ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:44:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hồi sinh những trái tim

Báo Cà Mau (CMO) Đầu tháng 5/2017, lần đầu tiên tỉnh Cà Mau được đoàn bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch thuộc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đến khám tầm soát bệnh tim cho trẻ em nghèo. Đến cuối năm 2017, 12 ca bệnh tim nặng của đợt tầm soát (trong đó có 3 ca người lớn) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tài trợ mổ miễn phí với tổng chi phí lên đến hơn 800 triệu đồng.

"Có nằm mơ, tôi cũng không dám nghĩ mình được mổ tim" 

Lần theo danh sách bệnh nhân được mổ tim của đợt tầm soát, tôi đến thăm cháu Phạm Võ Bảo Kim (5 tuổi). Đây là ca phẫu thuật có chi phí tương đối thấp so với các ca còn lại (chỉ hơn 28 triệu đồng); lại ở tận xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (không thuộc địa bàn Cà Mau).

Trên đường đi, lòng cứ thắc mắc, gia đình không thuộc diện nghèo, cha mẹ trong tuổi lao động mà chỉ vài chục triệu đồng không lo nổi để điều trị cho con? Đây cũng là lý do tôi muốn tìm đến tận nơi.

Căn nhà cấp 4 đã nhuốm màu thời gian. Và bên trong căn nhà ấy, câu chuyện bệnh tật cứ làm xốn xang lòng.

Bà Phạm Thị Chung (55 tuổi, bà nội bé Bảo Kim) thở dài: “Gia đình hoàn cảnh ngặt nghèo lắm”.

Quả là ngặt nghèo, nhà 6 người thì có 3 người bệnh. Ông Phạm Văn Thu (56 tuổi, ông nội Bảo Kim) bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Bé Phạm Võ Khánh Phồn (anh trai Bảo Kim), 7 tuổi nhưng thân hình nhỏ thó, đeo cặp kính dày cộm vì bị cận và loạn thị nặng. Dù đã bắn tia laser, nhưng mỗi năm bé phải lên Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh kiểm tra thay kính định kỳ đến mấy lần, chi phí cả chục triệu đồng. Chưa kể, do là trẻ sinh non nên Phồn cứ đau ốm triền miên. Còn Bảo Kim thì bị bệnh tim bẩm sinh nên sức khoẻ cũng vào hàng quặt quẹo.

Anh Phạm Chí Ngoan, cha các bé, hằng ngày ngoài làm mấy công vuông của gia đình, phải tranh thủ đi sên đất mướn kiếm tiền lo trang trải chi phí. Nhưng đồng tiền kiếm được như muối bỏ biển, mỗi lần con bệnh, cháu Phồn đi tái khám định kỳ, ông Thu đi điều trị, gia đình phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền lo chi phí. Nợ nần chồng chất nợ nần, nên mặc dù Bảo Kim thường than mệt và đau tức ngực, thương đứt ruột mà gia đình không dám nghĩ đến chuyện đi trị tim cho bé.

Hơn nửa năm trước, khi đến Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau khám bệnh cho Bảo Kim (vì tiện đường hơn đi bệnh viện huyện), nghe nói có đoàn bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh xuống tầm soát tim miễn phí cho trẻ em, chị Võ Thuý Hằng, mẹ Bảo Kim, đưa con tới khám. Con chị lọt vào danh sách bệnh nặng cần điều trị.

“Lúc đó, nghe chú Ba Sanh ở Cà Mau kêu làm hồ sơ để được mổ tim miễn phí, tôi mừng rớt nước mắt. Và mấy tháng sau, Bảo Kim được gọi lên phẫu thuật. Nhờ các bác sĩ thương tình chiếu cố hoàn cảnh, vận động tài trợ mà con tôi được điều trị không tốn tiền. Nếu không, trong hoàn cảnh này không biết đến khi nào gia đình mới có tiền để trị tim cho cháu”, chị Hằng xúc động chia sẻ.

