(CMO) Nghề khai thác biển truyền thống của tỉnh Cà Mau đã tồn tại từ lâu. Song, kể từ khi nhận được sự đầu tư của Nhà nước, những chiếc tàu công suất lớn bắt đầu hiện diện ngày một nhiều. Theo đó, trang thiết bị hiện đại đáp ứng điều kiện đánh bắt xa bờ ở những nơi có nhiều tôm cá hơn và cũng ít huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản hơn.
Cà Mau là tỉnh có vị trí rất quan trọng trong chiến lược biển Việt Nam, là địa phương rất giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển gắn với giao lưu, hội nhập quốc tế. Vùng biển Cà Mau rộng lớn với trên 71.000 km2. Trữ lượng khí tự nhiên lớn đang khai thác, nguồn hải sản phong phú, là ngư trường thuận lợi cho ngư dân khu vực ĐBSCL và các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định TP. Cà Mau là đô thị hạt nhân của vùng đô thị Tây Nam Bộ, kết nối với các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Bạc Liêu, Sóc Trăng... Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế thuỷ sản mũi nhọn của tỉnh.
Bài 1: Ngư dân hiện đại
Nghề khai thác biển đã có những đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế của tỉnh với sản lượng xuất khẩu ngày một tăng, đời sống ngư dân ngày càng phát triển. Những tín hiệu lạc quan của ngành công nghiệp khai thác biển bước đầu lộ diện.
Mạnh dạn vươn khơi
Là một trong những hộ tiên phong trong việc tự đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi, ông Lê Văn Thiệt, Khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Giờ ngư trường ngày càng cạn kiệt dần, trong khi đó lượng tàu cá quá đông, nếu không vươn khơi đánh bắt sẽ khó mang về nguồn lợi hải sản lớn. Ở cửa biển Sông Đốc này, ngư dân ngày càng mạnh dạn đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ. Tàu lớn vừa an toàn, lại được trang bị thiết bị máy móc hiện đại, thiết bị phục vụ việc định vị, tìm luồng cá nên năng suất đánh bắt cao hơn phương tiện nhỏ”.
![]() |
Nghề khai thác biển đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. |
Hiện tại, cửa biển Sông Đốc số hộ tự đóng mới tàu công suất lớn ngày càng tăng, với trên 30 phương tiện, họ mạnh dạn đầu tư với mục tiêu phát triển nghề biển của gia đình theo hướng đổi mới hiện đại. Là một trong những địa phương phát triển nghề khai thác biển mạnh nhất tỉnh, huyện Trần Văn Thời có hơn 2.400 phương tiện khai thác, trong đó trên 1.300 phương tiện có công suất trên 90 CV, có khả năng khai thác xa bờ, đánh bắt dài ngày trên biển.
Ông Sử Văn Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Huyện xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn, là thế mạnh thứ hai của huyện với chiều dài bờ biển 34 km, có ngư trường rộng 800 km2, với nhiều cửa sông, đặc biệt trong đó Sông Đốc là cửa biển có tầm chiến lược phát triển vùng kinh tế ĐBSCL. Tổng sảng lượng hải sản hằng năm đạt trên 115.000 tấn, với nhiều chủng loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Những năm qua, nghề khai thác biển góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.
Không chỉ ngư dân Sông Đốc mà các địa phương khác cũng đang đầu tư mạnh mẽ để hiện đại hoá đội tàu. Ông Nguyễn Thành Kính, Khóm 3, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, cho biết: “Được hỗ trợ nguồn vốn từ Nghị định 67/2014, gia đình tôi đã đóng tàu có công suất hơn 800 CV làm nghề lưới rê, có tải trọng trên 200 tấn, với kinh phí trên 12 tỷ đồng. Nghề biển giờ ai cũng đóng tàu lớn, mình không đóng sẽ không theo kịp, tàu đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp mình có thể đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển, không sợ sóng to, gió lớn lại mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Vai trò kinh tế biển ngày càng lớn
Toàn tỉnh hiện có 4.722 tàu cá đăng ký, với tổng công suất 671.312 CV, trong đó, 3.478 tàu có công suất từ 20 CV trở lên. Sản lượng khai thác biển hằng năm của tỉnh không ngừng tăng lên, năm 2017 đạt 209.071 tấn, đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh.
