ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 10-11-24 06:35:34
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hoạ sĩ Hoàng Giai - Một đời cho sân khấu

Báo Cà Mau (CMO) “Sau này ba mất rồi, con phải giữ lại bó cọ mòn vì đó là gia tài cả cuộc đời nghệ thuật của ba. Mấy chục năm theo sân khấu mà không thể giữ lại được một tác phẩm nào của riêng mình, thôi thì những cây cọ mòn này sẽ là niềm an ủi vì đã lưu biết bao nhiêu vở diễn cải lương trên sân khấu...”, Hoạ sĩ Hoàng Giai cười hiền. Ở tuổi 84, chuyện đến, đi đối với ông nhẹ tênh, bởi vậy trong câu dặn dò dành cho người con gái lớn cũng gói trọn sự giản dị, an nhiên.

Cánh chim phong trần

Câu chuyện cánh chim phong trần được chắp lại lùi xa hơn 60 năm trước. Vào lối năm 1957, khi Đoàn Cải lương Kim Thanh của các nghệ sĩ tài danh: Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thuý Nga... tan rã, danh ca Thanh Tao đứng ra thành lập đoàn hát mang tên mình. Trước đó không lâu, có chàng thanh niên Hoàng Giai từ quê nhà Mỹ Tho, Tiền Giang lên Sài Gòn học vẽ rồi tập tễnh bước đầu vẽ sân khấu cho đoàn hát này.

Giai đoạn ấy, chỉ hoạ sĩ sân khấu có tiếng mới được mời thường trực một đoàn. Điều này vừa là thử thách, vừa là cơ hội để bước chân trẻ thoả sức trải nghiệm rồi dần khẳng định tài năng qua các đoàn hát, như Hữu Chí, Hữu Tâm cùng nhiều đoàn hát nhỏ. Rồi không lâu sau đó đã nhanh chóng tạo được tên tuổi và trở thành hoạ sĩ thường trực cho những đại bang, như Thanh Tao, Thanh Hương - Hùng Minh.

Những năm đầu thập niên 70, tình cảnh đất nước còn loạn lạc, ông về Long Xuyên mở nhà vẽ chuyên vẽ bảng hiệu, quảng cáo bằng tay rất đẹp. Tuyệt nhiên không ai biết chủ nhân của nhà vẽ từng là hoạ sĩ sân khấu. Cứ tưởng rằng từ đây đành xa ánh hào quang, nhưng rồi, “Sau ngày tiếp thu, tự nhiên tôi nhận được lá thơ của 2 đứa em kết nghĩa, là kép Trọng Sỹ và Hoàng Á, từ Minh Hải gửi lên Long Xuyên. Lá thư có nội dung: “Anh Giai ơi, tụi em đang bệnh nặng, nhờ anh xuống hốt giùm vài thang thuốc”, rồi sai đệ tử rước mình xuống liền. Tới nơi mới bật ngửa, hoá ra 2 đứa lập gánh hát, muốn mời mình phụ vẽ cảnh trí sân khấu mà không dám nói. Thôi thì giúp các em vậy...”, Hoạ sĩ Hoàng Giai nở nụ cười hào sảng nhớ lại.

Đoàn hát dần phất lên, Nghệ sĩ Ngọc Bê, phụ trách Đoàn Hương Dạ Thảo - Phương Bình ngỏ ý mời về đoàn cùng lời hứa giao sân khấu này để nét cọ thăng hoa. Ông chỉ lắc đầu hiền khô với lý do thích đời nghệ sĩ rày đó mai đây. Ai có dè, vì quá thương anh mà Nghệ sĩ Trọng Sỹ đã lén bỏ ngỏ với Phòng Văn nghệ tỉnh Minh Hải: “Có hoạ sĩ chuyên vẽ cảnh trí sân khấu giỏi lắm”.

Vậy là không lâu sau đó, có một lời chân tình gửi đến Hoạ sĩ Hoàng Giai, hy vọng ông về góp sức cho sân khấu cải lương Hương Tràm. Thấy tổ chức đoàn hát Nhà nước nền nếp, ông suy nghĩ đắn đo rồi quyết định đưa cả gia đình nhỏ về đây để yên tâm cống hiến. Chồng làm hoạ sĩ, vợ phụ trách hành chính, con gái lớn có năng khiếu cũng tập tành vẽ sân khấu với cha. Mảnh đất hiền hoà nghiễm nhiên trở thành bến hẹn...