Nhờ được Khoa Phẫu thuật tim mạch vận động tài trợ nên bé Phạm Võ Bảo Kim (giữa) được phẫu thuật tim miễn phí.

Ngược xuống huyện Cái Nước, tôi ghé thăm bệnh nhân Ngô Thị Máy (42 tuổi), ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú. Chị Máy được mổ tim vào giữa tháng 8/2017. Hiện nay, sức khoẻ khá tốt. Từ 28 ký, giờ chị lên được thêm 3 ký. Đây cũng là trường hợp ngặt nghèo. Chị Máy sống với người cha. Mấy năm nay ông bị tai biến nằm liệt giường. Vừa chống chọi với bệnh tật, chị vừa phải chăm sóc cha già. Nhà không đất sản xuất, hai cha con chị sống nhờ vào tiền trợ cấp thương binh của cha nên cuộc sống hết sức chật vật. Dù bệnh tim phát triển ngày càng nặng, chị cũng không mong gì đến việc chữa trị.

Bà Ngô Thị Rỉ, chị của chị Máy, cho biết: “Gần đây, sức khoẻ em tôi kém lắm. Chị em ai cũng nghèo nên dù thương, chúng tôi cũng đành bất lực trước bệnh tình của em”. Bà Rỉ cũng cho biết, trước khi mổ tim, chị Máy bị bệnh nằm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, sức khoẻ suy kiệt đến không có mạch để rút máu thử. “Không được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch vận động tài trợ mổ tim kịp thời, giờ này không biết mạng sống em tôi ra sao?!”, bà Rỉ nghẹn ngào chia sẻ.

Còn chị Máy thì bùi ngùi: “Nhiều đêm giật mình tỉnh giấc, tôi vẫn không tin là mình đã được mổ tim. Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình được mổ tim miễn phí...”.

Góp lửa yêu thương

Ông Quách Vĩnh Sanh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường 8, TP. Cà Mau, chính là người làm cầu nối, liên hệ mượn chỗ, máy móc, gửi thông báo, tạo điều kiện cho đoàn thuận lợi trong khám tầm soát bệnh tim tại Cà Mau. Ông cũng là người tất tả lo hồ sơ theo yêu cầu bệnh viện để các bệnh nhân được mổ tim miễn phí.

“Đầu cầu” trên có bà Hồ Thị Xuân Mai, Chi hội trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tâm Hoà, thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh. Chính bà chủ động tổ chức để các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch đến Cà Mau tầm soát bệnh. Và bà đã liên hệ, hướng dẫn bệnh nhân trong đi đứng; lo chỗ nơi ăn ở khi bệnh nhân chưa nhập viện, cũng như khi xuất viện chờ tái khám. Bệnh nhân nào quá khó khăn không tiền ăn uống, đi đứng thì bà vận động hỗ trợ. Đồng thời, có những ca bệnh viện vận động không đủ chi phí, bà chung tay tiếp sức để các bệnh nhân được điều trị kịp thời. Mặc dù tuổi đã ngoài 60, nhưng bệnh nhân cần là bà có mặt.

Có một điều mà tất cả các bệnh nhân và người nhà đều thừa nhận, đó là tinh thần, thái độ phục vụ hết sức ân cần của các bác sĩ, điều dưỡng, y tá… Khoa Phẫu thuật tim mạch. “Dù mình thuộc diện mổ miễn phí, nhưng các thầy thuốc và nhân viên vẫn đối xử vui vẻ, niềm nở, không hề có sự so đo, phân biệt nào”, chị Hằng cảm kích.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định luôn ân cần, thân thiện khi khám và điều trị cho người bệnh, đặc biệt với trẻ nhỏ.       Ảnh: Trung tâm Tim mạch cung cấp                                                                     

Bà Ngô Thị Rỉ kể: “Nghe các bác sĩ nói, em tôi phải mổ 2 lần, tôi không hiểu nên năn nỉ ráng giúp 1 lần vì đường sá xa xôi, đi lại tốn kém. Bác sĩ ân cần giải thích, không phải làm khó mà sợ ảnh hưởng sức khoẻ bệnh nhân. Và nói, nếu như mổ ra thấy ổn thì tiến hành 1 lần luôn. Có gì sẽ điện cho người nhà hay. Và bác sĩ điện cho hay thật. Hồi giờ tôi chưa gặp ở đâu bác sĩ tận tình và tốt bụng như vậy”.

