(CMO) 15 tuổi, lần đầu tiên tôi được đặt chân đến Cà Mau - thị xã tận cùng cực Nam của đất nước. Ấy là lần Tỉnh đoàn Minh Hải tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ IV, đầu tháng 9/1984. Sau những nghi lễ chính thức ở rạp Huê Tinh, Phường 2, chúng tôi được đi “trại bay”, vô tuốt tận rừng tràm U Minh. Tôi, một chàng trai mới lớn cầm dùi trống cái chỉ huy Đội trống thiếu nhi của Đại hội thiếu nhi, lơ ngơ láo ngáo giữa Cà Mau xa lạ.
Đại hội học sinh XHCN hè năm 1986 do Tỉnh đoàn tổ chức, tôi khi ấy là cán bộ Đoàn trong trường cấp III, trong đội hình 15 bạn của thị xã Bạc Liêu, được chọn dự đại hội tại thị trấn Rạch Ráng, Trần Văn Thời; được đi tham quan hòn Đá Bạc. Hè 1987, sau kỳ thi vào đại học, được Thị đoàn Bạc Liêu cử tham gia đội hình đi dự Hội thi tuyên truyền viên trẻ “Năm học Bác Hồ” ở Tỉnh đoàn. Nếu tính luôn cái lần năm 1985 được cha tôi cho đi xem Hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội kỷ niệm 10 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, tổng cộng thời học trò tôi có 4 lần được đến Cà Mau. Trong đó, có 3 lần nhờ tham gia hoạt động Đoàn - Đội mà được đặt chân đến vùng đất tận cùng cực Nam Tổ quốc.
Cảm giác của tôi ư? Cà Mau lạ lẫm. Mình như một người khách lạ, không hơn.
***
Ngày nhận giấy báo đậu đại học cũng là ngày cha tôi nhận kết quả K giai đoạn 2. Đi học? Gia cảnh cha mẹ tôi lúc ấy, 4 năm ở Hà Nội cho con ăn học là cả một gánh nặng. Còn nếu đi làm? Dự Hội thi tuyên truyền viên trẻ của tỉnh, Đội thị xã Bạc Liêu 3 chị em đoạt 3 giải. Anh Ba Liêm - Bí thư Tỉnh đoàn, hỏi thăm gia cảnh, nói tôi nếu muốn vô Tỉnh đoàn làm việc, các anh nhận.
Tôi bước chân vào làm công tác thanh niên ngẫu nhiên vậy đó.
Vào Ban Tuyên huấn Tỉnh đoàn, được đi học trung cấp ở Trường Đoàn Minh Hải rồi làm việc tại trường. 2 năm sau, 1991, Trường Đoàn từ Bạc Liêu chuyển xuống Cà Mau. Tôi khi ấy chính thức là “thảo dân” của thị xã Cà Mau, nơi mà bà con cô bác, anh chị các vùng miền ai cũng mong được ít nhất một lần đặt chân đến. Tôi cũng vậy, dẫu khi ấy Cà Mau với tôi vẫn còn đầy lạ lẫm. 4 mùa hè đến với Cà Mau dạo trước không làm một thanh niên đa cảm vơi bớt mặc cảm nhà nghèo, lại vào đời bằng một cái nghề không “hot”, tôi lúc ấy không mấy tự tin, trong khi bạn bè trang lứa đều đang học năm 2, năm 3 ở các trường đại học trên Bạc Liêu, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh hay ngoài Hà Nội...
Bạn tin đi! Tôi khi ấy chưa nhận thức được điều gì lớn lao về lý tưởng, về phấn đấu gì, gì đâu. Đã nói rồi, tôi đi làm là để cha mẹ đỡ một phần gánh nặng. Nhưng, nói thiệt lòng, tuổi trẻ như bạn như tôi dễ tự ái. Không muốn bị ai nặng nhẹ gì mình thì ráng mà lo cho xong phần việc của mình được giao. Hết giờ thì về phòng, ghi nhật ký và ôm cây ghi-ta tập xướng âm ca khúc “Thu, hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển... Không tụ tập.
