ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 07:02:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Huyền thoại đất

Báo Cà Mau

MH: Minh Tấn

Nước ròng miết bên dưới sàn nhà rột rẹt. Cây đèn măng-xông cũ kỹ treo lủng lẳng, hắt bóng xù xì lên vách ván đước từ quầng sáng rực từ bóng đèn điện nê-on. Ông già xưa khề khà: “Qua ở đây cả đời rồi, giờ già rồi, cái đèn măng-xông cũng sét nghẹt rồi. Chuyện hồi xưa hả? Lúc nhớ, lúc quên thôi. Mà nhớ chi cái thời khổ lắm lắm”...

Ðoàn văn nghệ sĩ già có, trẻ có, mười mấy người bàn nhau tổ chức một chuyến thực tế sáng tác ở miệt rừng đước Ngọc Hiển. Từ khi thông cầu Năm Căn qua sông Cửa Lớn, đường Hồ Chí Minh về tới chót Mũi Cà Mau, đi Ngọc Hiển không có gì là khó khăn nữa. Ðể thay đổi không khí, cả đoàn thống nhất thuê ca-nô đi đường sông.

Theo chỉ dẫn của một đấng bậc đáng kính, đoàn lựa chọn đi về Ông Trang, xứ sở gốc gác của vùng Mũi Cà Mau, tìm chất liệu sáng tác. Nói vậy là có chứng cứ hẳn hoi, chỗ cửa Ông Trang, tức là làng Viên An xưa, có sắc phong đình thần thờ Bổn cảnh Thành hoàng từ thời Tự Ðức. Làng Viên An theo thư tịch chính thống là một trong những làng có tên đầu tiên ở xứ Cà Mau, bao gồm địa phận của các xã Viên An, Viên An Ðông và Ðất Mũi theo phân chia địa giới hành chính hiện nay. Ông Trang là vàm sông - vàm biển, một đấu nối xuống Ðất Mũi, một trổ ra bãi bồi, phía ngoài là biển cả.

Ðêm nay, cả đoàn ghé nhà ông Hai Ứng, người được địa phương giới thiệu là cao niên nhất, hiểu biết nhất về xứ Viên An. Ông già xưa giờ sống với cháu con, một dãy chợ Ông Trang, biệt thự hay nhà sàn hầu hết đều là con cháu của ông cả. Riêng ông, cất một căn nhà sàn nhỏ, tựa con sông Ông Trang mà nằm võng lưới, ngó nước lớn ròng đếm thời gian. Có khách tới, không quen, không lạ, ông chỉ cười hệch và biểu con cháu lo cơm nước, giăng mùng sẵn cho khách, không có chuyện gì mà gấp.

Ông già nằm trên cái võng lưới cắt ra từ đáy hàng khơi đã tháo dỡ mấy năm nay, quờ lần gói thuốc rê rồi vấn một điếu bự chảng, thầm thì: “Ðáy hàng cạn, hàng khơi gì dỡ ráo trọi rồi, còn cá tôm gì đâu mà mần. Nằm võng lưới này chắc cú, mát lưng, tội cái là muỗi cắn rôm mình à. Mấy chú ngồi nhà sàn mát rượi he... Bây giờ có nhà sàn ở là ngon nhất còn gì”.

Cả đoàn ngó ông già xưa, chẳng biết bắt đầu từ đâu, cứ để ông già nói tràng giang, không đầu, không cuối. “Ậy, qua già rồi, giờ nhớ gì kể đó, cứ từ từ, có gì đâu mà gấp. Phải chi hồi trước, xuống cái cầu thang bằng đước trước sàn nhà, quơ tay một chút là sò huyết, vọp rừng, ăn sao hết, bao nhiêu khách cũng ăn không hết”.

Ðêm phủ xuống mau. Cả đoàn chỉ còn lại một nghệ sĩ già, tựa gốc cột đước nhà sàn nghe ông già xưa thầm thì kể chuyện. Mùng giăng la liệt sàn ván đước bóng ngời, mát lạnh. Nằm xuống, ai cũng mau chìm vào giấc ngủ thiếp. Chỉ còn tiếng nước rột rẹt, tiếng cá thòi lòi lõm bõm bay trên mặt sông, tiếng rì rầm xa vắng vọng vang...

