Sau gần 4 giờ đồng hồ xuất phát từ biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tàu chúng tôi cặp Hòn Chuối an toàn. Trong chuyến hải trình khoảng 17 hải lý, trên vùng biển Tây Nam trước mắt, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân miệt mài bám biển.
Sau gần 4 giờ đồng hồ xuất phát từ biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tàu chúng tôi cặp Hòn Chuối an toàn. Trong chuyến hải trình khoảng 17 hải lý, trên vùng biển Tây Nam trước mắt, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân miệt mài bám biển.
Còn cách hòn gần 1 hải lý, nhưng trên đảo, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng và cư dân Hòn Chuối đã có mặt ở dưới ghềnh và chuẩn bị xuồng nhỏ để đón chúng tôi vào. Lần nào ra hòn cũng vậy, người từ đất liền và người ở đảo luôn có tình cảm đặc biệt với những cái nắm tay thật chặt, vồn vã như người thân.
Nếu như trước đây, đi từ ghềnh lên tới Đồn Biên phòng phải mất 30 phút leo dốc trơn trượt, thì bây giờ đường đi đã được làm bằng các bậc bê-tông chắc chắn. Tuy nhiên, độ dốc khá cao nên với chúng tôi chưa quen, đi được vài bậc lại phải ngồi nghỉ mệt, leo khoảng 200 bậc đá mới lên được cổng Đồn Biên phòng.
Triển khai kế hoạch tuần tra bảo vệ mục tiêu trên đảo. |
Đảo đá cao chót vót nhưng thật lạ kỳ, chỗ nào có đất, chỗ đó có màu xanh. Quân và dân trên Hòn Chuối tận dụng từng khoảnh đất nhỏ để trồng các loại rau, củ, quả. Xung quanh đồn đều được phủ đầy rau lang, rau muống, rau ngót, mồng tơi, mướp và đu đủ.
Dù là đảo đá nhưng chưa khi nào Đồn Biên phòng Hòn Chuối thiếu rau xanh. Thậm chí các anh còn tự túc được cả thực phẩm khác. Phía sau doanh trại còn có hẳn một khu nuôi heo. Theo Đồn trưởng Nguyễn Hùng Tráng, trước đây, cứ gần Tết, ghe đánh cá chở thực phẩm từ đất liền ra hòn, giá thịt heo đắt gấp 3 lần trong đất liền.
Cách đây vài năm, ở đảo này, nhà ai có điều kiện “thịt” con heo, dù ai lấy thịt nạc, mỡ, thậm chí là xương xẩu đều áp “một giá” như nhau, không bớt một đồng. Đó là lý do “con heo còi cũng đáng giá cả triệu bạc”. Nhưng bây giờ đã khác, ngoài Đồn Biên phòng thì anh em ở Hải quân, Ra-đa cũng đã tự nuôi được heo, gà và dê nên không chỉ 3 ngày Tết mà những ngày thường các đơn vị cũng đảm bảo thức ăn tươi cho bộ đội và cung cấp cho dân đảo. Hiện tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối đang nuôi hơn 20 con heo rừng lai, 22 con heo nái và 1 đàn dê đang sinh sản.
Hòn Chuối có 37 hộ với hơn 100 nhân khẩu sinh sống. Trước đây, suốt mùa khô, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng và Nhân dân trên hòn phải mua từng lít nước của các tàu cá chở từ đất liền ra với giá “cắt cổ” rồi “cõng” lên hòn. Từ ngày Đồn Biên phòng được đầu tư xây 6 bể chứa nước mưa và mỗi hộ dân cũng được Nhà nước cấp 1 thùng nhựa loại 2.000 lít để dự trữ nước nên bây giờ có đủ nước ngọt dùng quanh năm. Nước ngọt đã sẵn, nhưng bộ đội vẫn không để lãng phí. Từng chậu nước sau khi tắm giặt lại được truyền dẫn tưới rau, tắm cho heo… Đấy cũng là lý do khiến, suốt những tháng mùa khô, ở đảo không có nước ngọt tự nhiên mà vẫn trồng được rau xanh.
Năm nào cũng vậy, quân và dân Hòn Chuối tổ chức đón Tết sớm. Cũng bàn thờ Tổ quốc với cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, ảnh Bác Hồ, cành mai vàng, câu đối, trái cây và bánh chưng xanh gói bằng lá chuối từ 20 tháng Chạp để đón các đoàn từ đất liền ra chúc Tết. Dân trên đảo tập trung trên Đồn Biên phòng, rồi lại sang Trạm ra-đa Hải quân, đầm ấm như một gia đình lớn.
Suốt đêm giao thừa, đơn vị vẫn tổ chức lực lượng tuần tra bảo vệ mục tiêu trên hòn và dõi theo từng chuyến tàu của ngư dân đang hoạt động trên biển.
Trước đây không có điện xem ti-vi, chưa có mạng điện thoại di động. Cán bộ, chiến sĩ đều trực bên chiếc radio, nghe Chủ tịch nước chúc Tết, rồi lại trực bên máy Icom, nghe lãnh đạo tỉnh điện thăm. Còn bây giờ, mạng di động phủ sóng, nhà ai cũng có máy phát điện, có điện thoại di động, đầu thu kỹ thuật số xem tin tức thời sự nên không khí Tết càng thêm vui nhộn.
Thượng tá Tô Thanh Ngoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòn Chuối, cho biết, hằng năm, người dân trên đảo phải chuyển nhà 3 lần để tránh gió, tránh sóng. Mỗi lần dân di chuyển, đơn vị lại huy động quân số và phương tiện giúp bà con chuyển đồ, dựng nhà. Ông Lê Tứ Phương, Tổ trưởng Tổ an ninh tự quản Hòn Chuối, cũng là một trong những người sinh sống lâu trên đảo này, kể: "Gần 20 năm mưu sinh trên đảo, lần nào tôi di chuyển nhà cũng có Bộ đội Biên phòng phụ giúp. Cứ phải chuyển được nhà mới yên tâm, năm nay cư dân hòn ăn Tết lớn hơn mọi năm vì trúng mùa cá bóp. Hiện cả Hòn Chuối có gần 40 lồng nuôi cá bóp, những tháng cuối năm cá bán được giá, từ 130.000-150.000 đồng/kg”.
Năm nay, Đồn Biên phòng Hòn Chuối có 6 chiến sĩ mới nhập ngũ. Đây cũng là cái Tết đầu tiên những người lính trẻ này đón Tết xa nhà. Cũng có người xốn xang, nhớ nhà, nhớ người yêu. Lại có người háo hức lần đầu tiên chờ đón Tết giữa trùng khơi. Mỗi người một cảm xúc, nhưng tất cả những người lính biên phòng trên đảo Hòn Chuối này đều vững vàng niềm tin: bảo vệ vững chắc biển, đảo, bảo vệ sự bình yên cho mùa xuân mới nữa lại về trên địa đầu cực Nam Tổ quốc./.
Bài và ảnh: Anh Vy