Công việc cuốn mình theo, hay mình tự cuốn theo công việc, tôi khi ấy cũng không phân biệt rạch ròi. Mấy anh giao việc gì cũng nhận. Trực điện thoại, tổng hợp số liệu, đi đưa thư, tiếp chị Huỳnh Tuyết dò tăng-xin và quay rô-nê-ô; thức suốt đêm học bài để đi thi “diễn biến hoà bình”; phóng xe Honda 67 vô tuốt trong Tân Lộc, Thới Bình tìm “boòng Lợi” đi công tác cả tuần không có tin tức báo về cho Thường trực Tỉnh đoàn; thiết kế trò chơi lớn, dự trù kinh phí, viết kịch bản, dẫn chương trình hội trại, làm quản trò, quấn chuột lửa, sưu tầm các bài hát, trò chơi; tham gia làm bản tin tuổi trẻ; đứng lớp giảng bài cho cán bộ Đoàn cơ sở nữa chớ…
Lớp Thanh vận do Trường Đoàn Minh Hải tổ chức. Ảnh tư liệu |
Mấy đứa bạn học sư phạm ra trường về quê “gõ đầu trẻ”, nó chọc tôi là “gõ đầu cán bộ” - ấy là bởi tôi viết thư khoe tôi được đứng lớp giảng về tâm lý lứa tuổi cho cán bộ Đoàn cơ sở. Ghê chưa! Hồi ấy chưa có máy vi tính, nội những tờ A4 được tôi chắp nối lại để tổng hợp số liệu cho một báo cáo quý của Tỉnh đoàn thôi cũng đã dài gần… 3 m, y hệt tờ sớ táo quân.
Nhìn các anh chị trong Thường vụ Tỉnh đoàn đăng đàn phát biểu, hay trong những cuộc giao lưu tiếp xúc mà nể phục, ngưỡng mộ tài ăn nói, hùng biện, sự bặt thiệp và kiến thức, vốn sống của các anh chị...
Thời gian trôi. Cà Mau thân thiết với tôi tự lúc nào, hay tôi đã gắn bó với miền đất cuối trời này tự hồi nào, tôi thực tình là không “kiểm soát” được... Có phải từ chuyến công tác 20 ngày đầy ắp kỷ niệm giữa rừng U Minh trắng bông tràm, hay bữa lạnh run người mấy tiếng đồng hồ không áo mưa ngồi xuồng ba lá cùng anh em xã đoàn đi tìm nhà đồng chí bí thư chi đoàn ấp trong một chiều mưa tầm tã vùng Biển Bạch, Thới Bình; là ánh lửa trại bập bùng trong những đêm hoạt động kỹ năng thanh niên ở Cái Nước, Trần Văn Thời, hay những chuyến vượt biển ra Hòn Khoai với Đồn Biên phòng 700, vượt đường lầy hành quân về Đầm Dơi, Ngọc Hiển...
Nhớ lắm bữa cơm với rau chấm mắm kho ở Thới Bình, bữa tiệc đọt choại nhúng lẩu mắm ở Huyện đoàn U Minh hay cả tháng trời lội bộ khắp vùng Bắc Thới Bình để báo về cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn những số liệu thực tế, làm cơ sở cho Kế hoạch KT1/92. Nhớ lần đi mở lớp tập huấn tại Huyện đoàn Cái Nước, thức đánh bài tiến lên đến 3 giờ sáng, chờ nghe tiếng heo kêu éc… éc... thế là đứa nào thua bài tự giác xách thau qua lò mổ chia lại mớ lòng, mớ huyết heo đem về để vô nồi cháo, xúm lại xì xụp húp với nhau; hò nhau ra giếng nước xối ào ào, trời vừa sáng đã bảnh choẹ như ai, lên lớp tỉnh rụi như… Cuội!
Tết, anh em Tỉnh đoàn ra quân ngoài công viên Trung tâm Văn hoá hướng nghiệp thanh - thiếu nhi, là Nhà Thiếu nhi Cà Mau bây giờ. Người soát vé cổng, người bán vé vào nhà banh, nhà cười, lên đu quay đứng đu quay ngồi..., tôi thì anh Tiến Hải rủ dựng cảnh chụp hình. Có lần Lê Đồng, thằng bạn thân từ hồi cấp 2 dẫn bà xã mới cưới từ TP Hồ Chí Minh xuống chơi, tôi bỏ làm cả ngày trời đi chơi với vợ chồng nó.
Vào thời trăng mật ấy của tôi và Cà Mau, cũng đã kịp kết nạp một đồng nghiệp làm bà xã của mình. Tôi trở thành rể của miền đất Cà Mau từ dạo ấy.
Thời gian trôi. Nhóm bạn học phổ thông lâu lâu gặp lại, “tám” đủ chuyện trên trời dưới bể. Trong những lần “tám” ấy, tôi mới ngộ một điều: có những cái mà sau khi rời trường phổ thông, trường đại học dạy cho bọn bạn tôi, thì tôi chưa được biết; ngược lại, cái nghiệp công tác thanh niên đã rèn giũa cho tôi đến nơi đến chốn những cái mà mấy thằng bạn thân đang... trố mắt nhìn và nghe tôi kể...
Vào lúc tự mình phần nào lý giải được tại sao hồi học ở Trường Đoàn mình bị điểm 4 khi phân tích câu “Đoàn thanh niên là trường học của tuổi trẻ”, tỉnh Minh Hải phân chia địa giới hành chính. Nguyên lúc trước tôi ở Bạc Liêu, thì bây giờ về lại Bạc Liêu.
