Bên ly trà nấu bằng thứ nước lờ lợ hơi phèn, ông Tám Phú (Trần Quốc Phú, ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh) kêu trời: “Có khu khí - điện - đạm ngoài kia, ấp lại tên An Phú, mới nghe tên ai cũng nói đây là đất bình yên, giàu có, nhưng có ai thấu cảnh sống cơ cực của bà con hơn chục năm qua”. 120 hộ khu tái định canh, định cư ấp An Phú đang mòn mỏi mong chờ những tuyến lộ giao thông, nguồn điện, dòng nước sạch để cải thiện cuộc sống, phát triển sản xuất.
Bên ly trà nấu bằng thứ nước lờ lợ hơi phèn, ông Tám Phú (Trần Quốc Phú, ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh) kêu trời: “Có khu khí - điện - đạm ngoài kia, ấp lại tên An Phú, mới nghe tên ai cũng nói đây là đất bình yên, giàu có, nhưng có ai thấu cảnh sống cơ cực của bà con hơn chục năm qua”. 120 hộ khu tái định canh, định cư ấp An Phú đang mòn mỏi mong chờ những tuyến lộ giao thông, nguồn điện, dòng nước sạch để cải thiện cuộc sống, phát triển sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Xã có một khu tái định canh, một khu tái định cư, hình thành từ năm 2003 khi giải toả đất xây dựng cụm khí - điện - đạm”. Theo lời ông Kiên thì nhà cửa ở các khu này là cơ bản, đất trồng lúa, cây ăn trái đảm bảo cuộc sống của bà con.
Khu tái định cư An Phú đang thiếu những điều kiện cơ bản để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. |
Tổng diện tích của ấp An Phú khoảng 1.080 ha, gồm 120 hộ. Ông Kiên lưu ý: “Một số hộ đã sang nhượng lại phần đất của mình đi nơi khác làm ăn, một số không có việc làm cũng đã rời khỏi nơi tái định cư, một số tuyến chưa có lộ, điện”. Nhưng đánh giá tổng thể, ông Kiên khẳng định: “Khu tái định canh, định cư vẫn phát huy được hiệu quả, đời sống bà con có cải thiện”.
Nhưng thực tế, người dân ấp An Phú còn gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống.
Điều kiện sống khó khăn
Theo chân ông Đào Mộng Lân (Hai Lân), Trưởng ấp An Phú, về thăm xóm được coi là “ngon nhất” ấp vì mới làm được tuyến lộ dài 2.200 m, có khoảng 27 hộ sinh sống. Ông Hai Lân bộc bạch: “Lộ này mới làm năm rồi, hứa hồi năm 2003 tới giờ mới có. Bữa hổm làm đâu có 1.600 m thì ngoài xã kêu ngưng, bà con phản đối quá mới làm thêm được 600 m nữa”.
Ông Hai Lân cho biết thêm: “Ở ấp này có 5 tuyến xóm, mới có một tuyến lộ, điện thì kéo chia hơi hết, chưa có nước sạch. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa thì cực dữ lắm”. Cũng theo lời kể của ông trưởng ấp, 27 hộ theo diện tái định canh, định cư xóm này giờ chỉ còn đâu mươi hộ gốc trụ lại, phần thì bán, phần thì cho mướn. Các xóm khác cũng có tình trạng tương tự.
Là một trong những người về ấp đầu tiên, ông Hai Lân băn khoăn: “Hổng biết tính sao mà người ở một nơi, đất sản xuất một nơi. Mà đường đất vô mùa mưa đi lại cực khổ vô cùng, riết rồi nhiều người nản. Điện ở đây xài chia hơi kéo có một dây từ cách đây mấy cây số, đứt hoài. Cây nước khoan cũng đếm trên đầu ngón tay, nhiều người xài nước sông, hoặc đi đổi nước ngoài trung tâm xã”.
Theo quy hoạch, ấp An Phú chia ra làm 2 khu A và B, cũng không biết tính sao mà ở giữa 2 khu A và B là đất sản xuất lúa của bà con lại “chình ình” khoảng 300 ha trồng rừng tràm. Ông Tám Phú miêu tả: “Mùa rồi, 3 ha lúa của chú mà nhà giết hơn 500 con chuột. Cứ chiều chiều, chuột lội từ mé rừng qua phá hoại lúa, vậy đó thì làm ăn sao sản xuất khá lên nổi”.
Vùng đất này, như lời của người dân An Phú, khi mới về lập ấp thì phèn đắng, hoang hoá, 3 năm đầu tiên không trồng trọt gì được. Rồi những người được coi là “liều mạng” như gia đình ông Tám Phú, ông Hai Lân quyết tâm trụ lại. Tuy nhiên, như lời của các ông: “Đất này làm trúng lắm, chỉ hơn chục giạ một mùa, trồng cây trái chỉ để sinh hoạt hằng ngày, khó lòng trở thành hàng hoá buôn bán. Những người cho mướn lại cũng chỉ với giá 1 triệu đồng/ha/năm. Tụi tui ở lại cũng cố gắng hết sức, hết vốn mà tương lai chưa biết ra sao”.
