ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 21:09:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hào khí đất xưa...

Báo Cà Mau Những lần về lại Tân Thành (nay là phường Tân Thành và xã Tân Thành, TP Cà Mau) đều mang lại cho chúng tôi những chiều kích mới mẻ trong hiểu biết, suy tư về vùng đất địa linh nhân kiệt, lẫy lừng công đức của tiền nhân.

Tân Thành đâu chỉ vang danh nghề dệt chiếu trăm năm và chuyện người nông dân nuôi cá bống tượng, cá chình làm tỷ phú. Ở đây, với thế đất được dòng Cái Nhúc uốn lượn bao bọc, vun bồi linh khí, người xưa đã chọn để khẩn hoang, lập ấp, lập làng, gầy dựng công nghiệp ngàn đời cho hậu thế.

Chính sử Triều Nguyễn gọi Tân Thành xưa là làng Tân Quy - nghĩa là đất mới quy tụ dòng người về sinh cơ, lập nghiệp. Tháng 10/1822 (năm Minh Mạng thứ hai), làng Tân Quy được vua Minh Mạng ban tặng cây thước đo đạc với ý nghĩa tượng trưng cho sự hưng thịnh và khuyến khích phát triển nghề nông. Năm Tự Ðức thứ 5 (1853), vua Tự Ðức đã ban chiếu chỉ sắc phong thần làng “Thành Hoàng Bổn Cảnh” cho làng Tân Quy. Suốt mấy trăm năm, cứ đến ngày Rằm và 16 tháng 2 hằng năm theo lịch âm, người dân vùng Tân Thành tề tựu long trọng tổ chức Hội Kỳ yên tại đình làng.

Ông Huỳnh Ðảm, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tự hào: “Ðây là một trong những vùng đất đầu tiên ở Cà Mau được người xưa khai phá, khẩn hoang, lập ấp, lập làng, trong đó có tổ tiên của dòng họ Bùi - Huỳnh mà chúng tôi là những thế hệ tiếp nối. Vượt qua muôn vàn gian lao, nguy hiểm, kẻ thù, cha ông đã gầy dựng nên một vùng đất mới trù phú nhiều lúa, cá tôm, cây trái bên dòng Cái Nhúc hiền hoà”.

Nhà tưởng niệm Cái Nhúc - Tân Thành, “địa chỉ đỏ” để thế hệ tiếp nối tự hào nguồn cội, phát huy truyền thống cao đẹp của cha ông. Ảnh: QUỐC RIN

Nhà tưởng niệm Cái Nhúc - Tân Thành, “địa chỉ đỏ” để thế hệ tiếp nối tự hào nguồn cội, phát huy truyền thống cao đẹp của cha ông. Ảnh: QUỐC RIN

Với tâm thế ngưỡng vọng, tri ân tiền nhân, ông Huỳnh Ðảm và con cháu họ Bùi - Huỳnh đã đứng ra sáng lập Nhà tưởng niệm Cái Nhúc - Tân Thành để nhắc nhớ hậu thế về truyền thống, cội nguồn của quê hương. Ông Huỳnh Văn Việt, Trưởng ban Ðiều hành Nhà tưởng niệm, chia sẻ: “Nơi đây là địa chỉ đỏ của dòng tộc, của bà con Tân Thành để tưởng nhớ, tri ân công đức của những thế hệ tiền nhân, tiền bối và giáo dục, lan toả truyền thống cao đẹp ấy cho thế hệ trẻ hôm nay”.

Những con người nghĩa đảm, can trường, nhân nghĩa, thuỷ chung vùng Tân Thành lại tiếp nối tiền nhân để viết nên truyền thống cách mạng hào hùng, vẻ vang trong thời đại Hồ Chí Minh. Tân Thành là một trong những nơi thành lập Chi bộ Ðảng đầu tiên của Cà Mau và Bạc Liêu vào tháng 10/1930 với 5 đảng viên. Ông Huỳnh Ðảm bộc bạch: “Ngay trên phần đất xây dựng Nhà tưởng niệm Cái Nhúc - Tân Thành này là nơi gia đình của những người con họ Huỳnh. Ông Huỳnh Văn Mới, ông Huỳnh Văn Ðiện đã bí mật nuôi chứa, tham gia hoạt động và bảo vệ các tổ chức từ thời kỳ tiền Khởi nghĩa cho đến 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Ðất và người Tân Thành luôn nối tiếp nhau theo Ðảng, theo Bác Hồ, kiên cường, anh dũng chiến đấu với giặc thù để làm nên những trang sử cách mạng vẻ vang của quê hương”.

Chuyện xưa, dấu cũ và cả những chứng nhân lịch sử còn đây. Ðại tá Liêu (Lưu) Ngọc Ẩn, người con Tân Thành, nay đã 91 tuổi, bồi hồi: “Những ngày này, tôi được sống lại thời khắc hào hùng, khí thế sôi nổi của 70 năm trước khi là bộ đội miền Nam xuống tàu đi tập kết ra Bắc ở vàm sông Ông Ðốc. Chúng tôi đi, mang trọng trách của Ðảng, của Bác Hồ, của miền Nam ruột thịt để công tác, học tập, rèn luyện để trưởng thành, để cho ngày trở về là chiến thắng vinh quang, trọn vẹn của quê hương, của đất nước”.

