Trong buổi “Trao đổi nghiệp vụ về Di sản Văn hoá và Kiến thức ngoại giao” tại Trung tâm Ngoại ngữ Bộ Ngoại giao CEFALT, Quận 3, TP Hồ Chí Minh, vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Hoạ sĩ Ca Lê Thắng được mời với vai trò giới thiệu tranh, giao lưu và tương tác với khách mời.
Tại đây, ông cho biết bản thân theo tiêu chí định hình một giá trị vừa mang dấu ấn riêng về ngôn ngữ hội hoạ, vừa biểu hiện chân thực trong văn hoá và đời sống tinh thần cá nhân, phải trải qua một chặng đường rất dài mới có được như ngày nay.
Cũng như mãi đến năm 2021, khi đã 72 tuổi, ông mới có triển lãm cá nhân đầu tiên, tại Hà Nội với tác phẩm “Mùa nước nổi”, chọn lọc trong 10 năm sáng tác.
Hoạ sĩ Ca Lê Thắng bộc bạch: “Có được "Mùa nước nổi" là cả quá trình tìm tòi, nghiên cứu, đi suốt, chứ không phải ngồi suy tưởng được, vì tôi là người gốc Bến Tre và sinh ra ở Ðồng Tháp. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, buổi tối cùng ba mẹ nằm ngủ ở trên giường, sáng hôm sau khua tay một cái là nước lên mấp mé giường rồi. Thế nên, sau ngày giải phóng, điều trước tiên là mình phải đi thực tế về Ðồng Tháp, xem thực tế mùa nước nổi như thế nào. Qua chuyến đi, tất cả những ấn tượng, cảm xúc của tuổi thơ ùa về... Tôi phải thử nghiệm nhiều chất liệu về “Mùa nước nổi” để thể hiện biển nước, nước tràn qua bờ bao vào ruộng, các con kênh... Tôi tạo ra không gian bằng cách biểu hiện và trừu tượng hoá. Tôi yêu mùa nước nổi như một ký ức, chứ không phải tả thực nó".
Các tác phẩm được ông sáng tác trước và sau cùng mang tên chung là "Mùa nước nổi", vẫn là không gian khai thác cấu trúc bề mặt các tổ hợp nét, tạo bởi chất đắp và các mảng màu loang nhoè lớn, có những lớp màu dày, lớp mỏng, đặc có, loãng có... bám vào trong tranh theo từng bố cục. Chuyển động của màu là nét đặc biệt trong loạt tranh của ông. Người thưởng thức tranh của ông cảm nhận rằng, những vần vũ của nét, mảng màu như nhịp của tâm linh giao cảm, vừa rất gần gũi, vừa không thể nắm bắt, níu giữ...
Mỗi bức tranh của Hoạ sĩ Ca Lê Thắng sáng tác không đặc tả hay tập trung chi tiết một cảnh sắc nào, nhưng người xem vẫn cảm được như có tiếng sóng hiền hoà trong từng nét vẽ, mang đến cảm giác chao đảo, hoặc lâng lâng, bàng bạc qua mỗi tác phẩm. Cái tài của hoạ sĩ ẩn mà hiện, hiện mà ẩn là thế. Nghệ thuật của ông mang những giá trị sâu sắc của một người qua ngưỡng "cổ lai hy" giàu có về văn hoá, tri thức, tài năng và nhân cách.
Hoạ sĩ Ca Lê Thắng |
Hoạ sĩ Ca Lê Thắng sinh năm 1949, tại Bến Tre. Ông theo gia đình tập kết ra Bắc (năm 1955), lớn lên theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, ông làm giảng viên tại Trường Ðại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Gia đình có truyền thống hoạt động văn hoá nghệ thuật, ông cùng vợ là Ðiêu khắc gia Phan Gia Hương vừa sáng tác vừa làm công tác quản lý tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông nguyên là Phó tổng thư ký Thường trực Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Ông từng nhận nhiều tặng thưởng của Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Hội Mỹ thuật Việt Nam và có tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cũng như nhiều bộ sưu tập cá nhân.
Tác phẩm “Mùa nước nổi” của Hoạ sĩ Ca Lê Thắng.
Vũ Trân