***

Xứ này ngày xưa cọp nhiều lắm. Ðất sình bồi tụ, đước đứng chân vững thì cọp về làm chủ. Người tứ xứ về, nhìn thấy cùng trời cuối đất thì ghé vô, tụ lại thôi. Ði đâu được nữa. Nước lớn về thì đất ngập hết, chỉ có cây đước trồi lên. Ðất sình nhão, không cất nhà cửa gì được. Mà cất nhà thì cọp ăn thịt mất xác. Có vợ chồng nọ, vừa đậu xuồng thôi. Xế chiều, mặt trời đã lặn sau vạt rừng đước âm u. Người vợ ôm con nhỏ trong lòng ở nóp xuồng, chồng nói đi kiếm mớ cá về ăn. Người vợ ngủ thiếp đi, mơ màng thấy có bàn tay khều khều. Thằng nhỏ ngóc đầu dậy, trườn qua mình mẹ. Khi ông chồng về hỏi con đâu, người vợ đinh ninh em bé chồng đã bồng đi lúc nãy...

Người nhiều lên, bàn cách trị cọp. Nuôi heo, mần thịt, lấy miểng sành đập nát ướp kín mình heo, gọi là “đãi yến”. Cọp ăn heo, miễng nhỏ cứa nát ruột gan, cồn cào, đuối sức rồi nằm chết rũ ở vạt rừng xa.

Chưa hết đâu, cá sấu lội kín sông. Cái rạch Bỏ Lược đó, có sự tích cả. Mẹ con nọ mới về xứ này, dắt nhau đốn lá dừa nước dựng chòi. Bà mẹ đầu xuồng, con cuối xuồng. Khi quay lại, đứa con gái đã bị sấu bắt mất xác. Bà mẹ đau đớn, đậu xuồng ngay chỗ đó đợi giết sấu trả thù. Ngày qua ngày, khi có người thấy, chiếc xuồng trống không, chỉ còn vương lại chiếc lược với mớ tóc khô rối. Ở cuối sông, người ta phát hiện xác bà mẹ và con sấu già nanh đóng rong rêu phơi bụng.

Ðất dữ thì người khôn thôi, chỗ nào cũng thế. Có điều ở đây không sợ chết đói đâu. Cá tôm thì minh thiên. Mùa chướng, gió phất ngọn, dưới mặt sông có tiếng rù rì, âm âm, phải đêm mới nghe rõ. Cá đó, cá hội, bơi thành đàn, dưới mặt nước đục ngầu một gang tay người lớn thôi, cá thành đàn bơi kín sông. Bắt cá thì thò tay xuống bắt thôi. Muốn bắt nhiều hơn thì lấy cà vung chằm bằng lá dừa nước cỡ bự mà vớt. Cá nhiều quá, sợ chìm xuồng thì thả lại thôi.

Xứ này không có đất nổi đâu, chỉ có đất chìm. Nước ròng, đàn bà nấu cơm, đàn ông móc đất đắp theo chân đước. Nước lớn thì đàn bà nấu cơm, đàn ông lặn xuống móc đất đắp. Ngày qua ngày thì đất nổi lên, thành nền nhà, thành vườn. Người sau lại đến móc đất đắp. Ðắp mãi, thì thành làng xóm thôi. Người sống cũng như người chết, phải móc đất sình lên đắp mới có chỗ ở. Không ai sống mãi mà móc đất đâu. Người sống móc đất để cho người chết nằm. Vậy thôi!

Một dạo nọ, có ghe buồm từ ngoài biển vào, nói thứ tiếng lạ, cướp bóc bạo ngược. Người ta gọi là giặc chà và. Mới đầu tụi nó vào gạ trao đổi cá tôm lấy vải, lấy lưới. Rồi thì nó cướp, cướp của, cướp người. Thanh niên trai tráng tụ lại, quyết trị giặc chà và. Mác vót, đọt cà bắp thôi. Cà bắp đó, cứ chặt rồi rình trên ngọn đước, tụi chà và vô thì cứ thế mà phóng. Tụi nó khiếp vía, hết dám léo hánh.

Không có nước ngọt đâu. Mùa mưa thì đâu nói gì. Mùa khô chèo ghe buồm ra Hòn Khoai lấy nước suối. Chưa yên đâu! Tụi mũi lỏ từ đâu xì xà xì xồ vô xưng chúa đảo, không cho dân lấy nước. Tụi nó giơ súng, bắt người. Tụi nó vô rừng xưng làm chủ. Người ở đây đốn một cây đước, một tàu dừa nước cũng phải xin phép. Sống ở rừng đước mà không có cột làm nhà, cây vừng vách, lá lợp chòi. Một cây cần câu cũng không có luôn. Tụi nó xẻ rừng, mở cúp, khai thác đước, hầm than.