“Mổ cho bệnh nhân Trang Văn Chinh (em tôi) là Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định. Nửa đêm đó ông mổ 1 ca cấp cứu, sáng lại mổ cho em tôi. Dù thời gian làm việc căng thẳng, kéo dài nhưng vừa mổ xong là ông ra cho người nhà hay liền. Mừng vì em mình an toàn, tôi cũng hết sức cảm động vì sự nhiệt tình của bác sĩ. Là trưởng khoa, nhưng trong thăm khám ông luôn vui vẻ thăm hỏi, hướng dẫn, giải thích cặn kẽ làm cho bệnh nhân và người nhà hết sức yên tâm”, anh Trang Văn Lắm trải lòng.

Bệnh nhân Chinh là ca người lớn (36 tuổi) và cũng là ca tốn chi phí nhiều nhất, với hơn 150 triệu đồng. Anh Lắm cho biết, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha bệnh tai biến nằm một chỗ, mẹ bị tiểu đường biến chứng, anh chị em đều nghèo nên không có điều kiện giúp Chinh trị bệnh.

“Nghe được tài trợ mổ miễn phí, gia đình mừng vô cùng. Nhưng khi nhập viện, thấy có ca dù được tài trợ vẫn phải đóng 70-80 triệu đồng, tôi hồi hộp và lo lắng không yên. Khi đi bà con đã đóng góp cho cả chục triệu đồng làm chi phí và chục triệu viện phí, giờ đóng nữa biết lấy tiền đâu ra. Cũng may bệnh viện xét hoàn cảnh, cảm thông và vận động gần đủ viện phí. Thiếu 10 triệu đồng, cô Mai vận động tiếp vào. Ân tình này tôi và gia đình không thể nào quên”, anh Lắm bày tỏ.

12 bệnh nhân là 12 cảnh đời đầy bất hạnh. Họ may mắn gặp được những tấm lòng vàng như ông Vĩnh Sanh, bà Xuân Mai, Bác sĩ Định và các y, bác sĩ, điều dưỡng… Khoa Phẫu thuật tim mạch, những con người đã góp ngọn lửa yêu thương, mang lại sự sống cho người bệnh tim nghèo và thắp sáng, lan toả lòng nhân ái./.

Mỗi năm, Khoa Phẫu thuật tim mạch thuộc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhiều chuyến tầm soát tim miễn phí cho trẻ em nghèo ở nhiều tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên và khu vực ĐBSCL. Từ các chuyến tầm soát, đến nay đã có gần 3.000 trẻ em nghèo bệnh tim được vận động tài trợ mổ miễn phí.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, hiện nay có nhiều chính sách của Nhà nước cũng như nhiều đơn vị hỗ trợ điều trị bệnh tim cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, các gia đình có trẻ nhỏ bị bệnh tim nên sớm đi điều trị để bệnh nhân hồi phục tốt, chất lượng cuộc sống và lao động như người bình thường. Nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không theo hướng dẫn của bác sĩ thì bệnh chuyển biến xấu hơn, có thể dẫn đến đột tử hoặc khó hồi phục như trước, đồng thời chi phí cũng tốn kém nhiều hơn, việc vận động hỗ trợ cũng khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định thông tin, vào ngày 7/4/2018, Khoa Phẫu thuật tim mạch sẽ có chuyến tầm soát tim tại Cà Mau và tiếp tục vận động tài trợ mổ tim miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Thân nhân nên đưa các trẻ đến khám tầm soát để được kịp thời điều trị, phục hồi sức khoẻ. 

Huyền Anh 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.