Ðơn vị đóng quân ở Thọ Xuân, Thanh Hoá, vị Ðại tá vẫn giữ trong lòng những nghĩa tình sâu nặng của đồng bào, hậu phương lớn miền Bắc cho con em miền Nam tập kết: “Tuổi đôi mươi xa Cà Mau, xa miền Nam, chúng tôi canh cánh nỗi nhớ thương. Chính sự cưu mang, đùm bọc, thương yêu của đồng bào, đồng đội miền Bắc lo lắng cho chúng tôi từ bữa ăn, giấc ngủ đã giúp chúng tôi thêm bền chí, vững lòng chờ đợi ngày về”. Và trong cuộc đời mình, ông Hai Ẩn (bí danh - PV) vẫn rưng rưng thổn thức về những lần được gặp Bác Hồ trên đất Bắc: “Từ khi tập kết đến khi về Nam năm 1962, tôi và các đồng đội được vinh dự 3 lần đón Bác Hồ đến thăm. Lúc đó, ai trong chúng tôi cũng xúc động dữ dội, nước mắt trào ra, ai cũng muốn lưu giữ thật kỹ, thật sâu hình ảnh thiêng liêng về Bác Hồ, nuốt vào tim gan, trí óc mình từng lời Bác dạy. Lần nào cũng vậy, Bác Hồ đều dành tình cảm lớn lao, sâu đậm đối với miền Nam và lời khẳng định kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi, Bắc - Nam sẽ sum họp một nhà”.

Đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bạc Liêu; nguyên Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (bên trái) người con của dòng họ Bùi - Huỳnh vùng Tân Thành tâm tình cùng ông Hai Ẩn về truyền thống của họ tộc, quê hương.

Ông Hai Ẩn kể: “Một ngày năm 1962, khi đó, tôi đang được đào tạo lĩnh vực sĩ quan kỹ thuật hậu cần, đơn vị phân công nhiệm vụ mới. Tới giờ G, chỉ huy cho biết nhiệm vụ lần này là về Nam. Một niềm vui mừng ập đến khiến tôi choáng váng. Miền Nam ơi! Cà Mau ơi! Ðợi chúng tôi. Bè lũ Mỹ - Diệm khát máu, dã man, tội ác tày trời kia, chúng bây hãy chờ đền tội”. Ông Hai Ẩn cùng đơn vị hành quân “xẻ dọc Trường Sơn” nhắm hướng miền Nam máu thịt mà tiến. Kể từ thời điểm đó, ông Hai Ẩn kề vai, sát cánh cùng với đồng chí, đồng đội, cùng với Cà Mau và Nam Bộ để góp sức mình cho đến ngày toàn thắng. “Mỹ cút, Nguỵ nhào”, ông Hai Ẩn lại tiếp tục làm nhiệm vụ tại các đơn vị của Quân khu 9 ở mặt trận biên giới Tây Nam; rồi làm chuyên gia quân sự ở tỉnh Koh Kong của nước bạn Campuchia và trở về Minh Hải đảm nhận các nhiệm vụ công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho đến khi nghỉ hưu.

Là hậu duệ của dòng họ Bùi - Huỳnh, ông Hai Ẩn cho biết: “Kiến họ chúng tôi có 5 người được đi tập kết, nay chỉ còn mình tôi. Trong đó, phải nhắc đến ông Phan Khắc Nhượng, 1 trong 5 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Tân Thành. Nhờ ơn Ðảng, ơn Bác, ơn của tiền nhân, tất cả chúng tôi đều nỗ lực tiến bộ, trưởng thành, nối tiếp xứng đáng với truyền thống của dòng tộc để cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước, cách mạng”.

Những mạch nguồn vẫn thao thiết chảy, rạng danh hào khí của vùng đất địa linh nhân kiệt Tân Thành. Thế hệ nối tiếp thế hệ, con người nơi đây với niềm tin sắt son vào sự nghiệp cách mạng mà Ðảng, Bác Hồ lựa chọn, đã tiếp tục trưởng thành, đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng của Ðảng, Nhà nước.

Ông Huỳnh Ðảm bộc bạch: “Với công trình Nhà tưởng niệm Cái Nhúc - Tân Thành, chúng tôi mong muốn xây dựng được một điểm tựa tinh thần, nơi hội tụ để cháu con hiểu về nguồn cội lịch sử; tự hào, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước; truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động; truyền thống hiếu học của tổ tiên và các bậc tiền bối cách mạng. Nơi đây luôn rộng mở, sẵn sàng để người dân, các đơn vị, tổ chức đến viếng thăm, tìm hiểu và lan toả tiếng thơm thảo của vùng đất, con người quê hương Tân Thành”.

Thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân tiền nhân, tiền bối đã lập đất, lập làng, gầy dựng truyền thống vẻ vang của quê hương Tân Thành.

Dòng Cái Nhúc chảy bình yên vào lòng quê hương đang rạng ngời sức vóc đổi mới, phát triển. Trong gió lộng mùa vui, hào khí của hồn đất, lòng người Tân Thành vẫn vọng vang tha thiết, ăm ắp tin yêu và rực cháy những khát vọng tươi đẹp về phía tương lai.

 

Ghi chép của Phạm Hải Nguyên

 

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.