ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 28-12-24 18:15:46
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hương Tràm kể chuyện “Hương tràm”

Báo Cà Mau (CMO) Nhắc tới Cà Mau, ai cũng sẽ nhớ đến tình anh em kết nghĩa với Ninh Bình từ những thập niên 60 của thế kỷ trước. Những người con Hà - Nam - Ninh đã về Cà Mau, đã sống, chiến đấu và góp thanh xuân điểm đẹp mảnh đất cuối trời. Chính vì thế, vở diễn cải lương “Hương tràm” cũng được tạo tác bắt nguồn từ xúc cảm chân thành của Soạn giả Nguyễn Tiến Dương trước câu chuyện có thật, rồi suy tư, ám ảnh hình tượng hai bà mẹ Bắc - Nam, cảm kích sự hy sinh đẹp của những con người trong bức tranh xa.

Trên sân khấu, khán giả được ê-kíp Ðoàn Cải lương Hương Tràm kể câu chuyện “Hương tràm” với nhiều cung bậc cảm xúc. Ở đó có tình yêu đẹp của Nhất Danh - anh bộ đội D10 với cô gái tên Hoa xứ tràm. Trong trận đánh ác liệt với quân Mỹ năm 1972, Nhất Danh đã chiến đấu anh dũng đến viên đạn cuối cùng và nằm lại tán rừng tràm U Minh Hạ. Anh không thể nối tiếp câu hẹn thề với người thương, nhưng vẫn kịp để lại một giọt máu vừa tượng hình như kỷ vật thiêng liêng. Hoa ôm chặt nỗi đau, vẹn lòng chung thuỷ, trọn đời tôn thờ đoá hoa tràm kỷ niệm.

Người mẹ miền Bắc - bà Lài (NSƯT Lịch Sử) suốt bao năm tháng mòn mỏi đợi chờ rồi đau xé lòng trước tin con hy sinh, luôn nuôi hy vọng cuối cùng là tìm được nấm mộ con trai. Người mẹ miền Nam - Hoa (NSƯT Hoa Phượng) mong ước tới ngày giải phóng để được một lần đưa con về thăm quê nội.

Hai cô đào tài danh NSƯT Lịch Sử và NSƯT Hoa Phượng hoá thân vào hai bà mẹ đầy số phận.

Khi Danh Dự (Nghệ sĩ Hùng Vương), giọt máu năm nào là kết quả của tình yêu đẹp, tròn 18 tuổi, được cùng mẹ về Ninh Bình, những tưởng hạnh phúc vỡ oà trong buổi tương phùng Bắc Nam, bà - cháu, mẹ chồng - nàng dâu…, thì cũng có giọt nước mắt nghẹn buồn khi người bác Cả (Nghệ sĩ Hoàng Thanh) vì sự nghi ngờ, vì sợi dây lễ giáo ràng buộc mà ra sức phản đối, không chấp nhận hai mẹ con Hoa được trở thành con cháu của dòng họ mình.

Hai mẹ con trở về miền Nam tiếp tục mạch đời trôi. Rồi bệnh ung thư máu (do di chứng nhiễm chất độc hoá học dưới rừng tràm năm xưa) của bà Hoa diễn biến nặng. Ðến khi đằng nội ở Ninh Bình thuyết phục được bác Cả hiểu, thương, chấp nhận và cả dòng họ xuôi về Cà Mau tìm thăm máu mủ ruột rà thì cũng là lúc giọt nước mắt đắng một lần nữa tuôn trào. Hoa trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay yêu thương của mẹ chồng, của đứa con trai đáng thương và cả đằng nội. Hơi ấm tình thâm nhen lên trong muộn màng bên những nhánh tràm buồn…

“Hương tràm” dẫn dắt khán giả theo nhiều cung bậc cảm xúc.

Từng đi sâu vào sáng tác đề tài cách mạng với các tác phẩm như “Bến đợi”, “Nỗi niềm sau cuộc chiến”, song, với tác phẩm mới này, Soạn giả Nguyễn Tiến Dương không khai thác quá nặng nề vào những cái đã qua mà tập trung đi sâu vào tâm lý nhân vật như một vở kịch chính luận, nói về con người hậu chiến.

Theo NSƯT - Nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu, ông rất ưng ý với đề tài của vở diễn dự Liên hoan Cải lương toàn quốc lần này. Bởi, với nhịp sống đương đại, việc khai thác đề tài chiến tranh trong các tác phẩm nghệ thuật cực kỳ hiếm. Ðặc biệt qua vở diễn này, khán giả trẻ sẽ có thêm góc nhìn, bài học mới từ cuộc chiến tranh đã đi qua. Ðặt để sân khấu sinh động, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và nghệ thuật cũng là cách để quảng bá về xứ sở này, về tấm lòng con người ở hai miền đất nước.

