Hiện nay, trên địa bàn xã Trần Thới (huyện Cái Nước) có 510 hộ nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm với hơn 1.000 ha. Trong bối cảnh giá tôm sụt giảm, con sò huyết trở thành vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân nơi đây vươn lên khá giả.
Sò huyết có giá khá cao, loại 100 con/kg được thương lái mua từ 110-120 ngàn đồng/kg.
Điển hình như hộ ông Lê Ðắc Lợi, ở ấp Ðông Mỹ. Ông Lợi cho biết, mô hình đưa sò huyết vào nuôi ghép trong vuông tôm được ông thực hiện hơn 10 năm nay. Nếu như thời gian trước, giá sò còn rẻ, việc nuôi kết hợp này chỉ đóng vai trò như một sinh kế phụ thì khoảng 5 năm trở lại đây, con sò huyết giúp ông thu về trên 100 triệu đồng/năm. “Mình nuôi sò lại dễ trúng tôm, vì tôm là loài máu trắng, sò là loài máu đỏ, hai vật nuôi này không mâu thuẫn nhau trong một môi trường nước, sò có chết cũng sẽ trở thành thức ăn cho tôm. Trên diện tích canh tác của tôi hiện nay 7 công đất, nếu chỉ nuôi tôm, thu lãi khoảng 30 triệu đồng là tối đa, còn với sò huyết lại cho thu nhập gấp đôi, gấp ba. Vấn đề cải tạo ao đầm cũng đơn giản, tôi chỉ sử dụng vôi, phân để hạ phèn và dùng men vi sinh định kỳ”, ông Lợi chia sẻ.
Với bản tính ham học hỏi, đổi mới, ông Lê Ðắc Lợi (người đứng dưới nước) đã thành công với mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm mang lại thu nhập cao.
Không chỉ là lão nông thành công trong nhiều vụ nuôi thu nhập trăm triệu, ông Lợi còn tự thuần và cung cấp giống chất lượng cho các hộ có nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Quyền, phụ trách khuyến nông xã Trần Thới, cho biết: “Thực hiện Kế hoạch “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, Trần Thới là địa phương được Trung tâm Khuyến nông chọn làm nơi thực hiện mô hình nuôi sò huyết 3 giai đoạn, với quy mô 10 ha/4 hộ. Trong thời gian tới, các hộ nuôi cũng sẽ được tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cũng như được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 50% con giống; tuyên truyền cho người dân nhân rộng mô hình trên địa bàn xã”./.
Hữu Nghĩa