Mong chờ sự đổi thay
Được coi là người dám ăn, dám nói, hễ mỗi lần có đoàn của huyện, của tỉnh về là ông Tám Phú lại mang nỗi niềm của dân An Phú phản ánh, trình bày. “Tui cũng biết, mấy anh ở xã, ở huyện có nghe thấy, nhưng chắc cũng không đủ chức trách, đủ khả năng để giải quyết cho dân nên cứ “ừ hử” cho qua”.
Ấp An Phú được hình thành trên cơ sở quy hoạch tái định canh, định cư cho người dân Khánh An khi giải toả mặt bằng xây dựng cụm công nghiệp khí - điện - đạm. Những người đầu tiên về đây vào năm 2003, sau đó là năm 2006 với 1.080 ha và 120 hộ. Những đợt giải toả sau thời điểm ấy, bà con từ chối về khu quy hoạch này mà dùng tiền đền bù để tìm nơi khác sinh sống, do thấy điều kiện quá khó khăn. Có thể nói, sau hơn 10 năm, hạ tầng cơ bản, điều kiện sống và định hướng phát triển sản xuất của người dân An Phú vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn, hiu hắt. Nhiều hộ đã cho mướn lại đất hoặc sang nhượng đất để đi nơi khác. Ông Trần Quốc Phú, ấp An Phú, xã Khánh An, nói: “Có khu khí - điện - đạm thì mới có ấp An Phú này. Khu công nghiệp ngoài kia hoành tráng vậy đó mà dân An Phú giờ cực dữ vậy nè!”. Ông Ðào Mộng Lân, Trưởng ấp An Phú, nói: “Ấp có 5 xóm thì mới có một tuyến lộ giao thông, điện thì kéo chia hơi, dân chưa có nước sạch dùng. Một xóm mấy mươi hộ giờ còn khoảng chục hộ trụ lại. Mà bố trí ở một nơi, đất sản xuất một nơi, có người được chia “lỗ chỗ” sao mà làm ăn gì được?”. |
Ông Tám Phú tiếp lời: “Chớ hồi đầu tiên, Nhà nước hứa với dân là có nhà, có đường, có nước, có điện hết. Bà con chấp hành chủ trương rồi về đây”. Ông Tám đưa ra một câu so sánh mà nghe buồn đứt ruột: “Bây giờ khu khí - điện - đạm hoành tráng vậy đó, còn dân An Phú cực cỡ này đây”. Hơn 10 năm, hạ tầng giao thông, điều kiện sống cơ bản của bà con tái định canh, định cư vẫn ngổn ngang, dân cứ chờ, nhiều người chờ không nổi nên bỏ đi nơi khác.
Ông Nguyễn Văn Thum từ Khánh Bình, Trần Văn Thời về An Phú mướn đất với giá 2 giạ lúa/công đất/năm, bộc bạch: “Tui không đất đai, về đây cũng 5 năm rồi, mà làm ăn có dư gì đâu. Mùa nào đủ ăn mùa đó”. Không có nước xài trong mùa nắng hạn, nhà ông phải đi đổi nước gần 5 cây số.
“Bữa trước chở nước về chìm xuồng, cái máy mới mua hư luôn. Ngày nào cũng chở, mỗi bận tốn hơn 10.000 đồng, chưa kể tiền xăng, kiểu này hoài chắc chịu không thấu”, ông Thum nhìn 50 công đất mướn mà gần như bất lực bởi không thể làm gì để kiếm đồng ra, đồng vô.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, ông Tám Phú nói: “Tui cũng đi đây, đi đó, thấy chuyện tái định canh, định cư của người ta làm khác hơn mình nhiều lắm. Cất nhà cửa, làm đường sá, điện nước đủ đầy, hỏi người dân chịu không thì mới bắt đầu vô ở. Đất đai bạc màu, người ta cũng hỗ trợ cải tạo, lúc nào cũng vì quyền lợi của bà con. Vậy mà An Phú hơn chục năm rồi chẳng thấy thay đổi gì”.
Trong cái tâm sự rất nông dân, ông Tám cũng chia sẻ với chính quyền của xã, của huyện: “Hứa với dân thì mấy ông trên tỉnh hứa, tui nói hoài thì làm khó cho anh em, nhưng không nói dân khổ hoài ai biết”. Ông Tám cũng mạnh dạn gởi gắm báo chí: “Mấy anh dám nói thì nói thẳng giùm, nói để các cấp lãnh đạo thấy dân An Phú luôn chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, bởi bỏ đất thuộc qua sống đất hoang, ủng hộ làm khu công nghiệp thì đời sống của bà con, Đảng và Nhà nước cũng phải quan tâm”.
An Phú đang thiếu đi những điều kiện cơ bản phục vụ đời sống Nhân dân, thiếu định hướng phát triển sản xuất trong tương lai và những mong mỏi của bà con là vô cùng chính đáng. Vị Trưởng ấp An Phú thông tin thêm: “Có miếng đất sang qua hai, ba đời chủ rồi. Làm ăn mùa rồi thất bát”.
Phía trước mặt là dòng kinh cạn queo ngầu đỏ phèn, phía sau là đồng ruộng cháy khát, ai tin rằng nơi đây có cái tên mỹ miều: An Phú? Và rằng, những người nông dân An Phú làm cách nào để thực sự đổi thay cuộc sống?./.
Phóng sự của Phạm Nguyên