Hạn hán khắc nghiệt, vụ mùa mất trắng, nông dân ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ.
Những cánh đồng khô nứt nẻ chờ nước. Người dân oằn mình chống chọi với thiên tai. Gần 2 tháng kể từ ngày tỉnh Cà Mau công bố thiên tai cấp độ 1 đến nay, người dân vẫn còn đợi chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tính đến đầu tháng 4/2016, toàn tỉnh Cà Mau có 36 xã, phường, thị trấn bị thiệt hại lúa do hạn hán và xâm nhập mặn, với tổng diện tích bị thiệt hại trên 39.300 ha, kinh phí hỗ trợ ước tính trên 78 tỷ đồng. Trong chuyến khảo sát tình hình hạn hán vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi nhắc nhở các địa phương cần khẩn trương hơn nữa trong rà soát thiệt hại để sớm trình UBND tỉnh hỗ trợ cho dân, tạo điều kiện tốt nhất để dân tái sản xuất.
Nỗi lòng người thiệt hại
Ghé thăm nhà Phó Trưởng Ấp 12, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, đúng vào dịp đại lý vào thu tiền phân, thuốc vụ lúa vừa qua. Chỉ tay vào ruộng lúa không thể thu hoạch ở sau nhà, ông Nguyễn Minh Thành nói như than: “Có thu hoạch được lúa đâu mà trả tiền phân. Bà con ở đây ai cũng vậy hết, nhưng đã lãnh bán giùm thì phải trả, chuyến này mà gom không được tiền chắc tui "đi Bình Dương" luôn quá”.
Ông Nguyễn Minh Thành, Phó Trưởng Ấp 12, xã Khánh Lâm, phải đem hết số lúa ít ỏi đi bán để trả tiền phân cho đại lý. |
Bây giờ cụm từ "đi Bình Dương" trở thành cụm từ khá đặc biệt, có nghĩa là trốn nợ. Là xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao (gần 40%), đặc biệt với những ấp nằm trong lâm phần của xã Khánh Lâm mùa này vừa phải cùng địa phương trực phòng cháy, chữa cháy rừng vừa phải làm thuê để kiếm cái ăn hằng ngày. Ông Thành bộc bạch: “Ấp có 200 hộ thì có hơn 100 hộ nghèo rồi. Bà con ở đây chủ yếu sống nhờ vào cây lúa để chờ ngày thu hoạch cây tràm. Lấy ngắn nuôi dài, mà ngắn thiệt hại thì coi như đói”.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm Huỳnh Thanh Luol cho biết: “Xã đã làm xong thủ tục điều tra số hộ bị thiệt hại và đã chuyển về huyện chờ tiền hỗ trợ. Đời sống người dân trong khu vực lâm phần gặp nhiều khó khăn nên số tiền hỗ trợ là tất cả những gì mà họ chờ đợi để có thể mua gạo ăn hằng ngày trong lúc chờ mưa".
Ông Nguyễn Văn Thum, ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh thì không bó gối ngồi đợi tiền như nhiều nông dân khác. 30 công ruộng vụ mùa qua gia đình ông thu về chưa đầy 90 giạ lúa lem lép nên giá bán không cao. Sau khi trả tiền thuê đất, phân, thuốc, trong nhà không còn hột lúa nào để ăn. Ông quay ra chăm sóc hơn 200 con gà thịt với hy vọng kiếm cơm đợi mùa lúa năm sau. Ông Thum chia sẻ: “Hy vọng là vậy, nhưng nắng nóng quá nó có sống được đâu. Hổm rày chết gần một nửa rồi. Nước phải đi mua từng thùng, điện thì chia hơi, bà con ở đây bỏ xứ đi gần hết rồi".
Trong đợt nắng hạn vừa qua, mặc dù diện tích thiệt hại có cả lúa - tôm, lúa mùa và lúa 2 vụ nhưng dù sao đi nữa thì bà con vùng tôm cũng còn hy vọng chút đỉnh vào con tôm. Còn bà con vùng ngọt, đặc biệt là những khu vực chỉ sản xuất được 1 vụ lúa dưới tán rừng tràm thì cực kỳ khó khăn.
