ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 17-9-24 02:50:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Học nghề để thoát nghèo bền vững

Báo Cà Mau (CMO) Vấn đề đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động luôn là nội dung mang tính thời sự nóng bỏng, nhất là khi mà ảnh hưởng của thiên tai ngày càng nặng nề, xuyên suốt cả năm, đặc biệt khi tác động toàn diện trên mọi lĩnh vực của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với những người yếu thế trong xã hội, nguy cơ tăng tỷ lệ hộ nghèo, tác động đến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có tiến trình xây dựng nông thôn mới…

Theo số liệu thống kê năm 2020, toàn tỉnh có lực lượng trong độ tuổi lao động 681.773 người, trong đó số lao động tham gia làm việc trong mọi thành phần kinh tế 669.672 người, chiếm 98,2%, còn lại là tỷ lệ thất nghiệp 2,27%, tăng 0,1% so với năm 2019. Trong khi đó, bình quân hàng năm lao động vào độ tuổi lao động tăng từ 15.000-16.000 người.

Năm 2021, tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, cùng với 100.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và làm nghề tự do phải tạm ngưng việc do giãn cách xã hội thì cũng có đến khoảng 6.500 lao động tại các doanh nghiệp lớn trong tỉnh mất việc làm do doanh nghiệp giảm công suất sản xuất, chuyển sang theo hình thức “3 tại chỗ”.

Ðào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, nhất là khai thác hiệu quả giá trị gia tăng của lợi thế sản phẩm, không những giải bài toán đầu ra cho nông sản, qua đó còn góp phần xây dựng nông thôn mới, quê hương giàu đẹp…

Thêm vào đó, 54.879 người từ các tỉnh hồi hương tránh dịch cũng đã tạo áp lực rất lớn đến lao động, việc làm, an sinh xã hội tại địa phương. Lao động trong và ngoài tỉnh thất nghiệp tăng nhanh do đại dịch, trong khi đó đào tạo nghề cho lao động năm nay giảm đến 62,8%, giải quyết việc làm giảm 31,6% so cùng kỳ.

Dưới góc nhìn của người đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, cho biết, để làm tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, trước hết phải nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo, cần quan tâm nâng cao chất lượng đầu vào của người học nghề; thực hiện có hiệu quả quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp (người sử dụng lao động); cần hiện thực hoá chính sách Nhà nước về phát triển nghề nghiệp, đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp cần được ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực.

Theo Tiến sĩ Nhung, hiện 3 vấn đề nêu trên đều gặp nhiều khó khăn. Muốn nâng cao chất lượng đầu vào thì trước tiên phải làm tốt công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, vấn đề này đã, đang là cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường THPT, đại học, mà phần đuối sức luôn nghiên về cơ sở giáo dục nghề nghiệp vì tâm lý chung của phụ huynh và học sinh là muốn bản thân, con em mình làm thầy, không chịu làm thợ.

 Ðối với vấn đề thứ 2, hiện chỉ mới dừng lại ở nội dung thực tập tốt nghiệp cho người học, còn nhiều nội dung hợp tác quan trọng với doanh nghiệp, như xây dựng chương trình đào tạo và tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo, đào tạo theo đơn đặc hàng còn rất hạn chế. Hiện, đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp ở địa phương còn ở mức thấp, kinh phí phục vụ cho hoạt động đào tạo nghề không đáp ứng yêu cầu trong hoạt động dạy và học, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật và y tế. Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau còn thực hành trên những thiết bị cũ kỹ, như xe ô-tô thực hành được tận dụng từ nguồn hết hạn sử dụng tại các cơ quan Nhà nước…

Theo Tiến sĩ Nhung, cần tập trung vào khai thác các lợi thế về lao động, nguyên liệu và tay nghề, những nghề có tính truyền thống ở địa phương, như nuôi và chế biến thuỷ sản để tạo công ăn, việc làm cho các hộ gia đình. Ðẩy mạnh phát triển kinh tế hộ ở nông thôn trong tất cả các lĩnh vực, ngành hoạt động mà kinh tế hộ có thể tham gia. Khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Vai trò HTX cần được phát huy, thực hiện tốt vai trò liên kết, cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng thể hiện qua việc thu mua nông sản đảm bảo quyền lợi của xã viên và người lao động.

"Ðẩy mạnh liên kết nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo nghề, đây là giải pháp có tính xã hội hoá nhằm hướng vào những lao động mà doanh nghiệp ở vùng nông thôn có nhu cầu đào tạo lao động cho mình và cho những người khác. Sự liên kết này sẽ thúc đẩy hình thành mạng lưới, các điểm đào tạo nghề theo hướng chính quy và đảm bảo đầu ra cho công tác đào tạo", Tiến sĩ Nhung cho biết thêm.

