(CMO) Kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, góp phần bảo vệ sản xuất, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là mục tiêu của Kế hoạch số 39/KH-UBND tỉnh.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau Trịnh Văn Lên khẳng định: “Tỉnh đang tập trung tối đa nhân lực, vật lực để tạo chuyển biến về môi trường ở 2 khu công nghiệp Hoà Trung, Sông Đốc và khu vực nội ô TP Cà Mau trong năm 2018 này”.
Khu Công nghiệp Sông Đốc là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. |
Thời gian qua, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh tuy có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đảm bảo để kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Các tuyến sông trong nội ô thường xuyên bị ô nhiễm. Tiêu biểu là đoạn sông từ cống Cà Mau đến ngã ba Hoà Trung, kinh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, kinh Thống Nhất, kinh Ba Khoanh, kinh Mới, sông Cái Nhúc… rác thải tồn đọng thường xuyên, nhất là thùng xốp, túi nhựa. Nguồn nước luôn trong tình trạng đen và có mùi hôi do nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý mà thải ra sông rạch.
Khu Công nghiệp Hoà Trung là một trong những điểm nóng nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường những năm gần đây. Khu vực này hiện có 9 cơ sở sản xuất công nghiệp, gồm 5 cơ sở chế biến thuỷ sản và 4 cơ sở chế biến chytin, nước mắm. Trong khi đó, tại đây lại không có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung và việc kiểm soát xả thải vô cùng khó khăn do nhiều vị trí xả thải nằm bên dưới nhà dân ven sông. Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất chytin và nước mắm phát sinh nhiều mùi hôi, khí thải phát tán rộng nhưng phần lớn nhà xưởng xuống cấp, mặt bằng sản xuất chật hẹp, không đủ diện tích bố trí hệ thống thu gom nước thải, khí thải đạt yêu cầu; hầu hết các cơ sở đều chưa lắp đặt hệ thống xử lý mùi hôi, gây ô nhiễm, bức xúc cho người dân trong khu vực và xung quanh.
Cụm Công nghiệp Sông Đốc và khu vực tiếp giáp cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Trong khu vực này có 12 cơ sở sản xuất công nghiệp, gồm 3 cơ sở chế biến thuỷ sản và 9 cơ sở sản xuất bột cá. Do đặc điểm loại hình sản xuất bột cá với công nghệ lò hơi đốt trấu rời nên phát sinh nhiều bụi, khí thải ra môi trường xung quanh; thêm vào đó, các cơ sở sản xuất chytin, sơ chế thuỷ sản nhỏ lẻ không có hệ thống xử lý nước thải đang tồn tại cạnh khu công nghiệp nên mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Ông Lên nhận định, bảo vệ môi trường phải xuất phát từ ý thức của cộng đồng và ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm phải từ cơ sở. Luật Bảo vệ môi trường cũng đã quy định rõ trách nhiệm quản lý việc vứt rác xuống sông rạch là của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Kế hoạch 39 của UBND tỉnh cũng xác định rõ việc đẩy mạnh tuyên truyền và buộc người dân ký cam kết bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của huyện, xã, nếu vi phạm thì thẩm quyền xử phạt cũng của cấp huyện.
Sẽ áp dụng biện pháp đóng cửa
Có thể thấy hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua còn thấp và chưa nhận được sự vào cuộc một cách đồng bộ từ tỉnh đến người dân. Mới đây, UBND huyện Đầm Dơi có báo cáo tình trạng cá chết trên địa bàn xã Tân Trung. Tuy nhiên, khi Sở Tài nguyên - Môi trường cùng Chi cục Thuỷ sản xuống hiện trường không thể thu được mẫu cá chết nào nên không thể xác định được chính xác nguyên nhân cá chết mà chỉ phân tích mẫu nước để dự đoán, khoanh vùng tìm nguyên nhân cá chết. Ông Lên cho biết, khi báo cáo đến Sở đã trễ mấy ngày nên không thể lấy được mẫu cá. Tình trạng này cũng tương tự năm 2017 huyện báo cá chết rất nhiều nhưng huyện cũng không thu được mẫu cá. Ông Lên khẳng định, chắc chắn nguồn nước có ô nhiễm, nhưng nguyên nhân thì chưa thể xác định là từ nước thải sinh hoạt của thành phố đổ về hay do nước thải công nghiệp…
Liên quan đến quản lý địa bàn trong quản lý môi trường, ông Lên còn thông tin thêm, nước thải từ ao đầm nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay rất đáng lo ngại. Theo rà soát của Sở NN&PTNT, có gần 50% số cơ sở nuôi tôm siêu thâm canh chưa đảm bảo các công trình xử lý ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện, đặc biệt là TP Cà Mau vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không có phương án đánh giá tác động môi trường, mà việc quản lý, kiểm tra và xử lý là trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố.
Điều đặc biệt quan tâm hiện nay là TP Cà Mau có đến gần 70 cơ sở chế biến thuỷ sản, nhưng qua kiểm tra bước đầu mấy chục cơ sở, tất cả đều không có công trình xử lý nước thải. Việc cơ sở chế biến tồn tại song song với nhà máy chế biến thuỷ sản sẽ dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước. Ông Lên phân tích, trước mắt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, kế đến là làm thất thoát ngân sách từ việc tuồn hàng ra ngoài thông qua các cơ sở này khó có thể kiểm soát được, sử dụng đất sai mục đích do một số cơ sở ở các huyện xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng lao động không có bảo hiểm. Từ đó dẫn đến hậu quả tất yếu là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Các sở, ngành liên quan đã tiến hành triển khai Kế hoạch số 39 của UBND tỉnh tại 2 khu công nghiệp Hoà Trung và Sông Đốc. Qua đó, gần 30 doanh nghiệp đều đồng thuận các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường trong kế hoạch. Ông Lên cho biết, trong kế hoạch có quy định, nếu hết năm 2018 mà không có công nghệ khắc phục khói bụi ở Khu Công nghiệp Sông Đốc và mùi ở Khu Công nghiệp Hoà Trung thì chắc chắn sẽ phải đóng cửa./.
Song Nguyễn