Vợ chồng Hoạ sĩ Hoàng Giai đồng hành bền bỉ trong nghệ thuật và cuộc đời.

Bến hẹn Hương Tràm

Nghệ sĩ Việt Tiên cứ ngồi đó kể những kỷ niệm của ngày xa. Gần 30 năm, bà mới có dịp hội ngộ người hoạ sĩ mà mình kính trọng. Bởi không chỉ tài danh trong nghệ thuật mà ngay từ buổi đầu ông còn là người chú, người anh chuẩn mực, đạo đức, luôn quan tâm, dạy dỗ những bài học quý cho anh em đồng nghiệp khi về lại cuộc sống đời thường.

Chính Hoạ sĩ Hoàng Giai đã đem cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật từ Sài Gòn về như tiếp thêm làn gió mới cho sân khấu Hương Tràm còn mộc mạc buổi ban đầu. Những nét vẽ rất sống động, rất thật đã tôn thêm nét uyển chuyển cho một tác phẩm nghệ thuật dưới ánh đèn màu.

“Mỗi vở sắp sửa ra đời sẽ thấy sự lao động cần mẫn, tâm huyết của chú Năm. Cảnh trí, tranh sơn thuỷ được vẽ bằng bột màu, a-dao lên vải, rồi từng cảnh được đóng khung kỹ lưỡng, mất khoảng 20 ngày. Có những vở đang vẽ, bạn bè đồng nghiệp rủ nhậu chú không chịu, vậy là họ mua rượu, mua mồi tới tận chỗ. Chú vẽ một cái, bắt uống một cái mới được. Để rồi tới khi ra diễn, mở màn lên thấy tranh sơn thuỷ, cảnh trí là khán giả lại ồ lên thích thú. Chuyện kể rằng, có lần khi diễn vở cải lương “Giọt máu oan cừu” (Soạn giả Trọng Nguyễn), một khán giả lớn tuổi ngồi ở dưới rồi xem chăm chú, sau đó đi lên sân khấu đưa tay vào tấm tranh rồi giật mình: “Uả vẽ hả, sao nhìn giống hồ sen thật quá!”. Nói vậy để hình dung cái tài của Hoàng Giai đến cỡ nào...”, Nghệ sĩ Việt Tiên khẽ tìm về dòng nhớ.

Cuộc hội ngộ sau gần 30 năm của Nghệ sĩ Việt Tiên và Hoạ sĩ tài danh Hoàng Giai.

Thoáng quay sang người đối diện, ông nhắc về người bạn thân thiết là Đạo diễn, NSƯT Huỳnh Hảnh với tất cả sự trân trọng. Bởi trong suốt thời gian bạn mình đảm nhiệm vai trò trưởng đoàn, hầu hết những ý kiến, đề xuất nào do ông đưa ra đều được tin tưởng, tạo điều kiện tối đa. Đôi bạn tương hợp, một người vừa lãnh đạo, vừa chăm chút dàn dựng, một người thăng hoa hết sức trong việc vẽ sơn thuỷ, cảnh trí đã đưa Hương Tràm khởi sắc qua từng ngày.

Rồi cuối năm 1977, Đoàn Cải lương Hương Tràm có chuyến lưu diễn với đơn vị kết nghĩa Hà Nam Ninh. Đây là chuyến lưu diễn Bắc tiến đầu tiên sau ngày giải phóng, ai cũng hào hứng. Ông chợt nghĩ, tại sao mình không làm một cái gì đó nổi bật dành cho đoàn nghệ thuật cuối trời. Vậy là lô gô đầu tiên của Đoàn Cải lương Hương Tràm ra đời, lực lượng hùng hậu mỗi người đeo 1 cái lên áo, góp thêm sự tự hào, tự tôn rồi chiếm trọn sự ái mộ của khán giả.

Chuyến đi đầy kỷ niệm kéo dài gần 4 tháng, thành công rực rỡ. Ngoài tài ca hay, diễn giỏi, khán giả còn mê say sau mỗi cảnh trí phô diễn sau bức màn nhung.