Lưu ý các sở, ngành liên quan, các cấp chính quyền cơ sở trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, nhấn mạnh, cần có nguồn lực rất lớn từ Nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội. Xác định đào tạo nghề hiện nay là lĩnh vực rất quan trọng, cơ sở để tạo ra lao động có tay nghề, từ đó cung cấp cho thị trường lao động. Ðiều này thể hiện rõ quan điểm “trao cần câu và chỉ cách câu cá chứ không trao con cá”.

Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau khẳng định, đã qua lao động qua đào tạo chưa được nhiều, các doanh nghiệp cần thì không thể đáp ứng được. Từ đó, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau cần có tính toán, đề xuất đề án trình UBND tỉnh đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nghề, đặc biệt cho trường cao đẳng nghề của tỉnh. Xác định trường nghề của tỉnh đã được đầu tư bước đầu, tuy nhiên, cũng còn rất nhiều khó khăn, nhất là thiết bị thực hành, trong khi đó học nghề, dạy nghề là để tìm việc làm nên việc thực hành rất quan trọng, cần phải được đầu tư thoả đáng.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, năm 2022 sẽ tiến tới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới với mức chuẩn nghèo cao hơn gấp 2 lần so với hiện tại, từ 700.000 đồng/người/tháng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và từ 900.000 đồng người/tháng lên 2 triệu đồng/người/tháng ở thành thị, khả năng hộ nghèo, tái nghèo sẽ tăng trở lại. Sau rà soát sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện còn 1,24% (không bao gồm hộ thuộc diện bảo trợ xã hội) với trên 9.300 hộ cần có giải pháp giảm nghèo theo địa chỉ. Thực tế này cho thấy, việc đào tạo và giải quyết lao động không những giải quyết căn cơ cái nghèo trước mắt mà phải mang tính lâu dài./.

 

Trần Nguyên

 

Kịp thời hỗ trợ tân sinh viên

Thời điểm giữa cuối tháng 8 và đầu tháng 9 là giai đoạn tân sinh viên đến nhập học tại Phân hiệu Trường Ðại học Bình Dương tại Cà Mau (Phân hiệu). Trước nhu cầu tìm phòng trọ của sinh viên tăng cao, nhiều giải pháp hỗ trợ đã được nhà trường triển khai, giúp các bạn nhanh chóng tìm được nơi ở ổn định, phù hợp.

Nuôi heo đất mua BHXH

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Năm Căn, thực hiện nhiều mô hình giúp chị em hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Gần đây nhất là mô hình "Nuôi heo đất tiết kiệm mua bảo hiểm xã hội" (BHXH). Tuy mô hình mới được thành lập nhưng cho thấy hiệu quả rõ rệt, thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo hội viên.

Ấm áp bữa cơm công đoàn

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam, các cấp công đoàn trên cả nước đã đồng loạt tổ chức các bữa cơm công đoàn, đặc biệt tập trung tại các công đoàn cơ sở (CÐCS) của các doanh nghiệp (DN) có đông người lao động (NLÐ). Qua đó, giúp đoàn viên, NLÐ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài và cống hiến cho sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, DN.

Đảm bảo quyền lợi và các chế độ bảo hiểm cho người lao động

100% NLĐ khi vào làm việc tại công ty đều được ký hợp đồng lao động và đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Nợ bảo hiểm - Cần chế tài đủ mạnh

Ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, cho biết, toàn tỉnh có 864 doanh nghiệp (DN) chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với số tiền 162,692 tỷ đồng (lãi 46,467 tỷ đồng), gây tác động đến 16.302 người lao động (NLÐ).

Tập huấn năng lực nhà giáo phải sát nhu cầu thực tiễn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gần đây liên tục tổ chức những buổi hội giảng, tập huấn cho các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nhằm bắt kịp xu hướng đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp. 

Y tế tư nhân nâng chất lượng khám chữa bệnh BHYT

Những năm qua, bảo hiểm y tế (BHYT) đã trở thành chính sách an sinh quan trọng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hiện nay, trên 90% dân số tại tỉnh đã tham gia BHYT, đồng nghĩa với việc nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng cao. Theo đó, nhiều cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT tư nhân ra đời, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ðào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm

Trong năm 2024, mục tiêu được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đặt ra là thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.

Đào tạo nghề phù hợp đối tượng

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện Cái Nước đã tập trung nhiều giải pháp phù hợp thực tế địa phương. Đặc biệt, với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng đào tạo nghề, truyền nghề nông thôn cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, để từ đó giúp họ có cơ hội phát triển kinh tế ổn định.

Giúp đồng bào tôn giáo hiểu và tham gia chính sách an sinh

Tại Toà thánh Ngọc Sắc, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, các vị chức sắc, chức việc vừa được tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình. Hoạt động này nằm trong chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, giai đoạn 2024-2025 giữa 2 đơn vị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) tỉnh và BHXH tỉnh.