(CMO) Còn vài ba tuần nữa bà con bắt đầu vào vụ thu hoạch mía niên vụ 2017–2018. Mặc dù vẫn với nỗi lo phập phồng như những vụ mía trước, nhưng theo thông tin về giá cả thị trường và tình hình thời tiết năm nay khá thuận lợi đã giúp bà con phần nào yên tâm sản xuất và tin tưởng một vụ mùa bội thu.
Bài 2: Đi tìm vị thế cho cây mía
Niên vụ 2017–2018, diện tích mía toàn huyện Thới Bình khoảng 700 ha, giảm 60 ha so với niên vụ 2016–2017. Trong đó, xã Trí Lực là 460 ha, Trí Phải 70 ha, Biển Bạch Đông 103 ha, Tân Bằng 26 ha.
Nỗi lo chưa hồi kết
Nhiều năm nay, thời gian vào vụ ép mía của nhà máy đường vẫn thường xuyên bị thay đổi do tình trạng đường tồn kho, giá thấp và sức ép của đường nhập khẩu. Nếu không nắm bắt được thời gian ép mía cụ thể, người dân sẽ thu hoạch mía sớm, dẫn đến không đạt về năng suất và chữ đường, giá thu mua sẽ thấp và nông dân sẽ là người chịu thiệt thòi.
Ngoài ra, việc thiếu nhân công thu hoạch mía đẩy giá thuê lên cao vào thời điểm thu hoạch rộ cũng gây khó khăn cho người trồng mía. Những năm gần đây, giá thuê nhân công từ 200.000–300.000 đồng/người/ngày. Thất bại từ những vụ mía trước đã khiến nhiều lao động tại địa phương đi các khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai tìm sinh kế nên lao động tại chỗ hiếm hoi là điều đương nhiên.
Ngoài ra, việc minh bạch trong đo đạc chữ đường của nhà máy vẫn là vấn đề cần được giải quyết thỏa đáng cho nông dân. Ông Lê Văn Vững (Ấp 6, xã Trí Phải) ngán ngẩm: “Năm rồi giá mía cũng được 900–1.200 đồng/kg. Nhưng mướn nhân công đào hộc, đánh lá, thu hoạch ngày càng khan hiếm. Trả 250.000 đồng/ngày một người mà họ còn không muốn làm. Bởi vậy, vụ mía trừ hết chi phí lời chưa được 15 triệu đồng”.
Chữ đường mía đầu vụ chỉ từ 6–7 CCS, đến giữa vụ từ 8–9 CCS và cuối vụ từ 10–11 CCS. Vì vậy, giá thu mua mía đến cuối vụ từ 1.000 – 1.200 đồng/kg, trong khi đầu vụ giá mía chỉ từ 700–900 đồng/kg.
Ông Tô Ngọc Sương (Trưởng Ấp 6, xã Trí Phải) lo lắng: “Nhà máy đo chữ đường bao nhiêu mình đâu biết được. Thương lái vô rẫy mình mua mía, khi đem ra nhà máy, nếu đo đường 10 chữ thì giá 1.100 đồng/kg. Thương lái có lời thì họ giữ nguyên giá, nếu nhà máy đo có 7–8 chữ thì giá có 600–800 đồng/kg, bắt buộc thương lái cũng phải sụt giá theo thì mới có lời. Họ thông báo lại chữ đường bao nhiêu thì mình nghe bấy nhiêu, chứ mình đâu có đo được”.
Ông Nguyễn Vũ Bằng, Trưởng phòng Nông vụ của Công ty cổ phần mía đường Tây Nam, cho biết, vấn đề bao tiêu mía cho bà con gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là việc thu mua mía phải qua khâu trung gian thương lái, do địa hình nơi đây có mạng lưới kinh rạch chằng chịt, phải vào tận rẫy thu mua. Nếu nhà máy trực tiếp thu mua thì cần có thêm nhân công để thành lập đội thu mua và phương tiện vận chuyển, tuy nhiên nhà máy đang gặp khó khăn về vấn đề này. Hiện nay diện tích mía ngày càng thu hẹp nên chuyện thiếu nguyên liệu không chỉ của nhà máy đường Cà Mau mà các nhà máy đường ở ĐBSCL cũng vậy. Vì thế, khi đưa ra giá bao tiêu mía, bà con ký hợp đồng, nhưng khi có thương lái từ tỉnh khác thu mua giá cao hơn thì bà con bỏ hợp đồng với nhà máy. Nếu thống nhất được giá cả thu mua giữa các nhà máy đường thì việc bao tiêu mía sẽ thuận lợi hơn, vừa đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, vừa tránh tình trạng bà con bị thương lái ép giá.
