Ở đất Khánh Hoà, huyện U Minh, đồng bào Khmer quần cư thành những xóm “Khmer nhỏ”, “Khmer lớn” từ thời khai khẩn rừng hoang. Người Khmer nơi đây có một thời là vùng trũng của cái nghèo. Phèn đắng, nước đỏ và cái cơ cực cứ đổ dồn về những xóm nghèo heo hút.
Ở đất Khánh Hoà, huyện U Minh, đồng bào Khmer quần cư thành những xóm “Khmer nhỏ”, “Khmer lớn” từ thời khai khẩn rừng hoang. Người Khmer nơi đây có một thời là vùng trũng của cái nghèo. Phèn đắng, nước đỏ và cái cơ cực cứ đổ dồn về những xóm nghèo heo hút.
Phó Bí thư Thường trực Ðảng uỷ xã Khánh Hoà Lê Văn Ðó chia sẻ: “Ðồng bào Khmer ở địa phương có nhiều đóng góp trong kháng chiến, đời sống hiện tại không ngừng vươn lên. Ðiều chúng tôi phấn khởi nhất là xã có nhiều anh em cán bộ, đảng viên Khmer trẻ, có lý tưởng, ý chí phấn đấu và năng lực công tác”.
Anh Ðó còn “khoe”, ở Văn phòng Ðảng uỷ xã có “cô em út” rất dễ thương, người Khmer, được coi là tấm gương vượt khó, có nhiều đóng góp cho công việc của cơ quan: Danh Thị Mị. Ngờ ngợ cái tên này, được giới thiệu thêm mới biết đây là đảng viên trẻ đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp huyện, cấp tỉnh và đang được đề nghị ở cấp Trung ương.
Vượt khó vươn lên
Gặp Mị, điều đầu tiên chị chia sẻ: “Tôi còn phải nỗ lực nhiều lắm, có gì đâu mà lên báo?”. Mị hồn nhiên nói về suy nghĩ của mình, lên báo là phải có thật nhiều đóng góp, thật nhiều thành tích, phải là những người ai cũng biết đến. Cô gái sinh năm 1989 ấy nhỏ nhắn, nhưng rắn rỏi, lanh lẹ.
Ước mơ làm cô giáo, hằng ngày vẫn được Mị thắp lửa bằng cách chỉ dẫn cho cháu học bài. |
Xong giờ làm ở cơ quan, ngược về thăm nhà Mị, ông Danh Xem (cha của Mị) nói về gia cảnh: “Nhà 8 đứa con, tui có 7 công ruộng, gạo đong từng lon, tụi nhỏ đi học mặc quần áo phèn, đứa lớn giữ đứa nhỏ”. Ông Danh Xem nghiệm ra một điều: “Vợ chồng tui đều ít học, nên cực cỡ nào cũng ráng cho tụi nói đến trường”.
Mị là con gái út, lúc nhỏ đi học phải lội bộ gần 4 cây số, khi lên học lớp 8 mới có chiếc xe đạp. Mị có học lực bình thường, nhưng được cái chịu khó. Ông Xem nói: “Nó không chịu bỏ học đâu, đi học đều lắm, nắng mưa cỡ nào cũng đi, bệnh cũng tới lớp”. Mị kể: “Tôi có ước mơ làm cô giáo từ nhỏ, học hết lớp 12 thì không thi đại học được, tại… nhà nghèo quá”.
Bà Lâm Thị Cẩm (mẹ ruột Mị) bộc bạch: “Nhà đông con quá, đứa nào có chí ăn học thì vợ chồng ráng lo, nhưng tới lúc Mị đi thi đại học thì "khô máu" rồi. Thấy tội nghiệp, nhưng biết làm sao”.
Ước mơ làm cô giáo không thành, Mị được các anh, chị ruột động viên làm công tác ấp. Mị hoà nhập với công tác cơ sở rất nhanh, xốc vác và không ngại khó khăn, chị thổ lộ: “Mới đầu tính làm để đỡ buồn, nhưng càng làm càng thấy công việc mình có ý nghĩa, có đóng góp, lại có điều kiện chăm sóc ba mẹ”.
Nhà Mị có 8 anh em thì 5 người tham gia công tác ở ấp và xã. Rồi cơ hội lại đến với Mị, Ðảng uỷ xã Khánh Hoà đưa chị đi học để tạo nguồn cán bộ. Mị hoàn thành lớp Trung cấp Luật và Trung cấp Hành chính.
Bà Cẩm nói về đứa con gái út của mình: “Mị ở nhà cũng phụ giúp trồng trọt, chăn nuôi, nhưng tôi và ba nó khuyên nên tập trung công tác. Xã có việc gì là nó đi cái rột liền hà. Thấy con vui, công tác tiến bộ thì nhà cũng mừng lắm”.
Hiện tại, Mị phụ trách mảng văn phòng ở Ðảng uỷ xã, kiêm Bí thư Chi đoàn cơ quan. Quá trình công tác năng nổ, tận tuỵ, Mị được đứng vào hàng ngũ của Ðảng năm 2008. Anh Ðó đánh giá: “Mị là cán bộ trung thực, có chí cầu tiến, gặp khó không ngại, luôn học hỏi để bản thân hoàn thiện hơn. Ðây là những yếu tố rất cần thiết với người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới”.
Mị nói đang học năm cuối Ðại học Luật để kiến thức vững vàng hơn, hiểu biết nhiều hơn để phục vụ công tác, cống hiến cho địa phương. Từ cô gái nhỏ ngày ngày lặn lội đến trường làng, Mị giờ đã trở thành niềm tự hào của gia đình, tấm gương vượt khó được lãnh đạo và đồng nghiệp trân trọng, đó quả là một hành trình đẹp.
Học và làm theo Bác để bản thân tốt hơn
Năm 2012, Mị là một trong các đại biểu đoàn viên của Cà Mau ra thủ đô dự Ðại hội Ðoàn toàn quốc. Mị tâm sự: “Lần đầu ra thăm thủ đô, được viếng Lăng Bác, tôi bật khóc vì quá ngỡ ngàng, xúc động”.
Với Mị, từ Khánh Hoà ra tới thủ đô, bước những bước chân chầm chậm bên Bác kính yêu là một điều không thể tưởng tượng được. “Cảm giác ấy tôi không biết miêu tả sao cho chính xác, vào Lăng Bác mọi thứ trở nên yên tĩnh, trang nghiêm, thiêng liêng, thành kính. Trong đầu tôi lúc đó, những gì đã học, đã đọc và những hình ảnh tươi đẹp nhất về Bác cứ hiện ra”.
Trở về cơ quan, hình ảnh Bác, những khoảnh khắc ở thủ đô khiến Mị tin yêu hơn công việc mình đang làm, nỗ lực hơn nữa để bản thân ngày càng tiến bộ. Với Mị, việc học và làm theo Bác bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Chị cho biết: “Ở cơ quan, tôi và đồng nghiệp cùng nhau thực hiện đúng giờ giấc, quy định, làm hết việc chớ không hết giờ. Tiết kiệm văn phòng phẩm, điện nước, thường xuyên dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh”.
Mị tập hợp anh em đoàn viên cùng nhau chăm chút cho không gian, cảnh quan cơ quan đẹp hơn, sạch hơn. Mọi phong trào, công tác chỗ nào Mị tham gia thì không khí sôi nổi, tươi mới lại được thổi bừng lên, vì vậy hiệu quả hết sức tích cực. Anh Ðó, người trực tiếp dìu dắt Mị từ những ngày đầu cũng phải ngạc nhiên vì nội lực mạnh mẽ của cô gái nhỏ: “Mị hoàn thành tốt nhiệm vụ, lại gương mẫu từ trong tác phong, hành động, lời ăn tiếng nói. Những cán bộ trẻ biết tự trọng, biết phấn đấu, sống có lý tưởng thì ở nơi đâu mà không cần”.
Danh Thị Mị là 1 trong 10 tập thể và cá nhân được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhận nhiệm vụ công tác tại xã Khánh Hoà từ năm 2011, được kết nạp Ðảng ngày 10/11/2008, chuyển Ðảng chính thức ngày 10/11/2009. Là đại biểu đoàn viên của tỉnh Cà Mau dự Ðại hội Ðại biểu toàn quốc Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ X, năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội. Ðược tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về thành tích học tập và làm theo Bác. |
Về nhà, Mị là đứa con gái “út cưng” của ông Danh Xem và bà Lâm Thị Cẩm. Mị phụ mẹ nuôi 3 con heo, 60 con gà, chăm tỉa hàng rào, cây kiểng cho ba. Chín Mị hô một tiếng, tụi cháu nhỏ ôm sổ, sách qua để “cô giáo hụt” dạy học. Mị chia sẻ: “Tôi mong đồng bào ai cũng ráng làm ăn, phấn đấu cho con cái học hành, nhà cửa sạch sẽ. Người Khmer nhiều nơi có đời sống phát triển, vậy thì ở Khánh Hoà mình cũng làm được thôi”.
Ông Danh Xem, một nông dân chính hiệu thì nói vui: “Nhà có 4 đảng viên, cán bộ rồi, cán bộ nói thì dân phải nghe thôi”. Cần kiệm, tích cực lao động, gia đình Mị giờ trở thành hình mẫu để bà con Khmer Khánh Hoà học hỏi.
Mị còn cho biết thêm: “Tôi còn mấy người anh ruột công tác, có anh làm công an viên xã, nhưng hễ ở đâu kêu làm mướn cũng đi. Ảnh nói, công việc kiếm tiền chân chính thì làm, cán bộ cũng phải đi làm để lo cho cuộc sống, miễn là hoàn thành công việc Nhà nước”.
Anh em bảo ban, cùng nhau góp sức cho địa phương, Mị thêm động lực để tiếp tục ước mơ bình dị, “góp một phần sức lực của mình vào sự phát triển của xã nói chung, của đồng bào Khmer Khánh Hoà nói riêng”. Trước nhà, ông Danh Xem có tỉa hàng rào bằng cây râm bụt, trồng mấy luống hoa trổ màu rực rỡ. Nhưng có lẽ với ông, cô con gái Út Mị mới là đoá hoa đẹp nhất - một màu hoa lạ ở đất xã Khánh Hoà
Bài và ảnh: Phạm Nguyên