(CMO) Thông tin từ Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, dù tình hình thời tiết những ngày qua mưa nhiều, nhưng lực lượng xây dựng tuyến kè áp mái đai rừng phòng hộ nhằm hộ đê biển Tây theo cơ chế khẩn cấp vẫn đang tập trung lực lượng, phương tiện, thi công cả ngày lẫn đêm.
Hiện, trên công trình đã thực hiện xong việc lắp vải địa, phên tràm và thả đá hộc tuyến kè áp mái đai rừng, nhằm hộ đê, được một đoạn trên 200 m. Máy đào vẫn ngày đêm hoạt động, sà lan tiếp tục chở đá vào công trường, dù trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Sà lan khẩn trương vận chuyển đá hộc, kể cả vào ban đêm để xây dựng tuyến kè áp mái đai rừng phòng hộ, nhằm hộ đê từ xa tại xã Khánh Hội, trong điều kiện thi công gặp nhiều khó khăn do thời tiết. |
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covivd-19, nhà thầu cũng đã xây dựng phương án thi công, thống kê số lượng công nhân gửi đến chính quyền địa phương (xã Khánh Hội, huyện U Minh) để kiểm tra, thực hiện xét nghiệm định kỳ theo quy định (PCR hoặc test nhanh cho 100% người lao động tại công trình và thực hiện “5K”).
Hiện, trên tuyến đê biển Tây, đơn vị thi công đang khẩn trương triển khai khắc phục đoạn sạt lở từ Vàm T29+1300 - Vàm Khánh Hội và đoạn từ Vàm T25+700 hướng về Vàm T29 (xã Khánh Hội) với chiều dài 1.700 m, nguồn vốn đầu tư 14 tỷ đồng.
Đây là tuyến đê biển chưa có kè hộ đê phá sóng bên ngoài, đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, nguy cơ vỡ đê là rất lớn, khi thời tiết diễn biến phức tạp.
Tiến độ xây dựng kè áp mái đai rừng phòng hộ nhằm tạo “phòng tuyến” từ xa, đảm bảo giữ vững tuyến đê biển trong mùa mưa bão, bảo vệ hơn 2.700 hộ dân sinh sống ven biển, 2 khu dân cư sinh sống tập trung (Vàm T25, Vàm T29 - Khánh Hội, U Minh) và trên 2.900 ha đất sản xuất nông nghiệp, khoảng 17.000 ha rừng tràm, các trường học, trụ sở cơ quan dọc theo tuyến đê biển Tây...
Trần Nguyên