Hy vọng mùa mía “ngọt”
Nhiều năm nay, hơn 70% bà con sử dụng giống mía ROC 16. Đây là giống có chữ đường cao, tuy nhiên khả năng chịu hạn mặn không cao. Do đó, tháng 6/2017, Xí nghiệp đường Cà Mau (Ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) trồng thí điểm 3 loại giống mía mới là KK3, KK4 và ROC 26 cho 3 hộ tại xã Trí Lực, với diện tích mỗi hộ 2.000 m2.
Ông Lê Văn Sự hy vọng vào giống mía KK3 và ROC 26. |
Là một trong ba hộ được trồng thử nghiệm, ông Lê Văn Sự (Ấp 9, xã Trí Lực) phấn khởi: “Giống mía này chịu hạn, mặn tốt nên phát triển tốt hơn những giống trước. Nếu thành công thì năm sau tôi chuyển qua trồng thêm 2 công mía giống mới này, mà mía có giá nữa thì bà con trồng mía mới khá lên được”.
Từ đầu vụ đến nay mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cây mía phát triển, ít xảy ra bệnh, từ đó giảm chi phí sản xuất. Theo tính toán của bà con trồng mía, nếu điều kiện thuận lợi đến khi thu hoạch thì năng suất mía năm nay có thể đạt từ 80–90 tấn/ha.
Công nhân sửa chữa máy móc, nhà xưởng để chuẩn bị vào vụ ép đường. |
Niên vụ này, Công ty cổ phần mía đường Tây Nam thống nhất đưa ra giá sàn bao tiêu mía là 900 đồng/kg loại 10 CCS tại cầu cảng nhà máy, tăng 70 đồng so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực, chia sẻ: “Hiện diện tích mía của xã là 460 ha, tăng 14 ha so với năm 2016. Do giá gừng giảm mạnh nên bà con đã quay trở lại trồng mía. Năm nay giá mía được Xí nghiệp đường Cà Mau bao tiêu với giá khá cao, là tín hiệu vui cho bà con trồng mía. Nhất là khi nhà máy thực hiện thí điểm 3 giống mía mới trên diện tích 6.000 m2 và đang phát triển rất tốt”.
Điều đó cho thấy, nếu có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp sẽ giải quyết được những vướng mắc trong sản xuất, mang lại lợi ích hai bên. Chủ trương, định hướng đúng đắn của các ngành sẽ tạo được niềm tin, giúp bà con gắn bó, từng bước khôi phục lại vùng nguyên liệu mía, từ đó đời sống của người dân cũng từng bước ổn định và phát triển.
Bài 1: Khóc cười chuyện cây mía
Thảo Mơ
Nhà máy đường Cà Mau được khởi công xây dựng năm 1997 tại Ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, đến cuối năm 1999 chính thức đi vào hoạt động. Do trong quá trình sản xuất không hiệu quả nên đến năm 2009 nhà máy cổ phần hóa thành Xí nghiệp đường Cà Mau (thuộc Công ty cổ phần mía đường Tây Nam). Tháng 4/2016, Công ty cổ phần mía đường Tây Nam được Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ mua lại. Đến nay, Xí nghiệp đường Cà Mau đã hoạt động ổn định trở lại với 155 công nhân, trong đó có 30% lao động thời vụ. Niên vụ 2016–2017, xí nghiệp đường Cà Mau thu mua được 66.000 tấn mía, sản xuất được 5.000 tấn đường. Dự kiến từ ngày 1/10, Xí nghiệp đường Cà Mau bắt đầu hoạt động với tổng sản lượng ký kết hợp đồng bao tiêu khoảng 140.000 tấn mía nguyên liệu. |