Ði bộ thể dục là thói quen tốt để rèn luyện sức khoẻ, thế nhưng, việc lựa chọn cách đi, địa điểm đi để đảm bảo an toàn sức khoẻ cũng như đảm bảo an toàn giao thông là việc làm không phải ai cũng biết và thực hiện đúng.
- Xây dựng văn hoá giao thông an toàn
- Vi phạm nhỏ, nguy cơ to
- Mất an toàn tại nút giao tuyến tránh Quốc lộ 1
Công viên là lựa chọn lý tưởng cho người có nhu cầu đi bộ thể dục rèn luyện sức khoẻ. (Ảnh chụp tại Công viên Hùng Vương, Phường 5).
Hiện nay, việc người dân đi bộ thể dục trên các trục đường giao thông rất phổ biến, tuy nhiên, vẫn còn nhiều người đi không đúng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về sức khoẻ, tai nạn giao thông.
Chỉ cần dạo quanh các tuyến đường lớn trên địa bàn TP Cà Mau như: Phan Ngọc Hiển, Trần Hưng Ðạo, Tôn Ðức Thắng... vào thời điểm có đông người tập thể dục buổi sáng, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đi bộ dưới lòng đường, có khi đi ngược chiều ngay gần sát dải phân cách. Với cách đi này, người đi bộ thể dục vừa vô tình đưa mình vào tình huống nguy hiểm khi có xe đang lưu thông trên đường, vừa vi phạm luật giao thông.
Nhiều người vẫn chọn cách đi bộ ngược chiều ngay sát dải phân cách của lòng đường. (Ảnh chụp trên đường Tôn Ðức Thắng, Phường 5).
Bà N.T.L, Khóm 8, Phường 5, TP Cà Mau, chia sẻ: “Ðường vắng thì đi thôi, thấy nhiều người cũng đi nên mình tháp tùng. Ði theo chiều này có thể thấy xe để tránh, chứ đi theo chiều kia thì không quan sát được. Với lại, trên phía vỉa hè rất khó đi, phải tránh né nhiều thứ lắm”.
Cũng với quan điểm như thế mà nhiều người vô tư đi theo cách nghĩ của mình, bất chấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ngoài đi bộ thể dục trên đường giao thông, vẫn còn nhan nhản trường hợp người đi bộ sai luật, trong đó phổ biến nhất là trường hợp đi sang đường không đúng.
Người đi bộ sang đường phải đi tại những vị trí có vạch kẽ đường dành cho người đi bộ.
Ghi nhận tại nhiều tuyến đường có dải phân cách cố định được bố trí trồng cây, vạch sang đường cách xa, nhiều người muốn sang đường thường chọn theo cách tiện và nhanh là “thập thò”, canh cơ hội để băng ngang đường. Ðây cũng là hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, bởi chỉ cần một chút lơ là, chủ quan của cả người đi bộ lẫn người điều khiển xe lưu thông trên đường, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thực tế cho thấy, có nhiều vụ tai nạn giao thông do xe lưu thông trên đường va chạm người đi bộ, trong đó có những vụ do nguyên nhân chủ quan của người đi bộ. Khi đó, người đi bộ cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi đi bộ không đúng quy định của mình.
Hiểu đúng và đủ về những quy định khi tham gia giao thông, kể cả khi đi bộ trên đường, là việc làm cần thiết, đừng để đến khi xảy ra chuyện đáng tiếc thì mới vỡ lẽ ra là mình đã vi phạm.
Ði bộ đúng, an toàn cũng chính là tự xây dựng cho mình cách ứng xử văn hoá khi tham gia giao thông.
Người đi bộ vi phạm khi không thực hiện nguyên tắc chung là: đi bộ trên lề đường, hè phố hoặc đi sát mép đường khi không có lề đường và hè phố. Bên cạnh đó, nếu đoạn đường có bố trí vạch kẻ đường cho người đi bộ qua đường như trước các trường học, bệnh viện hoặc tại các chốt đèn tín hiệu giao thông, mà người đi bộ không đi qua đường trên các vị trí này cũng sẽ vi phạm. Nếu đoạn đường không bố trí vạch kẻ đường cho người đi bộ qua đường, thì trong trường hợp này, người đi bộ qua đường phải có trách nhiệm quan sát và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường mà không vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Khi vi phạm, người đi bộ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Ðiều 9 Nghị định số 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 123/2021/NÐ-CP của Chính phủ).
Lê Chí