mau được PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định khám và hứa phối hợp vận động tài trợ mổ tim.

Bác sĩ Định chia sẻ: “Mỗi năm, Trung tâm Tim mạch có khoảng 20 chuyến đi các tỉnh, từ miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ đến ĐBSCL để khám tầm soát bệnh tim miễn phí cho trẻ em. Ở vùng sâu, vùng xa của Cà Mau, bà con khó có điều kiện lên tuyến trên. Đoàn xuống đây khám bệnh là giúp được bà con rất nhiều, chúng tôi cảm thấy thật vui”.

Hơn 1 buổi làm việc cật lực, các bác sĩ đã khám xong cho hơn 200 bệnh nhân, trong đó có 18 ca cần phải làm các thủ thuật can thiệp. PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định cho biết, mặc dù thông báo khám cho trẻ em, nhưng trong buổi khám có rất nhiều người lớn.

“Bệnh tim càng để lâu, càng nguy hiểm đến tính mạng. Vậy mà lần khám này, không ít người vì hoàn cảnh khó khăn, đến 30, 40 tuổi mới được khám, mong được can thiệp, thì chúng tôi biết rằng, có biết bao trường hợp không đủ sức để chờ…”, Bác sĩ Định xót xa.

Còn sinh nở là còn bệnh tim. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định mong muốn giúp sớm, không để bệnh nhân phải “đánh vật” với căn bệnh trong thời gian quá dài. Sắp tới đoàn sẽ tổ chức thêm nhiều đợt đến Cà Mau để khám tầm soát tim cho bà con nghèo.

Điều Bác sĩ Định và các thành viên trong đoàn làm không phải vì danh nghĩa “từ thiện”, mà bằng tấm lòng, y đức, với mong muốn góp phần cùng ngành y can thiệp sớm các trường hợp bệnh tim, không để họ ra đi vì không có điều kiện chữa trị.

Cũng từ sự đồng cảm, chia sẻ trên mà trong đợt khám này, tuy mục tiêu là tầm soát bệnh tim ở trẻ em, nhưng trong số 18 ca cần phẫu thuật, có 6 ca người lớn. Bác sĩ Định và bà Hồ Thị Xuân Mai, Chi hội trưởng Chi hội Tâm Hoà, cho biết, sẽ cố gắng phối hợp vận động tài trợ để phẫu thuật hết tất cả các trường hợp trên.

Ngoài Bác sĩ Định, chuyến đi còn có các Bác sĩ Lương Công Hiếu, Nguyễn Thị Thu Trang và nhiều thành viên khác của bệnh viện; tất cả đều nhiệt tình và tâm huyết với những chuyến đi làm việc nghĩa.

Hành trình của yêu thương

Bà Mai bảo, bà có duyên với Cà Mau nên có đến hàng chục lần tới Cà Mau để làm từ thiện. Lần này, chính bà đã làm cầu nối với Cà Mau để đợt khám thành công ngoài mong đợi. Bà đã nhờ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường 8, TP Cà Mau Quách Vĩnh Sanh giúp đỡ, tạo điều kiện từ chỗ ăn nghỉ, liên hệ Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau để mượn địa điểm, máy móc siêu âm phục vụ cho buổi khám.

Sau khi sàng lọc xong, ông Vĩnh Sanh cũng là người sốt sắng lo phần hồ sơ, đồng thời tiếp một tay liên hệ với các nhà hảo tâm để kêu gọi hỗ trợ. Bởi ông nghĩ, bệnh tật không chờ đợi được, giúp họ sớm được ngày nào là may ngày ấy.

Tại buổi khám, bà Mai còn phối hợp với bà Nguyễn Thị Thuỳ Nga (bếp chính Bếp cơm từ thiện Tâm Hoà ở Cà Mau) lo chu đáo hơn 200 phần cơm cho người bệnh và thân nhân họ. Trẻ em thì phát bánh, sữa để các cháu no lòng.

Đều đặn mỗi ngày, dù mưa hay nắng, bà Nguyễn Thị Thuỳ Nga (thứ hai từ phải sang) luôn có khoảng 200 suất cơm cấp phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo và thân nhân của họ tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Bà Mai cho biết, để chuyến đi thành công, các thành viên Chi hội Tâm Hoà giúp sức bà rất nhiều. Tiếng ở TP Hồ Chí Minh, nhưng thật ra các thành viên Chi hội Tâm Hoà sống rất nhiều nơi. Chẳng hạn, chị Nguyễn Liên ở tận Vũng Tàu, chị Trần Ngọc Mỹ ở Bình Dương, bà Nguyễn Thị Mỹ Anh ở Biên Hoà (Đồng Nai). Mỗi lần đi làm từ thiện, họ phải khăn gói tập trung ở thành phố để xuất hành. Bà Mai và bà Anh giờ con cái yên bề gia thất, công ăn việc làm ổn định nên dành nhiều thời gian, tâm sức làm từ thiện. Còn Ngọc Mỹ, Nguyễn Liên hiện đang làm việc cho các công ty, nhưng vẫn tranh thủ thứ Bảy, Chủ nhật sắp xếp việc gia đình để tham gia cùng đoàn.

Thường những chuyến đi khảo sát, họ tự góp tiền túi vào. Khi có những hoàn cảnh cần giúp đỡ thì họ mới vận động tài trợ. Nhờ công khai, minh bạch nên họ được các nhà tài trợ tin tưởng, vì vậy việc vận động thuận lợi, số hoàn cảnh được giúp đỡ ngày càng tăng, đồng nghĩa với nỗi vất vả càng tăng; nhưng bù lại, niềm hạnh phúc càng đong đầy.

Sau Cà Mau, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, các thành viên Chi hội Tâm Hoà lại tiếp tục lên đường mang niềm vui đến nhiều miền của đất nước. Ông Ba Sanh lại tất tả ngược xuôi với những cảnh đời kém may mắn; bà Bé Tư tiếp tục ngày ngày nấu và chở cơm đến cấp phát cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Sản - Nhi... Hành trình của họ không thể đếm được bằng khoảng cách địa lý bởi đó là hành trình của trái tim, của yêu thương thấm đẫm tình người.

Trang Anh

Ngoài phối hợp tổ chức khám tầm soát bệnh tim, đến nay Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tâm Hoà còn phối hợp đưa hàng trăm bệnh nhân nghèo lên TP Hồ Chí Minh mổ mắt miễn phí và xây dựng hàng chục cây cầu khắp các địa bàn trong tỉnh. Riêng tại Phường 8, TP Cà Mau có 3 cây cầu được chi hội hỗ trợ xây dựng.

 

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.