(CMO) 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề 9.550/ 28.000 người, đạt 34,1%; trong đó: hỗ trợ đào tạo nghề 1.742/ 5.000 người; trung cấp, cao đẳng 738/ 1.260 người; đào tạo, bồi dưỡng nghề 7.070/ 21.740 người.
Cùng kỳ, năm 2020, đào tạo nghề 11.302 lao động, tuy nhiên, do năm 2021 Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg đã kết thúc, kế hoạch đào tạo nghề thấp hơn so với năm 2020 (kế hoạch năm 2021: 28.000 người; kế hoạch năm 2020: 35.000 người).
Theo đó, giải quyết việc làm đạt 52,54%; ngoài tỉnh 16.332/ 21.700 người, ngoài nước 65/ 600 người.
Để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu tỉnh ban hành và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, đồng thời, phối hợp các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách, học nghề…
Nguồn kinh phí đào tạo nghề lao động năm 2021 với tổng kinh phí cấp là 9 tỷ đồng, trong đó, đào tạo nghề cho thanh niên là 2 tỷ đồng. |
Tiếp tục phát huy hiệu quả Trung tâm Dịch vụ việc làm, với các hoạt động tuyên truyền tư vấn, giới thiệu việc làm. Cụ thể, phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức Phiên giao dịch việc làm cho trên 300 sinh viên đang theo học tại trường; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Hiển và huyện Trần Văn Thời, Tập đoàn ICO Chi nhánh Cà Mau… thực hiện tư vấn việc làm tại các xã, thị trấn trên địa bàn 2 huyện nêu trên, với 600 lao động tham gia. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện tư vấn việc làm trong nước và ngoài nước cho Bộ đội xuất ngũ tại 9 huyện, TP Cà Mau. Kết quả đã tư vấn cho trên 500 lượt quân nhân và phát hành trên 500 tờ rơi.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đã ký kết hợp đồng đặt hàng đào tạo nghề may và cung ứng lao động với Công ty TNHH ECCO VN, tham mưu tỉnh ký kết thoả thuận hợp tác và cung ứng 35 lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Hằng My