Ngọc Hiển là địa phương có tiềm năng phát triển lớn của tỉnh Cà Mau. Ẩn trong những cánh rừng đước là muôn vàn sản vật, là cả tuyến du lịch được quy hoạch giữ vai trò “xương sống” của ngành du lịch Cà Mau. Tuyến đường Hồ Chí Minh trong nay mai về tới Đất Mũi, nối liền một dải đất nước để vùng đất này thêm sức sống.
Ngọc Hiển là địa phương có tiềm năng phát triển lớn của tỉnh Cà Mau. Ẩn trong những cánh rừng đước là muôn vàn sản vật, là cả tuyến du lịch được quy hoạch giữ vai trò “xương sống” của ngành du lịch Cà Mau. Tuyến đường Hồ Chí Minh trong nay mai về tới Đất Mũi, nối liền một dải đất nước để vùng đất này thêm sức sống. Và Ngọc Hiển còn có tài sản vô cùng quý báu, không gì thay thế được: con người. Nhân dân Ngọc Hiển trung kiên, anh dũng trong chiến tranh, cần cù và sáng tạo trên chặng đường đổi mới, thế hệ trẻ không ngừng học tập, rèn luyện đã và đang trở thành “nguyên khí” của địa phương.
Nhận diện khó khăn và cơ hội
Ngọc Hiển quả thật có xuất phát điểm thấp, bị chia cắt và chưa thể phát huy hết các thế mạnh trong thời gian qua. Nguồn lợi thiên nhiên của địa phương là lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả, khai thác không gắn với bảo vệ - phát triển. Cung cách làm ăn của người dân chưa tạo ra những mô hình mang tính bền vững. Hạ tầng yếu và thiếu dẫn đến muôn vàn thách thức trong hội nhập, phát triển. Tư duy manh mún, nhỏ lẻ trong việc khai thác, hoạch định các thế mạnh lớn của địa phương để lại những hệ luỵ tiêu cực. Nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ, đảng viên chưa phát huy hết vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo những cú hích lớn cho các mặt công tác ở địa phương.
Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển Nguyễn Trường Giang trao xe đạp cho học sinh nghèo. Ảnh: CHÍ HIỂU |
Toàn đảng bộ trong những năm qua vẫn trăn trở về việc phát huy hết thế mạnh của Ngọc Hiển. Vùng đất biển, hệ sinh thái ngập mặn, những sản vật độc đáo, văn hoá vùng miền đặc sắc, các di tích cách mạng của cả nước và đặc biệt là vùng “đất thiêng” của toàn dân tộc với chóp cùng cực Nam… là những ưu thế quá lớn, quá đủ để nơi đây có thể trở thành điểm đến của cả nước. Thực tế cho thấy, kinh tế ngư - lâm nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống Nhân dân toàn huyện, nhưng chỉ ở mức “trung bình” và chưa thật sự thoả mãn khát vọng làm giàu của bà con. Nhiều nơi đã có dấu hiệu “phá rào” thay con tôm sinh thái bằng mô hình công nghiệp, nhưng kết quả chỉ ra rằng điều này không phù hợp và cuối cùng tất yếu sẽ bị sàng lọc.
Cơ hội mới của Ngọc Hiển được tạo ra từ việc tháo “nút thắt” về giao thông, hạ tầng. Huyết mạch đường Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi là sự kiện có thể làm thay đổi toàn bộ đời sống của người dân. Cơ hội mới là những mô hình du lịch gắn liền tôm sinh thái - du lịch sinh thái cộng đồng đã được người dân tận dụng vô cùng hiệu quả trong thời gian qua. Sắp tới, Đất Mũi sẽ thêm lộng lẫy, thêm uy nghiêm khi biểu tượng Cột cờ Hà Nội được xây dựng. Ngọc Hiển còn có những dự án mang tầm vóc lớn ở Hòn Khoai (cảng biển), Khai Long (điện gió)…
Hiện thực hoá cơ hội
Nhiệm kỳ qua, đảng bộ đã đề ra 2 nghị quyết chuyên đề: Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất thuỷ sản giai đoạn 2010-2015 và Đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2012-2015 và định hướng những năm tiếp theo. Trong đó, xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư hạ tầng - kỹ thuật, vận dụng phù hợp cơ chế, chính sách gắn với tổ chức lại sản xuất, phát triển giống và nuôi trồng thuỷ sản, thu hút đầu tư du lịch và dịch vụ trên địa bàn.
Tôm khô là đặc sản nổi tiếng của huyện Ngọc Hiển. Ảnh: C.H |
Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của huyện là 24.900 ha, trong đó diện tích nuôi tôm 23.100 ha với các loại hình: nuôi tôm công nghiệp 166 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến 6.670 ha, riêng nuôi tôm sinh thái 8.903 ha. Bước đầu huyện xác định trọng điểm và tập trung chỉ đạo phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm sinh thái. Toàn huyện có 5 hợp tác xã và 54 tổ hợp tác về nuôi trồng thuỷ sản và đang hoạt động hiệu quả cao.
Con tôm - cây đước rõ ràng là không thể tách rời ở vùng đất này, cần nghiên cứu và có giải pháp thực hiện phù hợp để mô hình này trở thành điểm đột phá cho địa phương. Đồng thời, nhằm phát huy lợi thế sản xuất rừng - tôm kết hợp gắn với phát triển dịch vụ du lịch, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái để tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Năm 2013, được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh và Tổ chức SIDA Thuỵ Điển, huyện có 5 hộ dân tại Đất Mũi được chọn thực hiện mô hình bảo vệ môi trường gắn với du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Năm 2015, huyện tiếp tục đầu tư thêm cho 5 hộ mô hình này từ nguồn vốn khoa học - công nghệ. Trung bình mỗi ngày mỗi hộ đón tiếp 20-40 khách.
Mô hình du lịch cộng đồng ở xã Đất Mũi là hình mẫu phù hợp để Nhân dân cùng tham gia quảng bá, hưởng lợi từ du lịch. Tuy nhiên, để du lịch huyện nhà thật sự hấp dẫn du khách, địa phương cần nhanh chóng khôi phục các nghề, làng nghề truyền thống gắn với những sản vật của vùng Ngọc Hiển. Cần phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ là xây dựng hạ tầng du lịch, đa dạng hoá loại hình, dịch vụ du lịch, kết nối các điểm và sự đồng thuận của người dân trong làm du lịch.
Du lịch sinh thái rừng ngập mặn mũi Cà Mau. Ảnh: K.P |
Song song đó, kinh tế biển phải tạo được sự đột phá, có chiến lược và tạo được sự ủng hộ, niềm tin của ngư dân. Vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền phải có tàu lớn, đủ trang thiết bị, điều này những năm qua Ngọc Hiển không làm được. Do đó, hỗ trợ ngư dân là điều huyện sẽ nhanh chóng thực hiện.
Để kinh tế - xã hội Ngọc Hiển phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trong thời gian tới, toàn Đảng bộ và Nhân dân Ngọc Hiển sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, nhất trí cao trong thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong đó, vấn đề lớn nhất vẫn là xây dựng cho được những giải pháp tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội khi đường Hồ Chí Minh nối liền đến Đất Mũi
Nguyễn Trường Giang, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển