(CMO) Vừa qua, Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT)) đã có thông tin về việc Việt Nam bị EU rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thuỷ sản. Mặc dù việc bị EU rút thẻ vàng không áp dụng cho hoạt động xuất khẩu thuỷ sản nhưng hoạt động này sẽ bị kiểm tra gắt gao hơn và trong thời gian 6 tháng kể từ khi bị rút thể vàng nếu Việt Nam không khắc phục và đáp ứng được yêu cầu sẽ bị rút thẻ đỏ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động khai thác, sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản của cả nước nói chung, của Cà Mau nói riêng, sẽ đối mặt với nhiều hệ luỵ lớn.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Cà Mau, cho biết: “Việc rút thẻ vàng giống như một hình thức cảnh cáo, nếu không đáp ứng được các yêu cầu của EU thì sẽ bị rút thẻ đỏ. Khi ấy các mặt hàng hải sản sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường EU”.
Theo ông Trung, việc rút thẻ vàng này về cơ bản là trên lĩnh vực khai thác chủ yếu tập trung ràng buộc chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản cũng như EU quy cho chúng ta khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Tuy nhiên, để coi là bất hợp pháp thì có nhiều diện như: Họ yêu cầu tàu cá khi ra khơi phải có đăng ký, đăng kiểm, có kiểm soát của biên phòng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá, hoạt động đúng ngành nghề được phép… nếu không đáp ứng nhu cầu đó thì coi là bất hợp pháp.
Hoạt động khai thác hải sản cần được tăng cường quản lý. |
Thực tế thời gian qua Cà Mau đã có hiều hoạt động chấn chỉnh cũng như quản lý hiệu quả hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải có ý kiến chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi nghề khai thác hải sản ven bờ cho ngư dân Cà Mau, với mục đích là triển khai thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác hải sản ven bờ gây sát hại nguồn lợi hải sản sang các nghề thân thiện với môi trường, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện chuyển đổi nghề trong thời gian tới.
Ngoài ra, năm 2017, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 8319/UBND-NNTN về việc tăng cường công tác ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài…
Để khắc phục theo những khuyến cáo của EU, ông Nguyễn Văn Trung nhận định: “Thời gian vừa qua tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có diễn ra nhưng không nhiều mà chủ yếu là tàu cá các địa phương khác. Mục đích của việc EU rút thẻ lần này theo tôi là họ muốn đánh động đến các cơ quan Nhà nước phải tăng cường công tác quản lý”.
Ông Trung cho biết, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp. Sau khi kế hoạch trên được phê duyệt sẽ có cơ sở để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó có việc yêu cầu các tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên gắn thiết bị giám sát hành trình nhằm tích hợp với các cơ quan quản lý để nắm được toạ độ hoạt động của các tàu khai thác xa bờ. Hiện nay, Cà Mau đã thí điểm hình thức này. Bên cạnh đó, số lượng tàu khai thác ven bờ của tỉnh còn nhiều, nhưng tàu dưới 20 CV giao cho địa phương quản lý. Những tàu này không cần đăng kiểm, do đó ngành chức năng đang tiến hành rà soát, tổng hợp để đánh giá mức độ hiệu quả, từ đó có giải pháp quản lý trong thời gian tới./.
Qua kết quả kiểm tra, Đoàn công tác DG-MARE của EU cho rằng, hoạt động khai thác thuỷ sản của Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các quy định của EU nên đã đưa ra 5 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam phải hoàn thành trước ngày 30/9/2017: hoàn thiện thể chế; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản; ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tuy nhiên chúng ta chưa làm được. |
Đặng Duẩn