Những tháng đầu năm 2018, sản lượng khai thác thuỷ sản đạt trên 71.500 tấn, bằng 105,61% so với cùng kỳ. Nghề khai thác chính của ngư dân Cà Mau là lưới rê, câu mực, lưới kéo, lưới vây, te và đáy biển. Trong đó, nghề lưới rê chiếm tỷ lệ cao nhất, với 51,61% tổng số phương tiện. Vùng biển Cà Mau rộng khoảng 8.000 km2, là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Ngành khai thác thuỷ sản thời gian qua đã góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển và hải đảo.
![]() |
Ngư dân lên cá tại cảng Sông Đốc. |
Tỉnh Cà Mau đang quyết tâm hiện đại hoá đội tàu của tỉnh, thúc đẩy mạnh việc phát triển đồng bộ kinh tế biển. Điển hình như Phú Tân, là huyện ven biển có bờ biển dài 37 km, hệ sinh thái đa dạng với trữ lượng hải sản phong phú về chủng loại, có nhiều loài giá trị kinh tế cao như cá hồng, cá sao, cá thu, cá chim và các loại tôm, cua, ghẹ biển. Biển đã mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho huyện với sản lượng đánh bắt hải sản hằng năm khoảng 20.000 tấn.
Đến nay, toàn huyện có 108 doanh nghiệp, trong đó có đến 75 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế biển, chiếm khoảng 69,4% số doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện. Ông Trần Quốc Yên, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, cho biết: “Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện. Do đó, việc đầu tư cho lĩnh lực này được tỉnh, huyện rất quan tâm. Huyện Phú Tân đã xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá và bến cá tại thị trấn Cái Đôi Vàm. Hạng mục xây dựng trụ neo tàu đã nghiệm thu đưa vào sử dụng với chiều dài 2.600 m. Địa bàn huyện có trên 20 cơ sở thu mua hải sản, tập trung ở các xã Nguyễn Việt Khái, Phú Tân, Tân Hải và thị trấn Cái Đôi Vàm. Qua điều tra, rà soát năm 2016, tổng số tàu cá còn hoạt động là 525 phương tiện, tổng công suất 39.471 CV (bình quân 75 CV/chiếc). Trong thời gian tới, với sự suy giảm của nguồn lợi hải sản ven bờ, cần khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn để vươn ra những vùng biển xa”.
Mặc dù có sự đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nghề khai thác biển, nhưng với việc nguồn lợi hải sản ngày một cạn kiệt do khai thác quá mức, nhiều ngành nghề khai thác mang tính huỷ diệt cao vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng lớn đến việc tái tạo nguồn lợi hải sản. Điều này phát sinh nhiều hệ luỵ, trong đó có việc vì lợi nhuận ngư dân sẵn sàng đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, ngư dân của tỉnh khai thác chủ yếu mang tính truyền thống, không theo các quy chuẩn quốc tế, như ghi nhật ký khai thác để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, việc bảo quản đảm bảo an toàn thực phẩm trên biển chưa được quan tâm... điều này cần thay đổi nhằm đưa ngành khai thác biển của tỉnh đi lên theo hướng hiện đại.
Đặc biệt, với việc Uỷ ban Châu Âu (EC) đã áp dụng biện pháp cảnh báo đối với sản phẩm thuỷ sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU (thẻ vàng), nếu chúng ta không khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh mà của cả Việt Nam, kéo theo nhiều hệ luỵ về phát triển kinh tế, xã hội cũng như đời sống của ngư dân.
Đặng Duẩn