Tại huyện Trần Văn Thời, nơi giao thông thuỷ gần như tê liệt vì khô hạn, người dân phải chở từng bao lúa bằng xe gắn máy để đi chà gạo cầm cự đợi mưa. Trong khi đó, việc điều tra thiệt hại thì chính quyền địa phương bảo phải làm đúng quy trình cả về thời gian lẫn thủ tục. Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh cho biết: “Mặc dù tỉnh công bố thiên tai vào giữa tháng 2 nhưng đến tận ngày 26/3, Sở NN&PTNT mới có văn bản hướng dẫn về quy trình rà soát, điều tra thiệt hại. Theo quy trình này thì sau khi chốt danh sách phải niêm yết 10 ngày ở ấp và 10 ngày ở xã nên đến nay chưa thể hoàn thành được”.
Thiếu kỳ quyết
Trong cuộc họp sơ kết tình hình kinh tế - xã hội quý I, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng chống, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm mặn gây ra. Gần đây nhất, tại Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 4 vừa qua, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình lưu ý các địa phương phải xem công tác phòng, chống, khắc phục thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Hạn hán khắc nghiệt, vụ mùa mất trắng, nông dân ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại vụ mùa do nắng hạn gây nên (mặc dù thiệt hại ấy đã diễn ra gần nửa năm rồi). Liên hệ với các huyện thì chỉ nhận được câu trả lời đã xong việc lập danh sách số hộ bị thiệt hại và gửi về tỉnh. Ngành nông nghiệp tỉnh thì bảo các huyện đang điều tra thiệt hại, xong sẽ trình Sở Tài chính thẩm định rồi giải ngân. Liên hệ Sở Tài chính thì được biết tiền không thiếu nhưng Sở NN&PTNT chưa gửi danh sách qua. Cứ thế, nông dân vẫn hằng ngày thấp thỏm chờ tiền hỗ trợ như nắng hạn chờ mưa.
Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba bức xúc: “Việc hỗ trợ thiệt hại cho dân phải được triển khai sớm, vì đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, đặc biệt những hộ sống trong lâm phần. Trong chỉ đạo rà soát thiệt hại diện tích lúa do nắng hạn, UBND huyện kiên quyết chỉ đạo chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thiếu sót. Nhìn chung tiến độ điều tra rất khẩn trương. Huyện đã gửi danh sách về Sở NN&PTNT tỉnh để trình UBND tỉnh hỗ trợ”. |
Ông Đào Văn Hùng, Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, trăn trở: “Mấy hộ làm lúa - tôm thì thất lúa còn tôm, còn hộ làm lúa mùa như chúng tôi thì việc hỗ trợ thiệt hại có ý nghĩa lớn lắm. Chúng tôi chờ đó mà cầm cự đến mùa mưa, khi vụ mùa bắt đầu thì các đại lý sẽ tiếp tục cho nợ để đợi mùa lúa năm sau”.
Thiệt hại trong sản xuất, người nông dân làm lúa bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vụ mùa là tất cả hy vọng của họ. Lúa thất đồng nghĩa với thiếu đói. Nông dân bình thường thì có thể đóng cửa đi làm thuê, còn với những hộ sống trên lâm phần thì còn phải gắn với nhiệm vụ giữ rừng nên cuộc sống của họ là rất khó khăn.
Trong khi nông dân đang mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ, gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, thì các cơ quan chuyên môn tỉnh vẫn đang loay hoay bàn giải pháp, đưa ra các lý do khó khăn này nọ để lý giải cho việc chậm trễ này. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Tranh đổ: “Quy trình nhiêu khê lắm, đâu phải nói hỗ trợ là hỗ trợ được. Trước đây đã điều tra để công bố thiên tai rồi nhưng nay vẫn phải điều tra kỹ lại và phải làm thật chặt chẽ, sát với văn bản nên không thể nhanh được”.
Do phải “điều tra chặt chẽ, sát với văn bản hướng dẫn” nên các địa phương chậm trễ trong việc gửi danh sách về; nếu không có danh sách thì ngành nông nghiệp không có cơ sở để trình UBND tỉnh để Sở Tài chính giải ngân. Trong khi đó, theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh thì hỗ trợ thiệt hại cho người dân được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Vậy, có hay không việc các cơ quan được giao nhiệm vụ còn thờ ơ trước muôn vàn khó khăn của Nhân dân?!./.
Phóng sự của Huệ Như