Thông thường, một vở diễn hay phải có sự rõ nét chính diện - phản diện: ta - địch, đen - trắng, thiện - ác. Tuy nhiên, xuyên suốt vở diễn này, khán giả sẽ nhận ra một điều lạ là hoàn toàn không nhân vật phản diện mà chỉ có những con người tốt làm nổi bật tính nhân văn, chuyện ứng xử giữa con người với nhau. Yếu tố kịch được xây dựng bằng chính tâm trạng của nhân vật, những biến nhỏ của gia tộc tạo nên xung đột. Hoàn toàn không có mâu thuẫn gây cấn cao trào.

Nhân vật trung tâm là hai bà mẹ cùng chung một tuyến tâm lý: Bà mẹ miền Bắc mấy chục năm mòn mỏi đợi chờ, nuôi hy vọng tìm được nấm mộ của con. Người mẹ trẻ miền Nam mong tới ngày giải phóng để đưa con về quê nội. Hai bên chờ đợi, kịch bùng nổ ra, những thương cảm, chia sẻ, buồn vui… là những tình tiết gây nên sự xúc động. Ðể rồi cùng nhau thấm đẫm một thông điệp: Sống phải biết chia sẻ, cảm thông. Sau tất cả, điều đẹp nhất của con người là sống để yêu thương lẫn nhau, hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ.

Lớp diễn cuối vở “Hương tràm” do lực lượng nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hương Tràm biểu diễn hứa hẹn chạm tới trái tim khán giả.

“Từ cấu trúc kịch bản, đường dây, cộng với những mảng miếng đạo diễn và các yếu tố phụ trợ như âm thanh, ánh sáng, áp dụng kỹ xảo sân khấu… đã tạo nên sự hấp dẫn đối với một vở diễn có nội dung rất vừa vặn, thời lượng vỏn vẹn 100 phút, qua đó làm nổi bật bi kịch cũng như sự hy sinh của những người bà, người mẹ qua bao năm tháng…”, NSƯT Huỳnh Hảnh nhận xét.

Nhìn tổng thể các nhân vật, đâu cũng là mảng màu riêng điểm đẹp bức tranh “Hương tràm”. Bên cạnh hai cô đào nổi tiếng hoá thân vào hai vai diễn trung tâm đầy số phận, khán giả sẽ còn thương lắm nhân vật chú Tâm (Nghệ sĩ Phi Hải) là một thương binh chống Mỹ tại chiến trường miền Nam rất lạc quan khi nhìn về một quãng lịch sử đã qua; sẽ dễ dàng cảm thông cho một bác Cả (Nghệ sĩ Hoàng Thanh) đặc sệt ông già Bắc Bộ, kỹ tính, coi trọng lễ giáo và đề cao uy tín dòng họ. Nhân vật chàng sinh viên y khoa Danh Dự (Nghệ sĩ Hùng Vương) như lời thủ thỉ: Từ chiến tranh đổ nát có mầm sống được vươn lên. Cuộc chiến tranh dù tàn khốc đến đâu vẫn phải có những con người nối tiếp, bắt đầu từ tình yêu.

NSNA Trương Hoàng Thêm cho biết, ông tâm đắc 3 cảnh được tái hiện trên sân khấu đó là tán rừng tràm Cà Mau, Ga tàu hoả Ninh Bình và xa xa hình ảnh núi non Tràng An hữu tình. Bên cạnh đó, ở cảnh hồi tưởng cuộc chiến tranh cũng là mảng màu thú vị, giúp khán giả có thể hình dung rõ nét một cuộc chiến dữ dội, bi hùng của các chiến sĩ bộ đội D10.

Với thủ pháp chủ yếu khai thác tâm lý để nhân vật đạt đến đỉnh điểm của nó, “Hương tràm” dẫn dắt người xem bằng những cung bậc cảm xúc rất đời, thấy được hình bóng của mình trong đó, rồi bật ra sự đồng cảm chân thật nhất.

Soạn giả Nguyễn Tiến Dương phấn khởi trong đêm công diễn vở cải lương “Hương tràm” do ông chấp bút.

Sau đêm diễn trình làng tác phẩm mới, có nhiều suy nghĩ được gợi ra xoay quanh cái tên “Hương tràm”. Chăm chú ngồi ở một góc nhỏ xem ê-kíp sáng tạo thăng hoa trên sân khấu, rồi lắng nghe những ý kiến đóng góp của những cây đa, cây đề nghệ thuật Cà Mau, NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cười hiền. Ông thích cái tên được đặt cho vở diễn này bởi tính hình tượng nghệ thuật mà nó mang lại. Cây tràm, hoa tràm là biểu tượng đẹp của Cà Mau, trong chiến đấu lẫn lao động. Biết chắt chiu đất mặn phèn, đi qua những gian khổ, đau thương để có được vẻ đẹp lung linh. Từ mất mát đau thương tạo nên vinh quang...

Hương Tràm kể chuyện “Hương tràm” hứa hẹn sẽ góp vào khu vườn nghệ thuật một bông hoa thật đẹp trong mùa hội diễn sân khấu toàn quốc lần này.


