Tôi ngớ người, khi thằng con trai 10 tuổi của mình hỏi: “Ba, ở đâu mới có trồng lúa hả ba?”. Mà cũng phải, Cà Mau giờ chỉ còn vài vùng ngọt hoá trồng lúa, lớp nhỏ làm sao biết được trên đất này cây lúa đã ăn rễ bao đời, nuôi nấng bao nhiêu lớp người, lưu giữ bao nhiêu ký ức của quê hương. Trong đó, có tôi, với tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng. Một thời nghĩ lại thấy lắm cơ cực, nhọc nhằn nhưng mà sao thứ nào được xếp ra từ nỗi nhớ cũng thơm nồng nàn mùi bình yên của làng quê.
Ðó là những ngày giáp Tết, lúa gặt về chất bó rồi được máy suốt hiệu Cửu Long tung những chùm rơm vàng vun cao thành đống, lúa chảy ra thành dòng vàng mẩy. Ðống rơm là thế giới riêng mà lũ trẻ con chúng tôi hẹn nhau bày đủ trò chơi. Tụi tui khoái nhất là những đống rơm ngọn chất cao lừng lững, nhưng phía dưới lại là một khoảng không gian bí mật được lùm dâm bụt đỡ chân. Ðây là những hang động dành cho chúng tôi hẹn nhau chơi bắn ống thụt, trốn tìm, hoặc là những buổi chia chiến lợi phẩm sau khi mò cá mương phèn, hái trộm xoài, ổi của nhà hàng xóm.
Cỡ tuổi thằng con bây giờ, tôi được giao nhiệm vụ quan trọng là kiếm cá cho cả nhà. Buổi sớm, đi tới gần những đống rơm mà người ta suốt bừa, một nửa trên bờ, một nửa tràn xuống mé kinh là mừng rơn trong bụng. Rơm ngấm lâu dưới nước toả lên mùi hăng nồng, ngai ngái. Phía trên bựng khói thành lớp như sương dày, nước chuyển thành màu đen vàng nổi bong bóng. Cá lóc rất thích ẩn thân và kiếm quanh quẩn ở chỗ này. Ðường câu thẩy lên chân đống rơm, mồi nhái lượn nhẹ theo viền nước, cá lóc táp mồi đánh cái ực, quằn đọt trúc. Cá sống ở ven chân đống rơm thường có màu đen mun, loại cá cơi, thịt trắng thơm lựng.
Rồi đồng đất ngún khói rơm rạ. Mưa sa xuống, mạ xanh trồi lên. Cái mùa lúa nhỏ, nước trong veo nhìn thấy đáy sình. Bông súng, năn bộp mới ngoi lên khỏi đất, cọng lá bé xíu đợi vượt lên khỏi mặt nước. Lúc này, cánh kiếm cá chúng tôi chuyển qua câu cá rô tăm tích, mồi sâu lá dâm bụt xanh ẻo. Theo ba má, anh chị ra đồng mần cỏ lúa, giắt theo cần câu trúc thủ thế. Mưa tầm tã, lạnh thấu xương. Ðứa nào mà nhát gan, sợ mưa núp trên bờ đìa thì chỉ có run cầm cập rồi trốn về. Ðể hết lạnh, bí quyết là cứ trầm mình ngâm nước. Rồi khi cúm núm kêu vang phía rặng trâm bầu, trời sụp tối nhanh. Bàn tay giơ lên móp sọp vì ngâm nước, bụng đói cồn cào. Cảm giác được về nhà, ăn cơm, sao mà nó ngon tới tận bây giờ.
Lúa nở bụi thành biển xanh. Gió dập dờn lướt qua như sóng. Hương lúa thanh thanh, tươi mát, hít một hơi căng đầy lồng ngực mà cảm thấy khoẻ khoắn lạ kỳ. Nhưng mê nhất là lúc lúa trổ đòng đòng, rụng bông trắng xuống mặt ruộng bèo. Cá rô lúc này ăn bông lúa đã lớn lứa, phổng phao. Rồi khi lúa cong trái me, bông lúa la đà mặt nước. Ðể ý kỹ thấy mấy hột lúa mẩy căng nhất, chín sớm đã bị cá rô đớp mất lúc nào. Lúc này, dân đi câu gọi là cá rô mề, mập ú ụ. Ngẫm ra, loại cá rô nhân ngãi thuỷ chung với cây lúa. Mạ non thì cá rô tăm tích, lúa trổ đòng đòng thì đã lớn bộn, lúa cong trái me thì thành cá rô mề. Hết mùa lúa, cá rô về đìa bưng thủ thế. Ðợi sa mưa, cá lên dài ngoẵng, thịt cứng ngắc và bụng lặc lè trứng chờ mùa mạ lên xanh.
Lão nông Trần Cao Ðẳng (Ấp 7, xã Khánh Lâm, huyện U Minh) bên vụ mùa ST24 bội thu. |
Ðồng lúa gần mùa gặt hái, dậy lên hương thơm dịu ngọt. Lúa mỗi thì một hương, mạ non thì phơn phớt, lúa xanh con gái thì nồng thắm và lúa chín lại toả ra hương vị yên bình, ấm áp. Nhà có hơi người thì ấm, có lúa ví trong bồ thì toát lên mùi no đủ, phấn chấn. Gạo mới nấu cơm, hít hà một hơi mà thấy cõi lòng sướng vui rộn rã. Những ai gắn bó với đồng quê, ruộng lúa, không thể nào dứt khỏi nỗi nhớ nhung với hương vị máu thịt ấy. Ðể rồi hôm nào bất chợt, băng qua khoảng mênh mông đồng lúa, dừng lại hít căng lồng ngực quê hương, thấy đời thênh thang yêu mến.
Chợ lúa Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, nơi hạt lúa Cà Mau trở thành thương phẩm vươn xa khắp chốn. |
Phạm Quốc Rin