Từ tay vẽ của Hoạ sĩ Hoàng Giai, vở nào cũng đạt giá trị nghệ thuật cao, từ “Giọt máu oan cừu”, “Nhớ mùa trăng xưa”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Hoàng hậu Ba Tư”, “Trước bình minh”... Dù là tuồng xã hội hay hương xa, kiếm hiệp, thể loại nào cũng tạo cho những nét cọ thăng hoa rất lạ. Trước khi vẽ, ông dành thời gian nghiền ngẫm kịch bản, nghiên cứu văn hoá, bối cảnh lịch sử... từ đó hình dung đường nét, sắp xếp cảnh trí, phối hợp với đèn sao cho “quyện” nhất. Một điều lợi thế nữa khi bên ông có Nghệ nhân Chín Xiển (phụ trách ánh sáng) là bạn đồng hành với nhau từ nhỏ, nên khi về chung sân khấu này lại tiếp tục hoà hợp, nâng cao giá trị vở diễn.

Câu chuyện ngày tạn mặt cứ lưu luyến hoài khung trời đẹp - thuở Hương Tràm vàng son. Trên sân khấu đó có sự "quăng bắt ăn rơ" giữa nhiều yếu tố: dàn diễn viên ca diễn xuất sắc; đạo diễn tâm huyết; cảnh trí, ánh sáng rực rỡ; dàn nhạc cổ, nhạc tân hùng hậu; khán giả cổ vũ nồng nhiệt...

“Nghề sân khấu đẹp lắm và Tổ nghiệp cũng thiêng liêng lắm. Khi đã bước vào nghề thì phải có đạo đức, ai có tâm huyết làm nghề, tin tưởng Tổ nghiệp, đối xử tốt đẹp với đồng nghiệp và công chúng đều sẽ được đáp đền. Ngược lại, chứng tỏ ta đây giỏi, đứng trên mọi người sẽ không bao giờ bền...”, Hoạ sĩ Hoàng Giai từ tốn bên ly trà bốc khói.

Nhiều năm về lại TP Hồ Chí Minh sinh sống cùng gia đình, ngày trở lại Cà Mau, nỗi nhớ niềm thương đối với sân khấu Hương Tràm và các đồng nghiệp một thời cứ chảy tràn. Ở tuổi 84, nét cọ đời - nghề được vẽ lại chậm rãi đầy nâng niu. Những năm tháng về chiều, Hoạ sĩ Hoàng Giai cùng vợ tìm sự bình yên bên gia đình, con cháu và Phật pháp. Sau khi về hưu, nét cọ tài hoa vẫn cần mẫn góp bố cục, gam màu ở những ngôi chùa nghèo, với ông đó là cách để trả ơn đời, ơn nghề thiêng liêng.

Nắng đổ bên song cửa. Lời chia tay cứ nghèn nghẹn. Ai biết đời còn bao nhiêu cuộc hội ngộ đẹp như vầy. Tấm ảnh kỷ niệm chụp vội cứ cười hiền như nét cọ một đời chắt chiu...


Hoạ sĩ Hoàng Giai tên thật là Nguyễn Thanh Tòng, sinh năm 1939, tại Tiền Giang. Hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật, nét cọ tài hoa của Hoạ sĩ Hoàng Giai đã trải qua nhiều sân khấu cải lương lớn tại Sài Gòn như Hoa Sen, Kim Chưởng, Thanh Hương - Hùng Minh... Đặc biệt, ông đã có rất nhiều đóng góp cho sân khấu Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau) sau năm 1975.

Năm 1985, ông xuất sắc đoạt Huy chương Vàng lĩnh vực mỹ thuật tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc với vở cải lương “Trước bình minh”.

Năm 1993 ông chính thức về hưu. Với nhiều cống hiến bền bỉ, ông vinh dự nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.


 

Minh Hoàng Phúc

 

Vợ chồng anh Duyên - Có duyên với Bonsai

Mặc dù tiếp cận với thú chơi bonsai chuyên nghiệp chưa đầy 4 năm, thế nhưng vợ chồng anh Phan Văn Duyên và chị Phan Ngọc Thuỳ (hội viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh) đã sở hữu một nhà vườn đồ sộ, với số lượng lên đến ngàn cây, trong đó có nhiều cây đã thành phẩm. Ðây là thành quả khiến nhiều người đam mê thú chơi này ao ước.