Từ ngày 5-20/11, Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 sẽ được diễn ra tại thành phố Long An, tỉnh Long An. 27 vở diễn của 22 đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc sẽ tham gia liên hoan lần này; trong đó, đơn vị Cà Mau thi diễn vào đêm 6/11 với vở cải lương “Hương tràm” (Soạn giả Nguyễn Tiến Dương, Ðạo diễn Quốc Tín).


 

Minh Hoàng Phúc

 

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác văn hoá, thể thao và du lịch năm 2024

Phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2025, ngày 18/12, nhấn mạnh: Các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch trong năm qua không chỉ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 mà còn có bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành tựu trong bảo tồn di sản văn hoá, tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế, và phát triển du lịch là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực không ngừng của ngành văn hoá.

Không gian nuôi dưỡng đam mê

Trong hành trình trưởng thành của mỗi học sinh, trường học không chỉ là nơi cung cấp tri thức, mà còn là môi trường nuôi dưỡng đam mê và khám phá khả năng sáng tạo. Tại Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi), Câu lạc bộ (CLB) Truyền thông trở thành động lực mạnh mẽ, tiếp sức cho khát vọng tuổi trẻ vươn xa.

Cô giáo “tài tử”

Tiết Ngữ văn của Lớp 12X1, Trường THPT Võ Thị Hồng (huyện Trần Văn Thời) do cô giáo Huỳnh Sơn Ca (sinh năm 1989) đứng lớp, bất ngờ đón đoàn khách từ Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau. Ðiểm dừng chân đặc biệt trong chuyến thực tế sáng tác tại huyện Trần Văn Thời đã gieo vào lòng nhiều văn nghệ sĩ xúc cảm đẹp, khi trên bục giảng, cô giáo trẻ say sưa ca bài “Vầng trăng tri kỷ” theo điệu Liên Nam của tác giả Minh Ðăng để khởi động, dẫn dắt học sinh vào bài giảng “Những thế giới của thơ”.

Giữ khoảnh khắc đẹp quê lúa

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Phục Anh sinh năm 1977, quê tỉnh Thanh Hoá. Tốt nghiệp Trường Ðại học Bách khoa Hà Nội, hiện NSNA Nguyễn Phục Anh sinh sống và kinh doanh tại phố Diêm Ðiền, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.

Nàng Kiều "Dưới bóng giai nhân" có gì mới?

“Dưới bóng giai nhân" là một trong những vở diễn lớn của Sân khấu Idecaf từ sau dịch Covid-19. Vở diễn có sự góp mặt của hơn 50 nghệ sĩ, hơn 200 bộ trang phục cổ trang cùng nhiều cảnh trí hoành tráng. Những tên tuổi nổi tiếng từng gắn bó với Sân khấu Idecaf như: Thanh Thuỷ, Mỹ Duyên, Ðại Nghĩa, Ðình Toàn, Bạch Long... gần như từ chối hết các lịch chạy show để góp mặt trong vở diễn, dù là vai nhỏ nhất.

Lung linh Giáng sinh sớm

Dù chưa đến Giáng sinh nhưng không khí mùa lễ hội cuối năm dường như đã len lỏi nhiều nơi. Thời điểm cuối năm nay, nhiệt độ ở Cà Mau giảm, không khí lành lạnh, dễ chịu hơn. Ðây cũng là lúc những quán cà phê, trung tâm thương mại tận dụng “sự chiều lòng” của thời khắc chuyển mùa, đầu tư cảnh trí, tạo không gian Giáng sinh sớm cho người dân tham quan và vui chơi.

Bế mạc Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Cà Mau lần VIII, năm 2024

Có 50 giải được trao cho các tập thể và cá nhân tại Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ lần thứ VIII, năm 2024. Trong đó, 2 giải A tập thể thuộc về Đội Đờn ca tài tử Đầm Dơi 2 và Đội Đờn ca tài tử huyện U Minh.

Cùng Hải Phòng bừng sáng miền di sản

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Ðỗ Trọng Luân từ nhỏ thường được theo cha đi chụp ảnh, hơn ai hết, anh cảm nhận rõ niềm đam mê của thân phụ. Nối bước theo cha, anh đi nhiều nơi, chụp nhiều, đặc biệt về đất và người Hải Phòng quê hương.

"Tha" đồn giặc

Trăng mờ, bấc liu riu, một già một trẻ, chú Năm (Trung đoàn trưởng) cao gầy, cảm giác già nua, tôi thoăn thoắt như chú sóc non chuyền cành.

Lần đầu tôi đi coi hát

Xóm tôi cách thị trấn Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, chừng hơn 5 cây số. Hồi đó, Rau Dừa là thị trấn sung túc, sầm uất chẳng kém gì thị trấn Cái Nước. Hằng năm, mỗi khi mùa khô đến, gánh hát các nơi thường hay về đây lưu diễn, nhiều lần nhất là gánh hát Hương Tràm.