Không ai cam tâm đâu. Một ngày nọ, giáo Hiển từ Hòn Khoai trở về, báo tin đã giết chết chúa đảo, tụi kiểm lâm đầu hàng. Bà con kéo nhau ăn mừng. Có người ôm gốc đước mà khóc vì hả hê. Bẵng đi mấy năm, tụi Nhật về ở nhà việc đầu vàm sông. Rình tụi nó đi lượm trứng chim, cán bộ Việt Minh dẫn đầu đoàn người vô bắt sống, thu súng. Mấy ngày sau Cụ Hồ đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập đó...

Lại giặc. Lần này, đồn đóng ngay chợ Ông Trang. Có bà vợ ông cố vấn ở đẩu đâu về lại xưng làm chủ rừng đước. Lần này, đước bị tận diệt để lò than sáng lửa. Ðước xứ này, than xứ này mà tàu chở về đâu mất tích. Tụi ác ôn, đạn bom, dân tản hết vào trong ruột rừng lánh nạn. Thanh niên trai tráng trong rừng lập làng, theo cách mạng kháng chiến hết. Ðang trong rừng, nghe tin Cụ Hồ qua đời. Ở đây, giữa rừng đước, lập đền thờ tưởng nhớ Bác. Người ta kê đước già theo kiểu “liệt địa” làm nền. Trên đền dựng vách đước, nóc lợp thiếc, trạm trổ kỳ công, trang trọng lắm. Câu liễn đối trong đền đây: “Chí khí trang sơn hà, cứu quốc anh hùng duy hữu nhất/ Minh tinh quang vũ trụ, Á, Âu hào kiệt thị vô song”. Chỗ đền thờ Bác thành mặt trời giữa ruột rừng đước Ông Bọng. Giặc biết đó, mà nào có dám bén mảng vô gần...

Sông nước này đây, giặc hết chiến thuật này đến chiến lược khác, ăn nhằm gì. Tụi nó tức mình, đổ chất diệt cỏ, diệt cây bằng máy bay. Nước độc tới đâu, rừng đước chết đứng tới đó. Tụi nó giãy chết mà. Dân xứ này, không có một ai theo giặc đâu, từ già tới trẻ, nó tưởng diệt hết đước xứ này là ăn. Ðâu có dễ, đước chết lại mọc thôi. Xứ này là xứ đước mà. Mà đước còn thì người còn. Hết lớp này tới lớp khác. Vậy đó!

À, ăn cơm. Giặc giã quá, gạo đâu ăn. Nước cũng không có mà uống đâu. Ðồn bót quây kín hết mà. Dân vô rừng bẻ trái mắm, ăn thay cơm. Chưng nước mặn lấy nước ngọt để cầm cự. Khổ quá hả? Ðâu có. Thời thế nó vậy, người ta sống tuốt thôi, miễn là sống phải lẽ. Người ở đây vậy đó. Phải lẽ là móc ruột gan thôi, còn gian tà, hung hiểm thì không trụ nổi đâu.

Một sáng nọ, người ta bàn nhau lấy ghe biển kết lại, làm bè thuỷ lục, rước di ảnh Bác Hồ ra thị xã để mừng ngày thống nhất nước nhà. Ðó, giặc nào cũng rụi hết thôi. Dân ở đây đi bảy ngày bảy đêm, đưa Bác đi, đón Bác về, rồi mở hội, ghé lại đầu vàm Ông Trang dựng đền Bác luôn ở đó. Chớ có nghĩ xứ rừng đước khỉ ho cò gáy này, Bác Hồ chưa từng đến. Bác Hồ vẫn ở đây, ở lâu lắm rồi, bây giờ vẫn vậy, sau này cũng vậy thôi.

Chà, qua già quá rồi, còn nhớ gì nhiều nữa đâu. Thôi ngủ đi...

***

Khách giật mình. Có tiếng gà gáy gọi cầm canh. Ông nghệ sĩ già vô mùng từ lúc nào. Ông già xưa vẫn cọt kẹt lắc võng lưới. Tàn thuốc rê lập loè. Ngoài mênh mông kia, một trái mắm vừa mới trồi rễ, một trái đước rớt từ tán cây già cắm vào nền đất sình nhão ngọt lịm. Chẳng biết là câu chuyện của ông già xưa kể hay là vọng về từ thuở nào của đất...

 

​Phạm Quốc Rin

 

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.