“Hào quang và bóng tối”

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 là sân chơi chuyên nghiệp dành cho các nghệ sĩ cải lương, diễn ra từ ngày 25/10-15/11 tại Trung tâm Văn hoá TP Cần Thơ. Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 30 đơn vị/đoàn nghệ thuật, với 34 vở diễn. Ðoàn Cải lương Hương Tràm của tỉnh Cà Mau tham gia Liên hoan với vở cải lương “Hào quang và bóng tối”; tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Ðăng Chương; chuyển thể cải lương: tác giả Hoàng Song Việt; đạo diễn dàn dựng: NSND Trần Ngọc Giàu...

Vẻ đẹp cảm xúc

Đến với nhiếp ảnh rất muộn ở tuổi xế chiều và luôn coi mình là “nghiệp dư”, tuy nhiên, Nhiếp ảnh gia Minh Hải (Nguyễn Thị Minh Hải) được đánh giá cao. Chị gặt hái nhiều thành công với mảng ảnh về động vật hoang dã, ngoài ra còn có ảnh về di sản, di tích, làng nghề, phong cảnh làng quê ở khắp nơi.

NSƯT Tú Sương: "Con nhà nòi càng không được sơ suất"

Là đời thứ 5 của gia tộc cải lương Bầu Thắng - Minh Tơ, NSƯT Tú Sương được sự dạy dỗ nghiêm khắc từ gia đình mới thành danh như hiện nay. Ðối với chị, đó là quá trình gian khổ để tích luỹ và thăng hoa.

Thong dong dạo chơi

Trước đây, chị Hoàng Thu Hương công tác tại Phòng Hậu cần, Công an TP Hồ Chí Minh, sau khi nghỉ hưu, chị tìm đến nhiếp ảnh và coi đó như một đam mê, vừa được du lịch, vừa ghi lại cảnh đẹp của đất nước, con người.

Bình dị mái lá

Miền Tây nói chung, Cà Mau nói riêng, là vùng đất có sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Từ thời xa xưa, xứ Cà Mau rất hoang vu, các bậc tiền nhân ra sức khai hoang xây làng, lập xóm. Họ đã dùng lá dừa nước để làm nguyên liệu cất nhà và nhà lá đã trở thành một kiểu nhà phổ biến nhất ở Cà Mau.

Rạng ngời sức trẻ

Từ chỗ chụp ảnh để phục vụ công việc, tình yêu dành cho nhiếp ảnh được anh vun bồi cứ lớn dần, trở thành động lực trong cuộc sống. Tham gia hoạt động Ðoàn vào năm 2011, Lê Tấn Phát thường ghi lại nhiều hình ảnh bằng điện thoại, nhằm kịp thời đăng tải, tuyên truyền về các phong trào của Ðoàn.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hồng: Cung đờn nâng giấc mơ đời

Mảnh đất Cà Mau có không ít thầy đờn cổ nhạc giỏi với ngón đờn trác tuyệt, nhưng nếu nói tới tiếng đờn Vi-ô-lông thì khách mộ điệu sẽ nhớ ngay đến Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Thanh Hồng - nghệ nhân hiếm hoi “chuyên” về nhạc cụ này và vang danh ở cả hai lĩnh vực: quần chúng lẫn chuyên nghiệp.

Thêm góc nhìn về đồng bằng sông Cửu Long

Liên hoan Ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) lần thứ 39 năm 2024 vừa được tổ chức khai mạc triển lãm vào ngày 30/9 tại tỉnh Vĩnh Long, đây là hoạt động do Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh trong khu vực luân phiên đảm nhiệm, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam bảo trợ về mặt chuyên môn. Ban Tổ chức đã nhận được 1.851 tác phẩm, trong đó có 971 ảnh màu và 880 ảnh đen trắng, của 252 tác giả trong khu vực gửi tham gia.

Phù sa thao thức, gửi lại thương nhớ dòng sông

Tình cờ đọc được tập thơ Ðánh thức Sông Hồng, của tác giả Huỳnh Thuý Kiều, do Nhà xuất bản Văn học vừa ra mắt. Trong cái chiều Cà Mau mưa nặng hạt, nghe trong gió còn vọng tiếng buồn hậu cơn bão số 3, những vần thơ của Huỳnh Thuý Kiều như đưa người đọc vào hành trình cảm xúc tinh tế, đầy trăn trở về tình yêu quê hương, con người và cả những suy tư sâu lắng về dòng chảy thời gian.