Cảm giác của tôi ư? Cà Mau ơi, khó nói thành lời! Bởi Cà Mau đã là cả một phần lớn lắm thời tuổi trẻ của tôi.
***
“Tít... tít”. Nhắn tin với đồng nghiệp cũ, cứ muốn bông đùa hoài cái câu cũ rích: “chia dấu hỏi, không chia dấu huyền” (ý là “chia tỉnh”, không “chia tình”).
Mới đó đã 33 năm từ ngày vô Tỉnh đoàn và 23 năm kể từ ngày chia tách tỉnh. Dư một phần tư thế kỷ với cuộc đời một con người, thời gian đó cũng đã được gọi là dài, huống hồ đối với người làm công tác thanh niên. Bởi có một đặc thù của cái nghiệp công tác thanh niên là không ai được làm cho đến lúc về hưu cả! Thực tế bây giờ ư, thực tế cơm áo không đùa không giỡn với những người làm công tác thanh niên lương thì thấp mà bổng lộc thì không có. Không tâm huyết với nghề, sẽ rất khó khăn khi thốt lên câu phải làm gì để tồn tại, chứ hổng dám đại ngôn để mà thưa mà thốt cái câu rằng phải luôn làm mới mình; phải có cái tâm - cái tầm để “tiên ưu, hậu lạc” (tạm hiểu là lo trước cái lo của thanh niên, vui sau cái vui của thanh niên).
Ngày ở Tỉnh đoàn Minh Hải, có một anh bên ngành văn hoá, anh Vưu Long Vĩ, hỏi tôi: “Làm công tác Đoàn mau lên lắm, phải không?”. Tôi phì cười, đề nghị khái niệm giùm tôi từ “lên” ấy nghĩa là gì? Ảnh hì hì cười mà rằng “lên” tức là lên chức. Tôi lúc ấy chưa thật hiểu lắm về điều này. Nhưng sau này nghiệm lại, thừa nhận rằng, môi trường công tác thanh niên là một trong những môi trường mà người trẻ tuổi nào chịu rèn, chịu cực, cầu tiến... dễ có nhiều cơ hội để thử thách và trưởng thành (tôi xin dùng cụm từ “cơ hội” theo một nghĩa tích cực). Bạn nhìn xem, nhiều anh chị, nhiều bạn đã và đang trưởng thành từ công tác thanh niên.
Mà tôi cũng thành thật nghĩ rằng, gặt hái lớn nhất của người làm công tác thanh niên, đó chính là được cọ xát nhiều với thực tế, được trải nghiệm để rồi tích luỹ những kỹ năng công tác, kỹ năng sống mà phát huy sở học, tố chất; làm việc, cống hiến, khẳng định mình; để rồi trưởng thành trong phong trào tuổi trẻ... Khi nhận trọng trách trước thanh niên, cũng đồng nghĩa một “tạm ứng” về lòng tin ở tuổi trẻ. Sự “tạm ứng” không thể “thanh, quyết toán” chỉ bởi vỏn vẹn bằng một, vài nhiệm kỳ công tác của mình…
***
Miên man trong miền nhớ, chạm tay vào ký ức thì kỷ niệm về một thời Cà Mau, Minh Hải cứ chờ chực ùa về. Nhớ mãi buổi chiều U Minh Hạ bữa ấy, trong tứ bề là tràm, nắng thì hanh hao vàng như “ướp mật vào hơi em thở”, tôi bước chân xuống vỏ trong chếnh choáng men say, anh bạn đồng nghiệp còn cố níu lại đọc tặng mấy câu mà anh đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần trong tiệc rượu chia tay mỗi người về mỗi tỉnh:
“Hãy đứng thẳng như tràm xanh đó
Dù đất U Minh ngún lửa, cháy ngầm
Thân tràm đứng đừng nghiêng theo gió
Để dáng tràm mang mãi dáng của rừng
Để hương tràm vẫn đượm hương thuần khiết
Để lá tràm xanh mãi một màu xanh
Để ngày mai gặp em, gặp anh
Không mắc cỡ khi nhìn vào mắt họ
Dù đất U Minh ngún lửa, cháy ngầm
Hãy đứng thẳng như tràm xanh đó”.
Cà Mau ơi, vẫn còn đó những kỷ niệm của một thời sống chung trong đội ngũ. Có đủ mọi cung bậc của yêu, thương, sướng, khổ. Có buồn vui, có trải nghiệm cuộc đời. 89 năm sinh nhật Đoàn, xin một câu trao gởi: Đoàn Thanh niên là trường đại học lớn nhất cuộc đời tôi./.